Theo tạp chí Forbes, suốt cả tuần, Doug Dejarnette lên phòng chơi game ở tầng 2 trong nhà mình ở Houston, Mỹ. Tại đây, Dejarnette lột xác hoàn toàn, lúc thì trở thành chiến binh Paladin trong trò chơi World of Warcraft, lúc lại đắm mình trong trò Half-Life Alyx. Thứ giúp Dejarnette chơi được các trò chơi này trên máy tính ở nhà là bộ xử lý đồ họa (GPU).
Bộ GeForce RTX 3080 của Nvidia là mẫu mới nhất và Dejarnette phải vất vả lắm mới mua nổi. Khi anh tìm cách mua bộ mới ra mắt này năm ngoái thì phát hiện ra không thể mua ở bất kỳ đâu, dù đã thức dậy sớm vào ngày mở bán và vào mọi trang web. Dejarnette buộc phải bỏ cuộc và mua một bộ trên mạng xã hội với giá 1.000 USD, tăng 30% so với giá gốc.
Thế giới đang thiếu trầm trọng GPU cả mới và cũ, khiến các game thủ như Dejarnette chán nản khi muốn mua bộ công nghệ mới nhất hoặc thay thế phụ tùng cũ.
Các game thủ đã đổ lỗi cho nhóm thợ đào tiền số. Các game thủ và những người quan sát thị trường GPU cho biết người đào tiền số đã gây thiệt hại cho ngành trị giá 20 tỷ USD này, tạo ra mức cầu không lường trước khi mà các bộ phận chính của GPU là vi mạch đang rất hiếm. Các công ty sản xuất GPU đã gắn tình trạng này với người đào tiền số, tuyên bố sẽ thay đổi các phiên bản GPU sắp tới để khiến nó không còn hấp dẫn như trước đối với thợ đào tiền số.
Một thợ đào tiền số tên Shaneel Mohandas 22 tuổi cho biết thị trường không còn GPU để mà mua. Mohandas có 7 chiếc GPU chạy trong phòng ngủ nhà mình ở Durban, Nam Phi. Anh cho biết ngay cả những chiếc GPU cũ này cũng có giá gấp 2,5 lần so với giá gốc và đang khiến các game thủ phát điên.
Cuộc tranh giành thiết bị công nghệ cao này giữa game thủ và thợ đào tiền Bitcoin cho thấy một bức tranh rộng hơn về ngành vi mạch trên thế giới.
Vi mạch đang thiếu trầm trọng toàn cầu khi nó ngày càng trở thành thứ cần thiết trong thế giới ngày càng số hóa. Mỗi năm, số vi mạch được bán ra trên toàn thế giới trị giá gần 500 tỷ USD. Vi mạch được lắp vào các hệ thống điện tử trong máy bay, ô tô, điện thoại di động và cả GPU. Ngoài ra, vi mạch còn ngày càng xuất hiện nhiều trong các vật dụng hàng ngày như bàn chải đánh răng, tủ lạnh, bình cà phê…
Khi thu nhập tăng trên toàn cầu, người tiêu dùng Mỹ thường muốn có nhiều những vật dụng như vậy và nhu cầu đặc biệt cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều con chip trong những vật dụng này lại được các công ty nước ngoài sản xuất bên ngoài Mỹ, như nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan hay Samsung. Các chuỗi cung toàn cầu này chịu áp lực lớn trong đại dịch, bị gián đoạn khi nhà máy đóng cửa, biên giới đóng cửa, yếu tố địa chính trị…
Các chính phủ tỏ ra lo ngại. Hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tìm nguồn tài chính gần 40 tỷ USD để kích thích ngành sản xuất chất bán dẫn Mỹ. Các quan chức Liên minh châu Âu cũng đã họp bàn về gói 60 tỷ USD để thúc đẩy ngành bán dẫn trong khối.
Nvidia và các đối thủ đã sản xuất GPU cho game thủ trong suốt 30 năm qua. Tổng giám đốc điều hành Nvidia có tài sản cá nhân trị giá 14,2 tỷ USD và Nvidia có vốn hóa thị trường gần 370 tỷ USD. Trong khi đó, đối thủ AMD của Nvidia có giá trị 100 tỷ USD.
Cách đây chục năm, GPU được sản xuất ra thị trường hầu như đều thuộc về các game thủ. Nhưng mọi chuyện thay đổi từ khi tiền số bùng nổ. GPU có thể thực hiện nghìn tỷ phép tính mỗi giây và khả năng này có thể ứng dụng để đào tiền số.
Dù có quy mô và tuổi đời lớn nhưng cả Nvidia và AMD đều không xoay sở kịp trước nhu cầu tăng vọt từ thợ đào tiền số và còn không rõ bao nhiều phần trăm doanh số bán hàng là nhờ thợ đào tiền số. Con số có thể lớn tới 10% và sẽ còn tăng khi mà giá tiền số tăng vọt trong năm 2020 và 2021, khiến đào tiền số trở nên hấp dẫn.
Trong khi đó, các nhà sản xuất GPU không thực sự muốn khách hàng hàng đầu của mình là thợ đào tiền số. Họ cũng chứng kiến mức cầu bùng nổ tương tự năm 2017-2018 từ nhóm người này, nhưng khi bong bóng tiền số vỡ, các thợ đào tiền này khiến thị trường ngập GPU cũ, làm giảm giá và giảm nhu cầu mua GPU mới. Thiệt hại với Nvidia là đáng kể. Trong quý đầu tiên tài khóa 2019, Nvidia giảm gần 1/3 doanh thu so với năm trước và đây là lần giảm doanh thu hiếm hoi của công ty.
Vì thế Nvidia và các công ty trong ngành không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu cung mà còn cả tình trạng mức cầu cao từ nhóm khách hàng có thể biến mất bất kỳ lúc nào nếu tiền số lại giảm giá. Điều đó có nghĩa là ngay cả nếu họ tăng cung để đáp ứng nhu cầu từ nhóm đào tiền số thì họ có thể đột nhiên thừa sản phẩm nếu ngành tiền số không còn hấp dẫn.
Cân nhắc các yếu tố đó đã khiến các công ty sản xuất GPU quyết định không thay đổi gì lớn, tức là không sản xuất nhiều hơn để đáp ứng mức cầu cao. Hậu quả là game thủ và thợ đào tiền số căng thẳng, giành giật nhau bất kỳ bộ GPU nào xuất hiện trên thị trường, như trên eBay hay qua các diễn đàn như Reddit, với giá gấp hai, gấp ba giá gốc.