Theo “Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 21/5, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-8 năm nay, mặc dù các bên đưa ra được tuyên bố chung với nội dung có tới 39 điều liên quan tới các vấn đề như giải quyết khủng hoảng kinh tế và việc làm, khủng hoảng nợ công ở châu Âu, ứng phó tiêu hao năng lượng toàn cầu và biến đổi khí hậu… song mọi người đều dễ dàng nhận thấy hội nghị lần này trên thực tế là lần thất bại nhất trong lịch sử G-8. Nụ cười trên khuôn mặt các nhà lãnh đạo khó có thể che lấp những thất vọng bi quan bên trong, đằng sau “hành động chung” thực tế là cuộc khẩu chiến không đội trời chung.
Trên thực tế, từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối tham dự hội nghị, G-8 đã chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Sự vắng mặt của ông Putin đã dự báo hội nghị lần này không thể có được bất cứ tiến triển thực chất nào trong các vấn đề chính trị quốc tế quan trọng.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị G8 trong phiên họp tập trung vào các vấn đề toàn cầu và kinh tế tại trại David - Mỹ ngày 19/5/2012. Ảnh: THX-TTXVN |
Do đó, trong chủ đề tiêu điểm của hội nghị lần này - ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu - các nước bất đồng nhiều hơn là nhận thức chung. Đối với ông Obama - người đang tranh thủ để có thể liên nhiệm - bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế Mỹ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, khủng hoảng nợ công ở châu Âu do đó chủ yếu dựa vào châu Âu tự giải quyết, Mỹ không thể “xuất tiền” để cứu châu Âu qua cơn khó khăn. Sau bầu cử, châu Âu rối ren hơn mọi người tưởng. Tân Tổng thống Pháp F.Hollande muốn “thúc đẩy tăng trưởng”, song Thủ tướng Đức A.Merkel lại vẫn kiên trì “thắt lưng buộc bụng”, quan hệ Pháp-Đức đang trải qua cuộc khảo nghiệm gay gắt. Hy Lạp do thành lập nội các thất bại nên phải bầu cử lại vào tháng tới, liên minh cánh tả “chống thắt lưng buộc bụng” rất có thể sẽ trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội nước này, lúc đó các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu không thể không thực sự suy xét và ứng phó với việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro. Một khi xử lý không tốt, khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đối mặt với nguy cơ giải thể, phản ứng dây chuyền từ việc này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu.
Đối mặt với tình hình nghiêm trọng trên, các nhà lãnh đạo G-8 ra sức hô hào “Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu và tuân thủ cam kết”, song lại không có biện pháp hỗ trợ thực chất nào, tất cả chỉ là sự tình nguyện sáo rỗng. Kinh tế toàn cầu luôn là một chủ đề lớn của G-8, song tại hội nghị lần này đã không thể đưa ra được “phương thuốc” hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Trên vũ đài quốc tế hiện nay, G-8 vốn dĩ không tồn tại, nếu có chỉ là G7+1. Đây vốn là “câu lạc bộ các nước giàu” của 7 nước công nghiệp phát triển có cùng “quan niệm giá trị”, nó chế định luật chơi cho toàn thế giới phải theo. Do Nga tham gia nên G-7 trên danh nghĩa trở thành G-8, song Nga trên thực tế luôn bị coi là “đàn em”, chưa hề có ảnh hưởng thực chất nào đối với G-7. Lần này ông Putin từ chối tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-8 cho thấy Nga không cam tâm làm đối tác “chiếu dưới” của phương Tây, điều này lần nữa khiến mọi người phải nghi ngờ về giá trị tồn tại của G-8.
Trên thực tế, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, G-8 đã luôn bị trượt dốc, ngày càng lực bất tòng tâm trong việc ứng phó với khủng hoảng toàn cầu và khu vực. Đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 đến nay, các nước như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu đều lâm vào khó khăn, trong khi các nước mới trỗi dậy nhanh chóng trở thành lực lượng quan trọng không thể thiếu trong trật tự thế giới mới. Khi thế giới hiện nay bước vào thời khắc mới với nhiều điều chỉnh và thay đổi, G-8 đã không còn huy hoàng như trước.
Các nhà lãnh đạo G-8 đã ra về với đầy gánh nặng trong lòng, họ lại cầu cho Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sớm diễn ra với mong đợi sân chơi này có thể mang lại hy vọng mới trong việc ứng phó với các thách thức kinh tế, chính trị thế giới.
Thành Dương