Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (giữa, phải) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa, trái) đồng chủ trì hội nghị tại Toronto. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Hội nghị lần này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội để các cường quốc thế giới tìm kiếm sự đồng thuận trong việc giải quyết những vấn đề nóng đang gây mâu thuẫn giữa các cường quốc nói chung và ngay trong nội bộ G7 nói riêng.
Không phải ngẫu nhiên mà hội nghị G7 lần này nêu bật chủ đề "Xây dựng một thế giới an ninh và hòa bình hơn". Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến bất ngờ và phức tạp, ảnh hưởng đến nền an ninh và hòa bình toàn cầu. Đó là quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc xung đột Syria cũng như vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh hay những bước tiến tích cực trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các nhà ngoại giao từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng muốn thăm dò và nắm bắt quan điểm từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald trump về kế hoạch rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) hay cách thức ông sẽ xử trí như thế nào trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hồ sơ Triều Tiên và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những chủ đề lớn nhất tại hội nghị G7 lần này, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa quyết định ngưng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền Bắc nước này. Giáo sư quan hệ quốc tế John Kirton, Giám đốc Nhóm nghiên cứu G7 của Viện nghiên cứu Munk thuộc Đại học Toronto, tỏ ra lạc quan về triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong bối cảnh liên tiếp có các động thái tích cực từ các bên thời gian qua. Tuy nhiên, một đại biểu của Đức yêu cầu giấu tên tại hội nghị cho biết hầu hết các nước G7 vẫn bày tỏ hoài nghi về cam kết ngưng mọi thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như triển vọng khó đoán định về tiến trình phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Đại biểu này cho rằng trước đây Triều Tiên từng nhiều lần đưa ra những tuyên bố tương tự, nhưng thực chất không hề thay đổi hay từ bỏ tham vọng của mình. Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ tuyên bố “ngừng”, chứ không phải “từ bỏ” các cuộc thử nghiệm nhạy cảm, cũng được nhìn nhận là Bình Nhưỡng đang sử dụng "lối chơi chữ" để toan tính mục đích khác. Đại biểu này cũng đánh giá triển vọng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ là “điều không tưởng” vì ông Kim Jong-un là người “rất khó đoán định”.
Thực tế cho thấy dù luôn ủng hộ nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un chấm dứt tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, song các nước G7 cũng có những quan điểm khác biệt quanh tuyên bố mới nhất của Triều Tiên. Trong khi Tổng thống Mỹ Trump hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng, gọi đây là “một tiến bộ to lớn”, thì Nhật Bản vẫn rất thận trọng khi Thủ tướng Shinzo Abe nhìn nhận thiện chí của Bình Nhưỡng nhưng yêu cầu Triều Tiên phải “hủy bỏ toàn bộ các chương trình phát triển hạt nhân và đạn đạo”.
Trước thềm Hội nghị G7, Canada và Nhật Bản cũng đã nhất trí duy trì sức ép tối đa đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này phải thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Trong cuộc gặp song phương tại thành phố Toronto chiều 21/4, ngoại trưởng hai nước cho rằng việc Triều Tiên quyết định ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng quốc tế, do đó cần tiếp tục duy trì áp lực và các lệnh trừng phạt tối đa để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ toàn bộ tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Bên cạnh đó, các nước G7 cũng đang quan ngại về khả năng Bình Nhưỡng sẽ đưa ra những điều kiện liên quan chương trình hạt nhân trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, bởi lẽ các đồng minh của Mỹ muốn bảo đảm rằng Tổng thống Trump không nhượng bộ và đánh đổi quá nhiều để đạt được một thỏa thuận lịch sử.
Bên cạnh hồ sơ Triều Tiên, căng thẳng ở mức chưa từng có từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây cũng trở thành tâm điểm của hội nghị. Trong khi những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine vẫn còn dai dẳng, vụ không kích chớp nhoáng của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria, cùng với vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal mà phương Tây cáo buộc Nga đứng đằng sau dù Moskva luôn bác bỏ, đã đẩy quan hệ hai bên tới bờ vực nguy hiểm. Tuy nhiên, dù Nga tiếp tục không góp mặt trong hội nghị G7 lần này, song Moskva vẫn được xem như "một nhân tố then chốt" tác động tới cuộc họp G7.
Tại ngày họp đầu tiên, các quan chức G7 đã nhất trí tiếp tục gây sức ép đối với Nga về vấn đề Syria và Ukraine, song các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga đã không nằm trong chương trình nghị sự. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng trong quan hệ vốn không "xuôi chèo, mát mái" giữa Nga và phương Tây sau khi Mỹ tuyên bố sẽ không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Bản thân các nước G7 cũng hiểu rằng vai trò của Nga có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Syria và Ukraine cũng như sự cần thiết phải duy trì đối thoại với Moskva bất chấp những căng thẳng gần đây. Đấy là lý do trước khi lên đường tham dự hội nghị ở Toronto, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi Nga có những "đóng góp mang tính xây dựng để đạt được một giải pháp chính trị" trong cuộc xung đột tại Syria. Ông nêu rõ: "Không có Nga, chúng ta sẽ không thể tìm ra được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria".
Một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa Mỹ và các nước còn lại của G7 là thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân lịch sử 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nếu các nước trụ cột châu Âu không đồng ý bổ sung các điều khoản tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn với chương trình tên lửa của Iran cũng như khả năng làm giàu nhiên liệu hạt nhân của nước này trong tương lai. Ngược lại, các đồng minh phương Tây của Mỹ tin rằng việc duy trì thỏa thuận hạt nhân là cách tốt nhất để ngăn chặn Tehran tìm cách chế tạo bom nguyên tử và hy vọng hội nghị G7 lần này là cơ hội để vận động quyền Ngoại trưởng Mỹ John Sullivan thuyết phục Tổng thống Trump đổi ý. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ Donald Trump không rút khỏi thỏa thuận này, cho rằng không có phương án nào tốt hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng bảo vệ JCPOA, nhấn mạnh một thỏa thuận hạt nhân dù không hoàn hảo còn tốt hơn không có thỏa thuận nào. Giới quan sát nhận định các nước phương Tây đang ra sức kêu gọi Mỹ duy trì JCPOA để tránh khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bùng phát căng thẳng trở lại.
Với những nội dung quan trọng trên được đưa ra thảo luận, Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 lần này được coi là một trong những hội nghị quan trọng nhất trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Quebec trong hai ngày 8 – 9/6 tới. Tuy nhiên, khả năng các nước có thể hóa giải được những bất đồng và đạt được đồng thuận trong các vấn đề trên tại hội nghị G7 lần này vẫn còn bỏ ngỏ, trong bối cảnh mỗi nước đều có những tính toán và quan điểm khác nhau và khó có thể dung hòa trong "một sớm một chiều".