Những nội dung này được Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra nhân Hội nghị lần thứ 14 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) ở New Delhi, Ấn Độ từ ngày 2-13/9, được xem là những đánh giá bao quát nhất về mối quan hệ "có qua có lại" tác động tương hỗ lẫn nhau giữa vấn đề quản lý sử dụng đất và ổn định khí hậu. Đây cũng là báo cáo chỉ rõ đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng đang bị đe dọa bởi tình trạng khai thác quá đà, sử dụng bất hợp lý.
Trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền, chỉ tính riêng 10 khu vực hoang mạc hóa lớn nhất thế giới đã lên tới 43.967 triệu km2. Hiện gần 500 triệu người sống ở các khu vực bị sa mạc hoá. Đáng báo động là diện tích đất bị suy thoái và sa mạc hóa ngày càng gia tăng do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và các hoạt động canh tác vô độ của con người. Đất đai đang trở thành nguồn tài nguyên bị đe dọa và chịu sức ép ngày càng tăng của con người.
Bản báo cáo đặc biệt “Biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, suy thoái đất, quản lý đất đai bền vững, an ninh lương thực và các dòng khí nhà kính trong các hệ sinh thái trên cạn”, được IPCC công bố trước thềm COP 14, đã làm sáng tỏ nhiều điều mà con người chưa hiểu rõ về vai trò của đất đai như một yếu tố quan trọng của khí hậu, xét cả vai trò là một nguồn phát thải khí nhà kính và cũng là giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Phục hồi đất, cải tạo đất và quản lý đất đai bền vững là một phần trong chiến lược chống biến đổi khí hậu mà các quốc gia cần theo đuổi, ngược lại những giải pháp thiếu cân bằng trong quản lý đất đai có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời gây mất an ninh lương thực và ô nhiễm môi trường.
Tuy ít được chú ý, vai trò của đất trong cân bằng khí hậu lại rất quan trọng. Báo cáo của IPCC cho biết, đất đai vừa là nguồn tài nguyên, vừa chứa đựng khí nhà kính. Trong những điều kiện nhất định, đất có khả năng hấp thụ carbon thải vào khí quyển, bởi theo giải thích của chuyên gia về bảo vệ đất, bà Elena Havlicek: "Thảm thực vật hấp thụ CO2 trong không khí để phát triển. Khi thực vật chết, các sinh vật trong đất biến carbon này thành mùn". Báo cáo của IPCC cũng chỉ ra rằng, "từ năm 2008 đến 2017, đất đai đã hấp thụ gần 30% tổng lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra thông qua các quá trình địa vật lý".
Vấn đề là con người đang khai thác tài nguyên đất đai một cách thiếu bền vững. Các chuyên gia ước tính rằng, khoảng 1/4 đất đai không bị băng giá bao phủ đang bị khai thác quá mức. Đặc biệt, nông nghiệp thâm canh là nguồn gốc của vấn đề. Ước tính việc sử dụng phân khoáng và cày sâu đã dẫn đến giảm lượng chất hữu cơ trong đất ở mức từ 60 đến 70% trên toàn cầu.
Mặt khác, nhiều loại đất đã bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên của Trái Đất, do hạn hán gia tăng... Chuyên gia về khí hậu người Pháp Valérie Masson-Delmotte tại IPCC khẳng định sự gia tăng nhiệt độ 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh lương thực toàn cầu. Đất đai khô cằn và những khu vực bị sa mạc hoá cũng dễ bị tổn thương hơn đối với biến đổi khí hậu và các sự kiện cực đoan như hạn hán, sóng nhiệt và bão cát.
Đất đai bị suy thoái sẽ trở nên cằn cỗi, gây khó khăn cho trồng trọt và làm giảm khả năng hấp thụ carbon của đất. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, trong khi biến đổi khí hậu lại làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái của đất theo nhiều cách khác nhau. Chuyên gia Rattan Lal thuộc trường Đại học bang Ohio (Mỹ) cho biết, đất canh tác trên thế giới đã bị mất đi 50 - 70% khả năng dự trữ carbon ban đầu do những tác động như vậy. Các chuyên gia cảnh báo rằng cách thức con người sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên đất đai đang làm biến đổi khí hậu tồi tệ hơn.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai quý giá này, báo cáo của IPCC khuyến nghị sử dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện với đất, như hạn chế sử dụng máy cày, che phủ đất liên tục để chống xói mòn, áp dụng các tập quán nông nghiệp phục hồi như phủ xanh đất quanh năm hay nông - lâm kết hợp, phục hồi những diện tích đất bị thoái hóa, xuống cấp, trồng rừng...
Đây được coi là biện pháp cải thiện chất lượng đất, giúp đất đai giữ được khả năng sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực khi dân số tăng và khi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với cây trồng tăng lên, đồng thời giúp đất đai khôi phục chức năng là bể chứa carbon, góp phần hiệu quả vào cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Theo tính toán của chuyên gia Rattan Lal, mỗi năm, loài người có thể lưu trữ được thêm từ 1 - 3 tỷ tấn carbon, tương đương khoảng 3,5 - 11 tỷ tấn khí thải CO2 nếu sớm bắt tay phục hồi những vùng đất đã bị hoang hóa hoặc xuống cấp.
Theo IPCC, nỗ lực hạn chế sự nóng lên của Trái Đất và nuôi sống một lượng lớn dân số đang bùng nổ có thể bị hủy hoại nếu con người không nhanh chóng thay đổi cách thức sử dụng đất. Giáo sư Dave Reay thuộc Đại học Edinburgh (Anh) đã ví thực trạng hiện nay như "một cơn bão" khi đất đai hạn chế và bị suy thoái, còn dân số bùng nổ và tất cả các yếu tố này đang bị "chiếc chăn" biến đổi khí hậu bao bọc làm cho ngột ngạt.
Trong bối cảnh dân số toàn cầu có thể lên tới 10 tỷ người vào giữa thế kỷ này, cách thức quản lý đất đai của chính phủ, ngành công nghiệp và nông dân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế hay thúc đẩy tình trạng biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, UNCCD coi quản lý đất bền vững là nhiệm vụ của cả thế giới, với mục tiêu tái tạo sức sản xuất cho hơn 2 tỷ hecta đất suy thoái và cải thiện môi trường sống cho hơn 1,3 triệu người trên thế giới.