Biển kêu gọi rời khỏi EU tại khu vực Charing, đông nam thủ đô London, Anh ngày 16/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước bối cảnh Anh sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vào ngày 23/6 tới đây, các tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ hàng đầu thế giới cùng các ngân hàng trung ương và các chuyên gia phân tích kinh tế đã đưa ra nhiều cảnh báo và dự đoán về tác động cũng như hậu quả trong ngắn và trung hạn nếu kịch bản Brexit xảy ra.
Theo phóng viên TTXVN tại London, về đồng bảng Anh, phần lớn các chuyên gia tiền tệ dự báo đồng nội tệ Anh sẽ giảm 18-20%, đặc biệt có chuyên gia dự đoán mức giảm có thể lên tới 30%, nếu nước Anh rời khỏi EU. Nhà chiến lược đầu tư chủ chốt Ian Harnett thuộc công ty nghiên cứu chiến lược Absolute Strategy Research cho rằng việc đồng bảng rớt giá mạnh sẽ làm tăng chi phí đối với các công ty chế biến thực phẩm và cả người tiêu dùng do nước Anh phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, đồng bảng rớt giá không phải không có lợi cho kinh tế Anh vì điều này sẽ có lợi cho xuất khẩu, ít nhất là trong ngắn hạn. Dù chưa diễn ra ngay tức thì, song các rào cản thương mại dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu sẽ xuất hiện khi Chính phủ Anh và EU đàm phán việc Anh rời khỏi liên minh.
Về vấn đề việc làm, Giám đốc mảng kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia Angus Armstrong cho rằng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ và những lĩnh vực được lợi từ sự di chuyển lao động tự do, như tài chính, du lịch và chế tạo ô tô, có thể bị tác động nhiều nhất trong trường hợp nước Anh "chia tay" EU. Các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư sẽ phải chuyển sang tuyển lao động Anh, nếu nước Anh chuyển sang áp dụng chế độ cấp thị thực trên cơ sở tính điểm PBS nhằm hạn chế người nhập cư.
Về bất động sản và tài sản, theo một tính toán độc lập của Bộ Tài chính Anh, giá nhà đất sẽ giảm 10-18% vào năm 2018. Giá nhà giảm cộng thêm khả năng Ngân hàng trung ương Anh có thể tăng lãi suất cơ bản để ngăn chặn đà giảm giá của đồng bảng cũng có thể khiến các công ty xây dựng giảm hoạt động xây dựng nhà, khiến cho lượng nhà chào bán giảm sút trong tương lai. Tình trạng thiếu nhà ở có thể càng trở nên trầm trọng nếu Brexit không khiến nhiều công dân EU đang ở Anh phải trở về nước.
Trong khi đó, nhiều công ty đa quốc gia hoạt động tại Anh, vốn có sự kết nối rộng khắp trên toàn châu Âu, cũng có tâm trạng chung về hậu quả của Brexit. Giám đốc điều hành hãng sản xuất ô tô nổi tiếng của Anh Rolls-Royce, Warren East, quan ngại rằng Brexit có thể khiến nhà máy thử nghiệm bộ phận động cơ xe trị giá 65 triệu bảng của công ty này ở Đức đứng trước nhiều rủi ro và để lợi thế cạnh tranh rơi vào tay các đối thủ Mỹ. Ông cũng cảnh báo nếu bất ổn diễn ra sau khi nước Anh bỏ phiếu rời EU, các công ty đa quốc gia như Rolls-Royce khó có thể đương đầu. Hiện tại, 3/4 trong tổng số hơn 50.000 nhân viên của Rolls-Royce là ở các nước EU. Hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu là một trong những khách hàng chủ chốt của Rolls-Royce.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội các nhà máy chế tạo và buôn bán ô tô (Anh), hơn 3/4 số công ty được hỏi cho rằng Brexit sẽ ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động kinh doanh của họ. Một loạt hãng chế tạo ô tô hàng đầu thế giới trong đó có Toyota, BMW, Vauxhall đều đã lên tiếng ủng hộ việc ở lại EU, trong khi tập đoàn thép Tata Steel nhấn mạnh rằng Brexit có thể ảnh hưởng tới "sự tồn tại" của họ.