Theo đó, những ai không thể làm việc được tại nhà thì bắt đầu được phép đi làm lại từ ngày 11/5, nhưng được khuyến cáo tránh không dùng phương tiện giao thông công cộng, mà dùng phương tiện đi lại của cá nhân. Người dân được phép ra ngoài tập thể dục, đi dạo không hạn chế, nhưng vẫn phải giữ nghiêm quy định giãn cách xã hội. Học sinh tiểu học sẽ đi học lại vào tháng 6, ngoài ra học sinh các lớp gần cuối mỗi cấp sẽ đến trường trở lại trước khi năm học kết thúc.
Các nhà hàng ăn, quán cafe tháng 7 sẽ cho phép mở cửa lại. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định đây là những nới lỏng thận trọng và có thể thay đổi tùy theo tình hình thực tế bệnh dịch. Bên cạnh đó, Anh sẽ thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người vào nước Anh theo đường hàng không, song Thủ tướng Anh chưa nói cụ thể sẽ áp dụng lệnh này khi nào.
Câu hỏi luôn được đặt ra là khi nào lệnh phong tỏa, bắt đầu áp dụng từ ngày 23/3, sẽ kết thúc. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Anh, cấp độ phong tỏa tại Anh sẽ khiến nước này suy giảm sản lượng kinh tế ở mức 31%, gây ra một cú sốc mạnh đối với các lĩnh vực như sản xuất, lưu trú, bán lẻ phi thực phẩm và xây dựng. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 300 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo tính toán của BoE, nền kinh tế Anh đang trên đà suy giảm 25% trong quý II/2020, với tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp hơn hai lần lên hơn 9%, sản lượng kinh tế có thể giảm 14% trong năm 2020 - mức giảm hằng năm lớn nhất kể từ năm 1706 và lớn gấp ba lần mức giảm trong đợt suy thoái kinh tế 2008-2009. Tuy nhiên, cũng theo BoE, khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, kinh tế Anh có thể bật tăng mạnh trở lại trong năm 2021, với mức tăng trưởng có thể lên tới 15%, cao nhất kể từ năm 1704.
Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ dựa trên 5 tiêu chí để đưa ra điều chỉnh, nới lỏng lệnh phong tỏa: Đảm bảo hệ thống y tế công NHS đủ năng lực đối phó khi tình trạng lây nhiễm lên cao đỉnh điểm; Các số liệu khoa học cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đang giảm đến mức có có thể quản lý được; Khả năng kiểm tra xét nghiệm và các thiết bị quần áo bảo hộ y tế cá nhân đủ để đáp ứng khi có nhu cầu sử dụng trong tương lai; Đảm bảo bất cứ điều chỉnh nào cũng sẽ không gây ra rủi ro lây nhiễm đỉnh dịch lần thứ hai xuất hiện, bao phủ lên toàn bộ hệ thống NHS.
Nới lỏng lệnh phong tỏa được hiểu là những quy định hạn chế sẽ được dỡ bỏ dần theo từng giai đoạn, như cho phép các trường học, một số cơ sở kinh doanh được phép mở trở lại, mở cửa lại nhà hàng ăn, quán cafe, quán rượu... Tuy nhiên, một số biện pháp như giãn cách xã hội có thể được duy trì cho đến tận cuối năm 2020.
Thủ tướng Johnson cho biết Anh sẽ áp dụng hệ thống cảnh báo, đánh giá mức độ nguy hiểm dịch bệnh đối với từng vùng, và cả nước Anh dựa trên 5 mức độ. Mức độ 1 là Anh hầu như hết dịch và mức 5 là mức độ dịch bệnh nguy hiểm báo động ở mức cao nhất. Hiện nay Anh đang ở mức độ 4, mức báo động cao thứ hai, và đang trên đường hạ xuống mức 3. Ông Johnson cho rằng điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của người dân, tuân thủ các quy định của lệnh phong tỏa.
Trong bối cảnh Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải làm rõ cách thức nước này dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, một loạt quan chức đã chỉ trích Thủ tướng Johnson, cho rằng tuyên bố của ông tối 10/5 gây chia rẽ, gây hiểu nhầm và không rõ ràng. Thủ tướng Johnson thay khẩu hiệu kêu gọi người dân chuyển từ "hãy ở nhà" ở giai đoạn trước sang thành "hãy cảnh giác" ở giai đoạn mới này.
Tuy nhiên, người đứng đầu các vùng Wales, Scotland và Bắc Ireland đều bày tỏ không ủng hộ. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho rằng việc từ bỏ khẩu hiệu "hãy ở nhà" có thể dẫn đến những hậu quả "thảm kịch" tại vùng biên giới phía Bắc và bà đã ra những mệnh lệnh khác với ông Johnson cho người dân sống tại Scotland. Bà Sturgeon cho rằng khẩu hiệu "hãy cảnh giác" là khẩu hiệu "quá mơ hồ và không chính xác".
Thủ hiến vùng Wales, Mark Drakeford khẳng định khẩu hiệu "hãy ở nhà" vẫn giữ nguyên tại Wales. Ông cho rằng người dân xứ Wales sẽ được ra ngoài tập thể dục thường xuyên hơn nhưng sẽ không mở lại trường học vào ngày 1/6 tới. .
Về vấn đề đi làm, đi học trở lại, người đứng đầu Công đảng đối lập, ông Keir Starmer, cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Johnson đồng nghĩa với việc cho phép "cả triệu người đi làm trở lại ngay từ ngày mai" mà không hề có hướng dẫn cần thiết nào. Theo ông, việc kêu gọi mọi người tránh không đi làm bằng phương tiện công cộng và dùng phương tiện cá nhân là điều không thể đối với nhiều người.
Tổng thư ký tổ chức công đoàn Unite, ông Len McCluskey cũng bày tỏ quan ngại về việc để mọi người đi làm trở lại trong khi những quy định đảm bảo an toàn cho người lao động chưa được nhất trí, cho rằng nếu không có các quy định đảm bảo an toàn cụ thể thì người lao động có thể sẽ rơi vào nguy cơ nhiễm virus.
Trong khi đó, các quan chức ngành hàng không lại chú ý tới quy định bắt buộc những người đến Anh bằng đường hàng không phải tự cách ly tại nhà riêng hoặc tại các trung tâm cách ly 14 ngày. Nhiều ý kiến lo ngại lệnh cách ly sẽ không chỉ ảnh hưởng tồi tệ đến ngành công nghiệp hàng không mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế Anh.
Giám đốc điều hành IAG, cơ quan quản lý của các hãng hàng không Anh, Willie Walsh cho rằng các hàng hàng không sẽ không thể khởi động bay trở lại vì lệnh cách ly sẽ khiến nhiều người không muốn đến Anh nữa. Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà vận hành sân bay Karen Dee cảnh báo các sân bay sẽ không thể sống sót nếu lệnh cách ly 14 ngày kéo dài. Giám đốc điều hành của Airlines UK Tim Alderslade, cho rằng việc áp dụng lệnh cách ly khiến khả năng phục hồi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ diễn ra chậm, đe dọa tương lai của nhiều hãng hàng không.
Cũng có ý kiến đặt câu hỏi về hiệu quả của biện pháp cách ly này. Anh đưa ra quyết định áp dụng lệnh cách ly trong khi các nước Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ tiếp tục đóng cửa không phận biên giới bên ngoài EU cho đến giữa tháng 6. Hầu hết các hãng hàng không đã ngưng bay kể từ khi có lệnh phong tỏa. Sân bay quốc tế Heathrow, sân bay đông khách nhất của Anh và EU, cho biết số lượng hành khách đến sân bay trong tháng 4/ 2020 giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ Anh thì bày tỏ chia sẻ về "thời khắc khó khăn" của ngành hàng không và tuyên bố sẽ trợ giúp nếu như các hãng hàng không còn cách nào khác. Tuy nhiên một quan chức cấp cao của Anh cho biết chính phủ "khả năng cao là sẽ rất miễn cưỡng" nếu phải đứng ra bảo lãnh cho hãng hàng không hay tổ chức vận hành sân bay.
Lộ trình đưa nước Anh ra khỏi lệnh phong tỏa thực sự là một phép thử khó cho Chính phủ của Thủ tướng Johnson, nhất là khi Anh hiện là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Âu và cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ với trên 31.850 ca tử vong tính đến sáng 11/5; số bệnh nhân mắc COVID-19 cũng cao thứ ba thế giới. Đây là áp lực to lớn, bởi người dân Anh có thể "thông cảm" cho những lỗi xảy ra trong quá trình thực hiện lệnh phong tỏa, nhưng sẽ không tha thứ nếu như chính phủ mắc phải sai lầm khi đưa ra các quyết sách liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.