Dư luận quốc tế về việc hai miền Triều Tiên xúc tiến hội nghị thượng đỉnh

Mỹ, Nhật Bản và giới phân tích ngày 6/3 đã đưa ra những nhận định về một loạt tuyên bố của Triều Tiên sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Đáng chú ý nhất là Bình Nhưỡng nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Seoul vào cuối tháng 4 tới, sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Washington về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như bình thường hóa quan hệ song phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ "sẵn sàng nỗ lực" và đàm phán với Triều Tiên "có khả năng đạt tiến triển". Ảnh: THX/TTXVN

Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ chờ đợi điều gì sẽ xảy ra", đồng thời đưa thêm đường dẫn về bài báo liên quan đến đề xuất được Triều Tiên đưa ra trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với phái đoàn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, các bên liên quan đạt được một nỗ lực nghiêm túc. Theo ông Trump, dù các cuộc đàm phán Mỹ-Triều có thể là "hy vọng sai lầm" song Mỹ "sẵn sàng nỗ lực" và đàm phán với Triều Tiên "có khả năng đạt tiến triển".

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, Chính phủ Nhật Bản dường như lại tỏ ra "lúng túng" trước tuyên bố về việc hai miền Triều Tiên nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 4 tới, sau khi Tokyo cảnh báo không nới lỏng chiến dịch gây sức ép đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh quan hệ ngoại giao liên Triều "tan băng".

Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ: "Chúng tôi không thể quyết định bất cứ điều gì trừ khi chúng tôi trực tiếp nghe từ Hàn Quốc những ý định của nước này". Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Nhật Bản khẳng định Tokyo "không thể dễ dàng thay đổi" lập trường cứng rắn của mình đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ cử Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon tới Nhật Bản để thông báo kết quả hội đàm tại Bình Nhưỡng giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, mà ông Suh Hoon cũng tham dự. Trước đó cùng ngày, Tokyo bày tỏ tin tưởng Seoul vẫn duy trì cam kết gây sức ép với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân.

Cũng trong ngày 6/3, nhà phân tích Cheong Seong-Chang thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc nhận định các thỏa thuận vừa đạt được giữa hai miền Triều Tiên có thể "mở đường cho cuộc đối thoại ý nghĩa giữa Washington và Bình Nhưỡng" cũng như mang lại khả năng "chế ngự" ổn định các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo ông, "việc Triều Tiên nhất trí ngừng tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong khi diễn ra đối thoại là kết quả lớn nhất trong chuyến thăm của các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng".


Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Seoul, Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong, người vừa dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc sang thăm Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng cam kết ngừng mọi hành động khiêu khích quân sự, trong đó có các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong khi tiến hành đối thoại với Hàn Quốc, đồng thời thể hiện sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trong một phản ứng của thị trường chứng khoán Mỹ, ngày 6/3, chỉ số Dow Jones đã tăng 120 điểm trong phiên giao dịch mở màn sau khi có thông tin Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Washington.

TTXVN/Báo Tin tức
'Cú hích' cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
'Cú hích' cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Chuyến thăm của phái đoàn các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng đã đạt kết quả được đánh giá là "đột phá" với việc hai bên ấn định thời gian tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, đồng thời đưa ra một loạt biện pháp cụ thể giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN