Tối 18/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Ngoại trưởng Đức Steinmeier tại Moskva, tuy nhiên, chi tiết cuộc gặp này không được tiết lộ.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức cũng đã thảo luận với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Steinmeier đến Moskva trong chuyến công du với một sứ mệnh đặc biệt: tìm cách hòa giải Nga và Liên minh châu Âu (EU), cũng như tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine - những chủ đề mà Hội nghị thượng đỉnh G20 cách đây vài ngày đã không thể làm được.
Trong thời gian hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov ở Moskva, ngoài các mục tiêu kể trên, Ngoại trưởng Đức thực sự bày tỏ mong muốn cùng Nga cải thiện quan hệ căng thẳng giữa Nga và EU, để có thể tìm kiếm tiếng nói chung giữa các đại diện của Liên minh Kinh tế Á-Âu và EU.
Nếu muốn tìm kiếm lối thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay tại Ukraine, thực tế đã chứng minh không có bất cứ giải pháp nào hiệu quả hơn là đàm phán. Kiểu “ngoại giao châu Âu”- áp đặt trừng phạt Nga, dường như đang ngày càng phản tác dụng thay vì đem lại kết quả (EU) mong đợi. Bằng chứng cho thực tế trên không đâu xa - các cuộc họp song phương với Nga về vấn đề này, được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Australia hay “kịch bản cô lập Nga” đều không mang lại kết quả.
Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Steinmeie trong một cuộc gặp năm 2009. |
Đến G20 với mong muốn có thể trao đổi tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, song nhà lãnh đạo Nga Putin đã buộc lòng phải ra về trước. Có thể thấy rõ sự thất bại của G20 trong mục tiêu tìm giải pháp cho Ukraine khi “hầu hết các nhà lãnh đạo G20 đều hội đàm với ông Putin và/hoặc nói về ông Putin” mà không thể thấu hiểu nhau; hay cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ của Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng thống Putin, và sau đó tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng tham dự, kết quả tuy được giữ kín, song người ta có thể hiểu là bằng không.
Ngoại trưởng Đức Steinmeier đến Moskva ngày 18/11, trong bối cảnh vừa kết thúc cuộc họp cấp Ngoại trưởng EU diễn ra ngày 17/11, nhằm tiếp tục thảo luận về đối sách cũng như cách hành xử tiếp theo của EU trong câu chuyện Ukraine. Tại cuộc gặp này, nhiều người đã thấy rõ những khó khăn về tài chính và kinh tế mà lệnh trừng phạt của EU mang lại, đã không thể buộc được Moskva phải kêu gọi EU nương nhẹ. Mà trên thực tế, chính EU cũng đã phải chịu những tổn thất nhất định bởi chiến dịch trừng phạt.
Trước thềm cuộc họp cấp Ngoại trưởng EU, Berlin cũng đã tuyên bố không thảo luận về những biện pháp trừng phạt tiếp theo, ngoại trừ việc mở rộng “danh sách đen” các chính trị gia Ukraine thuộc vùng Donbass đang đòi ly khai. Tuy nhiên cuối cùng thì dường như các nhà ngoại giao châu Âu cũng chưa thể đi đến thống nhất trong cách hành xử chung.
Phát biểu ngày 17/11 tại Viện Chính sách quốc tế tại Sydney, Australia, bà Merkel lại một lần nữa cáo buộc Tổng thống Nga muốn thay đổi trật tự ở châu Âu, khi cho rằng Nga có nhiều “tham vọng” trong các mối quan hệ không chỉ đối với Ukraine mà còn với Georgia, Moldova, và thậm chí cả Serbia.
Nhưng dù thế nào, những mong muốn mà bà Thủ tướng Đức từng tuyên bố tại Sydney rằng sẽ làm hết sức mình để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng đang ngày một căng thẳng ở Ukraine, vẫn có giá trị và mang tính xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh giới chức Washington, London và Warsaw đang hoài nghi liệu bà Merkel có thực hiện được cam kết duy trì liên lạc trực tiếp và tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Kremlin.
Trong khi đó, các nhà quan sát quốc tế cho rằng “chừng nào ông Putin còn coi NATO là một đối thủ của thời Chiến tranh Lạnh, thì chừng đó bà Thủ tướng Đức sẽ còn ra sức biện minh cho kế hoạch Đông tiến của NATO và ra sức thuyết phục rằng NATO mở rộng về phía Đông sẽ không gây ra mối đe dọa nào cho Nga. Ngược lại, hai bên còn có thể hợp tác, bao gồm cả việc EU có thể hợp tác với Liên minh Á-Âu”.
Trong khi Ngoại trưởng Steinmeier mong muốn tiếp tục sứ mệnh hòa giải của bà Merkel, thì dường như các nhà quan sát tại Moskva lại thấy chuyến thăm này sẽ không thể tác động tới chính sách của Nga trong vấn đề Ukraine. Moskva hiện vẫn tỏ ra hết sức cứng rắn và cho biết sẽ không “van nài’ phương Tây dỡ bỏ trừng phạt.
Quế Anh(P/v TTXVN tại Nga)