Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đang chạy đua với thời gian để cho ra đời một thỏa thuận mới về vấn đề nợ công của Hy Lạp. Thời hạn 30/6 mà Hy Lạp phải có tiền để trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang gần kề. Nếu không có tiền, Hy Lạp sẽ phá sản, đồng nghĩa với việc nước này phải chia tay với khu vực đồng euro – một thực tế mà cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn Hy Lạp cùng không mong muốn bởi cái giá phải trả quá đắt. Nếu như Athens không đạt được đồng thuận với các chủ nợ và phải tuyên bố vỡ nợ vào ngày 30/6 thì tác động đầu tiên là đối với ngành tài chính, ngân hàng Hy Lạp. Athens chưa bị coi là mất khả năng thanh toán. Thủ tướng Alexis Tsipras cuối tuần trước đã gửi cho bộ ba các chủ nợ là EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF những đề xuất cải cách mới, để được giải ngân 7,2 tỷ euro. Tuy nhiên, từ nhiều tuần qua, người dân Hy Lạp đã ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng.
Càng đến gần hạn chót Athens phải thanh toán nợ cho IMF thì người dân Hy Lạp càng rút nhiều tiền tiết kiệm khỏi các ngân hàng. Chỉ riêng trong tuần trước, ít nhất 3 tỷ euro đã bị rút, so với 4,7 tỷ euro hồi tháng Tư. Thống kê của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cho thấy 30 tỷ euro được rút từ các ngân hàng trên toàn quốc trong thời gian từ tháng 11/2014 đến cuối tháng 4/2015. Nếu không kịp thời ngăn chặn, số tiền còn lại hơn 120 tỷ euro trong hệ thống ngân hàng của nước này cũng sẽ sớm cạn kiệt.
Càng đến gần hạn chót Athens phải thanh toán nợ cho IMF thì người dân Hy Lạp càng rút nhiều tiền tiết kiệm khỏi các ngân hàng. |
Hậu quả trực tiếp thứ hai, theo đánh giá của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), về lâu dài 10% Tổng sảm phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp sẽ "không cánh mà bay". Nhưng hậu quả tai hại nhất là trong năm đầu tiên, khi quay lại với đồng tiền cũ, mỗi đầu người phải trả giá hơn 10.000 euro do tác động trực tiếp nếu Hy Lạp từ bỏ đồng euro. Đơn giản do Hy Lạp luôn trong tình thế nhập siêu so với các đối tác châu Âu. Đồng tiền thay thế cho đồng euro sẽ bị mất giá từ 50 đến 70% so với đơn vị tiền tệ của châu Âu. Điều đó sẽ khiến hàng nhập vào thị trường Hy Lạp thêm đắt đỏ. Lạm phát ước tính tối thiểu lên tới 30%. Sức mua của 12 triệu dân Hy Lạp đã giảm đi mất 1/4 kể từ năm 2008, có nguy cơ lại càng bị thu hẹp lại.
Nếu Hy Lạp hết tiền và phải ra khỏi khu vực đồng euro, lập tức lạm phát của Hy Lạp gia tăng khi quốc gia này phải quay lại với đồng tiền cũ là đồng drachme. Kéo theo đó là những hậu quả tai hại về mặt xã hội.
Đối với EU, nếu Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro để quay lại với đồng drachme thì các nước EU cũng chịu thiệt hại lớn. Cho tới nay, 18 nước thành viên còn lại trong khối đã huy động 200 tỷ euro để hỗ trợ thành viên yếu kém nhất là Hy Lạp. Nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone, GDP của toàn khu vực đồng euro sẽ giảm 2%. Hy Lạp sẽ không thể thanh toán nợ đã đi vay bằng đồng euro cho các chủ nợ.
Một câu hỏi khác được đặt ra là nếu Hy Lạp ra khỏi khối euro, thì đồng tiền chung châu Âu liệu sẽ có mất giá so với đồng USD hay không. Trước mắt, nhiều người đều nhìn nhận là nếu kịch bản GREXIT (Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung) xảy ra, đồng euro sẽ rơi vào một chu kỳ đầy bất trắc, gây ra nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Các cuộc thương lượng giữa Hy Lạp và EU vẫn đang tiếp tục trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 25/6. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ý thức được rằng việc Hy Lạp rút khỏi EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho khu vực đồng euro. Nhiều chuyên gia nhận định các bên sẽ đạt được một thỏa thuận chung vào phút chót vì lúc này cứu Hy Lạp chính là cứu châu Âu. Thay vì gây sức ép, các chủ nợ có lẽ cần phải để cho Athens có thêm thời gian phục hồi.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ của EU đối với Hy Lạp sẽ chỉ có giới hạn nếu như nước này không tự vượt qua hoàn cảnh hiện nay. Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp không phải là trường hợp duy nhất mà EU đã trải qua. Vào cuối năm 2010 và đầu 2011, Ireland và Bồ Đào Nha cũng lần lượt trải qua thời kỳ này do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Hai nước đã chấp nhận những chính sách "thắt lưng buộc bụng" giống như những biện pháp mà bộ ba chủ nợ đang yêu cầu Hy Lạp thực hiện. Sau ba năm, cả Ireland lẫn Bồ Đào Nha đã thoát khỏi vực thẳm.
Từ năm 2013, đảo quốc Cyprus cũng đang trên đà phục hồi kinh tế. Còn Tây Ban Nha, sau khủng hoảng "bong bóng bất động sản", đã tự khôi phục và áp dụng nhiều biện pháp cải cách rất cứng rắn. Chỉ mỗi Hy Lạp là trường hợp cá biệt. Liệu các khoản giải ngân tiếp theo - nếu đạt được thỏa thuận, có cứu được nền kinh tế Hy Lạp hay chỉ giúp nó tồn tại vật vờ thêm thời gian ngắn. Rõ ràng, để trở lại bằng đôi chân của mình, Hy Lạp cần sự giúp đỡ lớn hơn nhiều so với những khoản tài chính nhỏ giọt hiện nay dành cho nước này.