Nhóm "Năm Mắt" được biết tới với thỏa thuận hợp tác tình báo và không gián điệp lẫn nhau. Một số nghị sĩ Mỹ giờ đây muốn mở rộng CLB này và Đức có thể trở thành thành viên thứ sáu.
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Berlin bị tố là nơi lắp đặt các thiết bị nghe lén. |
Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa là Tim Ryan và Charles Dent đã hối thúc Tổng thống Obama can thiệp nhằm đạt thỏa thuận kết nạp thêm Đức vào Hiệp ước tình báo “Năm Mắt”. Theo nghị sĩ Dent, nếu Tổng thống Obama ủng hộ ý tưởng này và đề xuất kết nạp Đức vào hiệp ước, điều đó một mặt sẽ thể hiện mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước, mặt khác sẽ giúp chấm dứt việc theo dõi hay gián điệp lãnh đạo của nhau, điều mà Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu sau khi vụ việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại di động của bà bị phát giác. Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ cũng ủng hộ ý tưởng này, cho rằng Nhà Trắng sẽ nỗ lực nhằm xoa dịu sự giận dữ của Berlin sau vụ việc trên.
Nếu Đức được kết nạp vào nhóm 5 nước trên thì đây sẽ là nước thành viên không nói tiếng Anh duy nhất và điều này có thể gây căng thẳng trong Liên minh châu Âu (EU) bởi cho tới nay, Anh mới là nước EU duy nhất trong nhóm này. Hậu quả là một số nước khác trong EU sau đó cũng có thể "đòi" gia nhập nhóm, điều sẽ rất khó quyết định cho Washington khi "tiêu chuẩn dân chủ" khác biệt giữa các nước thành viên và nước ứng cử.
Giới phân tích cho rằng, nếu có bất kỳ một thỏa thuận nào giống như Thỏa thuận tình báo “Năm Mắt”, nhiều khả năng đó sẽ chỉ là thỏa thuận cùng hợp tác và chia sẻ tình báo, thay vì một thỏa thuận không gián điệp lẫn nhau. Sau vụ rùm beng vừa qua liên quan việc điện thoại di động của Thủ tướng Merkel bị nghe lén, giới tình báo Đức một mặt muốn chấm dứt việc theo dõi các chính trị gia Đức, song sâu xa hơn, Berlin cũng muốn gia nhập vào câu lạc bộ trên. Lãnh đạo giới tình báo Đức đã tới Washington để thảo luận về việc hợp tác giữa lực lượng tình báo song phương, song kết quả cuộc thảo luận sơ bộ này chưa được công bố và sẽ khó có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra trước cuối năm nay.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh tình báo Đức đang phụ thuộc rất lớn vào tình báo Mỹ, khả năng Berlin được tiếp nhận vào nhóm tình báo 5 nước sẽ là điều rất có lợi, bởi như vậy Đức không chỉ đạt được mục tiêu là không gián điệp lẫn nhau mà quan trọng hơn còn được hưởng lợi từ hệ thống tình báo khổng lồ mà nhóm 5 nước này đã gây dựng trên khắp thế giới. Song một quy chế đầy đủ như vậy trong nhóm “Năm Mắt” sẽ là điều khó có thể đạt được, khi không chỉ Mỹ mà cần phải có cả Anh ủng hộ. Khó hơn nữa khi Berlin một mặt muốn gia nhập CLB tình báo lớn nhất thế giới này, mặt khác lại kịch liệt lên án và gây phức tạp cho các hoạt động tình báo của Mỹ. Cũng dễ hiểu vì sao sau các sự kiện rùm beng vừa qua, các quan chức Đức thường chỉ tập trung lên án Mỹ mà không đề cập tới nhóm “Năm Mắt”, trong đó có Anh, quốc gia cũng bị tố lắp đặt các thiết bị nghe lén trên nóc tòa nhà Đại sứ quán ở thủ đô Berlin.
Thỏa thuận Anh - Mỹ (UKUSA) là thỏa thuận hợp tác tình báo đa phương giữa Mỹ, Canada, New Zealand, Australia và Anh, gọi tắt là nhóm “Năm Mắt” (Five Eyes). Xuất phát từ một thỏa thuận tình báo không chính thức năm 1941, hiệp ước bí mật này chính thức có hiệu lực từ 5/3/1946 giữa Anh và Mỹ. Sau đó kết nạp thêm ba vương quốc thuộc khối thịnh vượng chung là Canada, Australia và New Zealand. Mãi tới năm 2005, người ta mới biết về CLB tình báo này và tới 2010, toàn văn 7 trang của thỏa thuận lần đầu tiên được Anh công bố. Tạp chí Time (Mỹ) đánh giá đây là một trong số tài liệu quan trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh. |
Bài và ảnh: Mạnh Hùng