Đầu năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ đã kế hoạch tới một vài quốc gia cộng hòa từng thuộc Liên bang Xô viết, trong đó có Kazakhstan.
Kazakhstan đã ký các thỏa thuận hợp tác với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đồng thời tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Moskva và Bắc Kinh.
Theo ông Vladimir Batyuk – chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada của Nga, mức độ tương tác giữa Mỹ và Kazakhstan “ổn định nhưng yếu ớt" và thỏa thuận chung thường chỉ giới hạn trong các cuộc gặp cấp thấp.
Tìm vị trí dự phòng tại Trung Á
Việc Mỹ quan tâm tới Kazakhstan có thể là kết quả của những diễn biến gần đây tại Afghanistan – nơi mà cuộc chiến kéo dài 18 năm dường như không đem lại kết cục tốt đẹp cho Washington.
Lời hứa rút quân ra khỏi cuộc chiến Afghanistan của Tổng thống Donald Trump ngay từ đầu đã bị ban cố vấn theo quan điểm “diều hâu” dập tắt. Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Hồi giáo Taliban ngay khi một thỏa thuận hòa bình dường như sắp được hình thành.
Tuy nhiên, theo một số thông tin được tiết lộ gần đây, các tướng lĩnh và quan chức Mỹ nhận ra cuộc chiến tại Afghanistan là không thể giành chiến thắng và có thể sẽ thực sự từ bỏ vùng đất này.
Điều đó có nghĩa là Mỹ cần một nơi khác để tiếp tục giấc mơ xây dựng một căn cứ trong khu vực.
“Giờ họ cần Trung Á làm trung tâm để điều hành hoạt động”, Aleksey Pilko – Giám đốc Trung tâm Liên lạc Á-Âu – trả lời phỏng vấn RT.
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan tạo điều kiện cho Taliban trỗi dậy. Các tay súng Hồi giáo đang kiểm soát phần lớn quốc gia này. Washington có thể mở rộng tầm ảnh hưởng tại các nước láng giềng bằng cách sử dụng tiền đề là các mối lo ngại về an ninh tiềm ẩn và hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố.
Ngã tư địa chính trị
Kazakhstan là một cường quốc khu vực và là quốc gia lớn nhất ở Trung Á, với tổng đóng góp 60% GDP cho khu vực. Đây cũng là một nước xuất khẩu urani lớn và có trữ lượng dầu khí đáng kể. Chỉ riêng những con số này cũng đủ Washington để mắt tới Kazakhstan.
Quan trọng nhất là Kazakhstan nằm ở vị trí thuận tiện giữa hai đối thủ địa chính trị lớn của Washington - Trung Quốc và Nga - khiến nó trở thành một mảnh ghép rất có giá trị trong bức tranh địa chiến lược.
Trên thực tế, Washington thực sự quan tâm tới việc củng cố mối quan hệ song phương với Kazakhstan sau khi Tổng thống Kazakhstan Nurultult Nazarbayev - một đồng minh thân thiết và là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin - từ chức nhường chỗ cho một nhà lãnh đạo trẻ khác.
Chuyên gia Pil Pilko giải thích: “Kazakhstan là một quốc gia chiến lược trong khu vực, vì vậy không có gì lạ khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến đây. Lãnh đạo Kazakhstan đã thay đổi. Bây giờ, Mỹ thấy cần phải tìm hiểu những gì đang xảy ra và chính sách của nhà lãnh đạo mới sẽ là gì”.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Pompeo đã đón tiếp người đồng cấp Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi khi ông này tới Washington. Bày tỏ trên một dòng trạng thái Twitter, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định “mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy”.
Lần này,Ngoại trưởng Pompeo đến Kazakhstan cũng theo lời mời của người đồng cấp Tleuberdi. Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Kazakhstan Aybek Smadiyarov, lịch trình của ông Pompeo sẽ bận rộn.
Nỗ lực vô ích
Mặc dù mục đích của Ngoại trưởng Mỹ tới Kazakhstan là khá rõ ràng song có kết quả tốt hay không thì các chuyên gia vẫn nghi ngờ. Giới quan sát cho rằng ngay cả khi Mỹ tung ra lá bài hỗ trợ đảm bảo an ninh, nhưng điều đó có thể chưa đủ để xoay chuyển một quốc gia vốn dĩ thân thiết với Moskva hướng về Washington.
Trong cả lĩnh vực kinh tế và quân sự, Kazakhstan đều hòa nhập sâu sắc với Nga và một số nước từng thuộc Liên Xô. Quốc gia này là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - một liên minh quân sự liên chính phủ, bao gồm Nga, Armenia, Belarus và hai nước láng giềng Trung Á Kyrgyzstan và Tajikistan. Liên minh quân sự này chủ yếu đảm nhận giao nhiệm vụ chống lại bất kỳ sự xâm lược quân sự nào nhằm vào các thành viên, cũng như chống khủng bố.
Kazakhstan cũng là thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). EAEU gần giống với Thị trường chung EU, cho phép tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người cũng như đưa ra các chính sách chung trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, từ giao thông, công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp đến hải quan và đầu tư.
Một lưu ý thêm là Trung Quốc và Nga là hai đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan. Gần 40% hàng hóa nhập khẩu của Kazakhstan có xuất xứ từ Nga và 16% hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chỉ hơn 4%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Kazakhstan, trong khi Nga là thị trường lớn thứ tư.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Tokayev của Kazhakhstan từng công khai tuyên bố ông sẽ tiếp tục đi theo đường hướng của người tiền nhiệm, điều đó có nghĩa là duy trì hợp tác chặt chẽ với cả Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho thành công ngoại giao của Ngoại trưởng Pompeo không nằm ở Kazhakhstan mà nằm ở bản thân Washington. Theo chuyên gia Batyuk, Tổng thống Trump chủ yếu vẫn đặt địa kinh tế lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
“Kinh tế rất quan trọng đối với Tổng thống Trump. Về lĩnh vực này, Kazakhstan và Trung Á nói chung gần như không xuất hiện trong thế giới quan của ông ấy. Khi ông ấy không biết chính xác những gì ông ấy muốn từ khu vực, rất khó để triển khai bất kỳ chiến lược nào ở đây”, nhà phân tích kết luận.