Tổng thống Turkmenistan, Gurbanguly Berdymuhamedov, vừa có chuyến công du châu Âu tới Áo và Slovenia. Tại các cuộc hội đàm cấp cao ông thông báo kế hoạch xây dựng một cơ sở hạ tầng đa năng gồm các đường ống trung chuyển khí đốt để cung cấp khí đốt tự nhiên của Turkmenistan cho các khách hàng châu Âu. Cơ sở khai thác dầu LUKOIL của Nga tại mỏ dầu Korchagin ở biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Lamberto Zannier, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán ở Áo, nhấn mạnh rằng các nước Liên minh châu Âu (EU) đang xem Turkmenistan như một trong những nhà cung cấp chủ yếu khí đốt tự nhiên và sẵn sàng đàm phán các phương diện hợp tác cụ thể về vấn đề năng lượng.
Về phía mình, Tổng thống Berdymuhamedov cũng khẳng định sự sẵn sàng và cho biết Turkmenistan rất coi trọng việc hợp tác với EU. Ông nhấn mạnh tại Ashkhabad (thủ đô Turkmenistan) vừa diễn ra cuộc gặp bốn bên giữa lãnh đạo các cơ quan năng lượng Turkmenistan, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm thảo luận các nhiệm vụ trước mắt về cung cấp khí đốt tự nhiên của Turkmenistan cho các quốc gia EU. Cụ thể là việc xây dựng hạ tầng đa năng gồm các đường ống trung chuyển khí đốt, trong đó có đường ống xuyên biển Caspi.
Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan, Natig Aliev, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cho biết phía Turkmenistan quan tâm đến việc triển khai dự án đường ống dẫn khí xuyên biển Caspi. Các bên liên quan đã đạt được quyết định thành lập một liên doanh quốc tế gồm các công ty có uy tín của châu Âu trong lĩnh vực năng lượng. Liên doanh này sẽ xác định việc EU mua khí đốt của Turkmenistan và giải quyết các vấn đề liên quan xây dựng đường ống. Hiện các bên đang tiến hành đàm phán chi tiết để đi đến phương án cuối cùng.
Quan chức này cũng cho rằng năm 2015 sẽ là năm hồi sinh của dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Caspi. Dự án này nhận được sự quan tâm của cả phía cung cấp là Turkmenistan lẫn phía khách hàng là các quốc gia EU. Việc Turkmenistan mong muốn đặt đường ống đi qua đáy biển Caspi là điều dễ hiểu bởi Turkmenistan sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất tại biển Caspi song lại chưa có hướng tiêu thụ nào sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nếu thiếu sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng thì Turkmenistan không thể triển khai thực hiện do nước này không có đủ nguồn lực tài chính và công nghệ xây dựng đường ống dưới biển.
Trong khi đó EU cũng coi dự án Turkmenistan là một trong những phương pháp đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng nhằm giảm sự lệ thuộc vào Nga. Các chuyên gia cho rằng sở dĩ EU ráo riết thực hiện dự án này là vì Nga đã tuyên bố hủy dự án Dòng chảy phương Nam và đang tích cực triển khai dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nên không gian hành động độc lập của Moskva là rất lớn. Hành lang khí đốt phía Nam được EU kỳ vọng sẽ cung cấp ổn định năng lượng xanh từ Azerbaijan qua Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Italy để đến với các khách hàng tiếp theo. Nếu dự án này thành công, sự lệ thuộc của EU vào Nga sẽ giảm đi đáng kể, mặc dù nguồn cung từ Nga vẫn được các đối tác châu Âu xem là sự lựa chọn chiến lược.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vấn đề nan giải là hệ thống đường ống xuyên biển Caspi sẽ không thể triển khai nếu không có sự đồng thuận của Nga với lý do lo ngại vấn đề an toàn môi trường. Đồng thời lập trường của Iran cũng là điều cần tính tới khi Tehran muốn nắn dòng chảy này đi qua lãnh thổ nước mình để thu phí vận chuyển. Do vậy, những thỏa thuận song phương có vẻ đang rất tốt đẹp giữa Turkmenistan với EU mới chỉ giải quyết được khâu kỹ thuật của vấn đề. Những gì còn lại phía sau phụ thuộc vào mức độ nồng ấm chính trị và cả lợi ích kinh tế với Moskva và Tehran.
Các nhà quan sát còn dự báo chừng nào vấn đề phân định chủ quyền giữa 5 quốc gia tiếp giáp biển Caspi còn chưa được giải quyết thì dòng chảy Turkmenistan vẫn phải nằm trên giấy. Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Caspi dự kiến diễn ra tại Kazakhstan vào năm 2016 được kỳ vọng sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề.
Cao Cường (Theo báo chí Nga)