Tuần qua, chính trường
Thái Lan đã xảy ra hai sự kiện hi hữu liên quan đến dự luật hòa giải nhằm ân xá
cho tất cả các bên liên quan đến các cuộc xung đột chính trị dai dẳng trong nhiều
năm qua tại nước này.
Đầu tiên là việc
các nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối Chủ tịch Quốc hội Somsak Kiartsuranon đẩy
nhanh việc thông qua dự luật hòa giải bằng những hành động gây náo loạn và ném
tài liệu về phía ông này, khiến cảnh sát phải can thiệp và duy trì trật tự.
Người biểu tình Thái Lan chặn lối vào tòa nhà quốc hội hôm 1/6. Ảnh: Internet. |
Thứ
hai là việc những người biểu tình "Áo vàng" thuộc Liên minh Nhân dân
vì Dân chủ (PAD) chặn lối vào tòa nhà Quốc hội của các nghị sĩ, buộc phiên thảo
luận để thông qua dự luật trên phải hoãn lại vô thời hạn.
Tại sao một dự luật
nhằm mang lại hòa bình và hòa giải dân tộc cho một xã hội đang bị chia rẽ ở
Thái Lan lại bị phản đối mạnh mẽ đến như vậy? Báo "Dân tộc" (Thái
Lan) bình luận rằng "thật khó có thể không
nghi ngờ khi mà dự luật hòa giải được xúc tiến nhanh đến như vậy".
Trên thực tế, dự luật
hòa giải này do tướng Sonthi Boonyaratglin - người từng lãnh đạo cuộc đảo chính
năm 2006 và hiện là Chủ tịch đảng Matibhum - đề xuất. Liệu có phải ông ta làm
việc này để giúp mình xóa bỏ mọi hành động sai trái trước đây, hay chỉ để giúp
cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - người từng bị ông ta lật đổ năm 2006?
Người
ta có quyền đặt câu hỏi về việc tướng Sonthi, bị nghi ngờ phạm nhiều sai lầm
nghiêm trọng, đang cố gắng cầu cạnh đối thủ cũ của chính ông ta. Tuy nhiên, tướng
Sonthi giải thích rằng ông không muốn bất kỳ điều gì ngoài việc được chứng kiến
nền hòa bình và hòa giải dân tộc vì ông đã có mọi thứ, đặc biệt là danh tiếng
và chức vụ.
Đảng Dân chủ đối lập
tỏ ra nghi ngờ về những nỗ lực này khi chỉ ra sự thông đồng giữa đảng "Vì
nước Thái" và tướng Sonthi. Họ đề nghị không nên đệ trình dự luật này vào
những ngày cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2012, mà nên đợi đến phiên họp toàn thể
sắp tới để dự luật được xem xét một cách toàn diện hơn.
Trong đảng "Vì
nước Thái" hiện có hai quan điểm trái ngược nhau về thời điểm đưa ra dự luật
hòa giải. Một bên muốn Quốc hội hoãn tranh luận dự luật này cho tới khi chính
phủ giải thích rõ ràng với phe Áo đỏ về những tuyên bố của ông Thaksin từ nước
ngoài với ngụ ý rằng ông đang dàn xếp với tất các bên và cả quân đội để có thể
trở về Thái Lan. Một bên cho rằng không phải trì hoãn việc trình dự luật hòa giải
lên Quốc hội bởi những tranh cãi xung quanh dự luật này là điều không thể tránh
khỏi.
Tờ "Bưu điện
Băng Cốc" ngày 1/6 cho rằng dự luật của tướng Sonthi không có gì khác
ngoài vấn đề hòa giải. Nó nên được đổi tên thành dự luật ân xá cho phù hợp hơn
vì dự luật này được soạn thảo theo cách xóa bỏ mọi sai phạm của các bên trong
các cuộc xung đột chính trị từ tháng 9/2005 đến tháng 5/2011, trong đó gồm cả
các quan chức, người biểu tình, cũng như các cuộc điều tra do Ủy ban thẩm tra
tài sản (đã bị giải tán) thực hiện đối với ông Thaksin.
Ngoài việc xóa bỏ
những sai phạm của các bên trong các cuộc xung đột chính trị, dự luật hòa giải
còn đề cập đến việc hủy mọi hành động pháp lý đối với những cá nhân bị cho là
có sai phạm. Trường hợp đã đưa ra tòa án hoặc đã bị kết án cũng được xóa bỏ. Những
người thực hiện nhiệm vụ hoặc được bổ nhiệm theo sắc lệnh của Hội đồng An ninh
Quốc gia từng tham gia cuộc đảo chính tháng 9/2006 đều không bị coi là phạm tội.
Như vậy, có thể hiểu
rằng việc ông Thaksin bị xét xử và bị kết án hai năm tù trước đây sẽ được xóa bỏ.
Việc Tướng Sonthi lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin, nếu bị coi là sai
phạm, cũng sẽ được miễn truy cứu.
TTXVN/Tin Tức