Trong bối cảnh mối quan hệ với Nga ngày càng xấu đi, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị triển khai một chiến dịch "ve vãn và lôi kéo" hai quốc gia vùng Biển Caspi là Azerbaijan và Turkmenistan nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt thay thế. Việc chuyển hướng sang các quốc gia giàu tài nguyên khí đốt nhưng khá nhạy cảm về chính trị được coi là trọng tâm trong chiến lược năng lượng mà EU vừa công bố.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy mối quan hệ EU - Nga rơi vào thời kỳ căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động cung cấp khí đốt sang châu Âu. Khí đốt nhập khẩu từ Nga hiện chiếm 27% tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước châu Âu. Xuất phát từ thực tế này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách lĩnh vực năng lượng Maros Sefcovic nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn cung khí đốt để dần "thoát khỏi" Tập đoàn Gazprom của Nga.
Trong văn bản được công bố ngày 25/2, EU cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp đối ngoại để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về năng lượng với các quốc gia như Azerbaijan, Turkmenistan hay Algeria. EU xác định những quốc gia này là lựa chọn thay thế Nga nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt.
Cơ sở khai thác dầu LUKOIL của Nga tại mỏ dầu Korchagin ở Biển Caspia. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Ông Sefcovic chia sẻ rằng: "Châu Âu đã quá mệt mỏi với những cuộc thảo luận vào mùa Hè về việc làm thế nào để có thể vượt qua được mùa Đông. Nền kinh tế lớn nhất thế giới không nên có những mối lo như vậy trong thế kỷ 21 này". Theo ông Sefcovic, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt rất quan trọng của EU nhưng ảnh hưởng của họ với khu vực lại đang giảm mạnh. Ngay sau khi nhậm chức hồi cuối năm 2014, ông Sefcovic đã ưu tiên triển khai dự án "Hành lang phương Nam" trị giá 45 tỷ USD để đưa khí đốt từ vùng Biển Caspi và Trung Đông cung cấp cho khu vực Nam Âu. Công đoạn cuối cùng của dự án này sẽ là Đường ống dẫn xuyên biển Adriatic (TAP) đến Italy cung cấp khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt của Azerbaijan cho châu Âu vào năm 2020.
EU sẽ tận dụng mọi ảnh hưởng về chính trị để hoàn thành TAP vào cuối năm 2019. Brussels cũng coi TAP là một "dự án vì lợi ích chung", cho phép họ có thể bỏ qua những rào cản cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Sefcovic cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm nhằm đảm bảo dự án được vận hành thuận lợi.
Để có thể thúc đẩy dự án đầy tham vọng này, Brussels sẽ phải điều chỉnh những vấn đề liên quan đến thể chế ngay trong nội bộ EU. Hiện các chính trị gia vùng Puglia (phía Nam Italy) vẫn phản đối TAP vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường. EC đang phải dựa vào uy tín của Thủ tướng Italy Matteo Renzi để vượt qua rào cản này. Sau khi Nga quyết định ngừng dự án "Dòng chảy phương Nam" trị giá 50 tỷ USD, EU buộc phải tính đến giải pháp cung ứng khí đốt cho khu vực Nam Âu.
Tuy nhiên, công suất của TAP mới chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của cả châu Âu. Theo giới chức dự án, công suất của TAP có thể được nâng lên mức 20 tỷ mét khối khí sau năm 2020. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà EU phải tìm cách "kết thân" với Turkmenistan - quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ 4 thế giới.
Cuộc xung đột Ukraine bộc lộ 3 vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng của EU. Đó là: đảm bảo an ninh về nguồn cung ứng, giải quyết quan ngại về môi trường và cải thiện năng lực cạnh tranh. Mặc dù đã chuyển hướng chiến lược, nhưng EU vẫn phải đối mặt với trở ngại lớn nhất khi thúc đẩy thỏa thuận hợp tác khí đốt với các nước vùng Caspi, đó chính là Nga. Từ trước tới nay, một quốc gia vùng Caspi chỉ có thể xuất khẩu khí đốt nếu nhận được sự đồng ý của tất các quốc gia ven biển. Như vậy, Nga nghiễm nhiên có một lá phiếu phủ quyết bất cứ thỏa thuận khí đốt nào trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Sefcovic tin rằng vẫn có thể tìm được giải pháp về mặt kỹ thuật và pháp lý để "khơi thông" dòng khí đốt từ Turkmenistan đến EU. Theo ông, EU càng muốn đa dạng hóa nguồn cung bao nhiêu, thì các quốc gia ven biển Caspi càng muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bấy nhiêu.
Lê Phương (Theo "Thời báo Tài chính", Anh)