Dư luận Mỹ lo ngại về cuộc bầu cử tại Ai Cập

Cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào ngày 16 - 17/6 tới tại Ai Cập được dư luận chính giới và báo chí Mỹ đặc biệt quan tâm bởi lẽ cho dù kết quả như thế nào thì nó cũng sẽ đưa hoặc là một ứng cử viên của một tổ chức Hồi giáo hoặc một đại diện của chế độ cũ lên cầm quyền. 
 

Hai ứng cử viên tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi (trái) và Ahmed Shafiq. Ảnh: Internet

 

Báo “Bưu điện Oasinhtơn” ngày 27/5 cho biết cả hai ứng cử viên còn lại của vòng một là ông Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng thời Hosni Mubarak và ông Mohammed Mursi, thủ lĩnh Hồi giáo bảo thủ thuộc tổ chức “Anh em Hồi giáo” đều đang tự tung hô chiến tích mình là người đi tiên phong trong cuộc nổi dậy hồi năm ngoái lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Trong khi đó, 11 ứng cử viên thất cử trong vòng một lại đang mở chiến dịch đòi kiểm lại phiếu vì cho rằng có nhiều gian lận. Ứng cử viên cánh tả Hamden Sabbahi, chính khách về đích thứ ba trong vòng một, tuyên bố sẽ phát đơn kiện đòi hoãn cuộc bầu cử vòng hai vì cái mà ông ta cho là có nhiều gian lận và bản thân cựu Thủ tướng Shafiq vẫn đang vướng vào một cuộc điều tra. Ông Sabbahi và cựu Tổng thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa, một chính khách cũng bị thất bại trong vòng một, đòi tiến hành điều tra những lời cáo buộc về việc hơn 900.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội cũng được phát thẻ bầu cử, vi phạm quy định cấm lực lượng an ninh tham gia bầu cử. Trong khi đó, nhóm quan sát viên của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng than phiền rằng nhóm của ông đã bị hạn chế trong việc tiếp cận thùng phiếu và các quan sát viên quốc tế chỉ được phép có mặt tại mỗi khu vực bỏ phiếu trong vòng hơn 30 phút.


Theo bài báo, kết quả cuộc bỏ phiếu vòng một trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên trong lịch sử Ai Cập đã đặt cử tri vào một tình thế lựa chọn rất khắc nghiệt trong vòng hai giữa một bên là ông Mohammed Mursi, một thủ lĩnh Hồi giáo cam kết nếu thắng cử, việc đầu tiên ông ta sẽ làm là áp đặt rộng rãi các luật lệ của Hồi giáo với bên kia là cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq, người tranh cử với lời cam kết sẽ ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo chính trị để lập lại trật tự và an ninh.


Cả hai ứng cử viên còn lại này cũng được chính giới Mỹ nhìn nhận là “không lý tưởng đối với các lợi ích của Mỹ”. Marina Ottaway - chuyên gia về Trung Đông thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace - cho rằng cả hai ứng cử viên còn lại đều là sự lựa chọn xấu đối với Mỹ. Cựu Thủ tướng Shafiq, nếu thắng cử, có thể lại dẫn tới một cuộc nổi dậy mới vì cử tri lo sợ chính khách từng là vị tướng không quân này có khả năng sẽ đưa Ai Cập trở lại chế độ cũ như thời Hosni Mubarak và đất nước Ai Cập có nguy cơ rơi vào tình trạng chia cắt hơn. Trong khi đó, nếu ông Mohammed Mursi lên làm tổng thống, tổ chức “Anh em Hồi giáo” sẽ được trao quá nhiều quyền lực, sau khi phe Hồi giáo kiểm soát phần lớn ghế quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua, thậm chí sẽ nắm vai trò độc quyền trong chính phủ dân chủ đầu tiên tại Ai Cập và sẽ xây dựng Ai Cập thành một quốc gia Hồi giáo cứng rắn như Arập Xêút.


Câu hỏi khó khăn nhất đối với Oasinhtơn là nếu ông Mursi đắc cử tổng thống trong vòng hai, thì vị thủ lĩnh Hồi giáo này sẽ lựa chọn một chính phủ như thế nào.

 

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN