Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia cho rằng chính sách thích im lặng và kín đáo thay vì minh bạch của Bắc Kinh không có tác dụng khi ban lãnh đạo Mỹ, trong đó có Tổng thống Donald Trump, lên tiếng đưa ra những lời cáo buộc, cảnh báo và đe dọa cứng rắn.
Trong khi quan chức Trung Quốc dè chừng, cân nhắc về những nội dung được đàm phán giữa hai bên trong suốt 10 tháng qua, thì ngược lại, quan chức Mỹ và đặc biệt là Tổng thống Trump, lại liên tục để lộ chi tiết các cuộc thảo luận thông qua các tuyên bố công khai trên báo chí và mạng xã hội.
Wu Qiang – một nhà phân tích chính trị đồng thời là cựu Giáo sư Đại học tại Bắc Kinh – nhận xét nếu “cuộc chiến thương mại là cuộc chiến truyền thông, Bắc Kinh đã thua ngay từ đầu. Trong khoảng thời gian dài, Chính phủ Trung Quốc gần như là không thể nói lại trước những tiết lộ về các vòng đàm phán từ phía Mỹ”.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiếng nói lớn nhất thuộc về ông chủ Nhà Trắng. Ông liên tục thể hiện quan điểm cứng rắn kể từ khi tiến trình đàm phán có phần bế tắc hai tuần trước, đưa ra những lời đe dọa khi cáo buộc Bắc Kinh phản bội lại những cam kết chính trước đó.
Trong một cuộc trò chuyện với hiệp hội bất động sản tại Washington hôm 17/5, Tổng thống Trump nhắc lại các nhà đàm phán Trung Quốc đã "phá vỡ" thỏa thuận được cả hai bên nhất trí. "Trung Quốc lược bỏ nhiều điều khoản mà hai bên đã đàm phán xong, và tôi đã nói rằng: 'Các vị không thể làm như vậy. Từ lâu, các vị đã làm điều đó với các Tổng thống của chúng tôi".
Trái ngược với truyền thông tại Mỹ, Bắc Kinh luôn hạn chế các bài viết và các bài bình luận công khai có nội dung liên quan đến chiến tranh thương mại kể từ khi Tổng thống Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc từ tháng 7 năm ngoái.
Theo thống kê của dự án nghiên cứu có tên gọi WeChatscope, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt gắt gao nhất trong năm ngoái trên ứng dụng WeChat.
Tuy vậy, những hình chụp dòng tweet của Tổng thống Trump và những bài báo quốc tế về chiến tranh thương mại vẫn được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc.
Tin tức về các cuộc đàm phán cũng ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu Trung Quốc. Cụ thể, một số mã cổ phiếu đã giảm 5,6% tại Thượng Hải và 7,5% tại Thâm Quyến một ngày sau khi ông Trump ngày 5/5 đe dọa áp đặt thuế quan thêm đối với hàng hóa Trung Quốc.
“Ban lãnh đạo Bắc Kinh tiết lộ rất ít thông tin về các cuộc đàm phán trong năm vừa qua và không có câu chuyện nào của riêng mình… vì vậy mọi người chỉ có thể theo dõi những phát ngôn của ông Trump. Các dòng tweet của ông Trump có thể gây ra những phản ứng lớn ở Trung Quốc trên các trang mạng xã hội, thị trường chứng khoán”, chuyên gia Wu giải thích.
Khi Tổng thống Trump đăng dòng trạng thái về kế hoạch tăng mạnh thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, các quan chức và cố vấn của Nhà Trắng đã nhanh chóng chỉ trích Bắc Kinh về việc quay lưng với những lời hứa. Nhưng trong nhiều ngày, không có bất kỳ một dòng tin nào khác từ các cơ quan truyền thông hàng đầu của nhà nước Trung Quốc ngoại trừ tuyên bố các cuộc đàm phán thương mại sẽ tiếp tục.
Chỉ 5 ngày sau khi thuế quan có hiệu lực, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc – trưởng đoàn Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại - mới công bố câu chuyện từ phía Trung Quốc - và thậm chí phần nội dung này chỉ được chỉ định cho một số tờ báo.
Shi Yinhong - chuyên gia các vấn đề Mỹ thuộc Đại học Nhân dân - cho biết sự chậm trễ cho thấy rõ Trung Quốc đang gặp thế khó với việc tiết lộ thông tin.
“Câu chuyện đã được phía Mỹ kể lại, với lời kể từ quan điểm của họ, vì vậy Phó Thủ tướng Lưu Hạc phải giải thích lý do tại sao thỏa thuận không thể đạt được vào phút cuối. Rõ ràng phía Trung Quốc không sẵn sàng tiết lộ điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán. Họ lo ngại rằng điều đó sẽ càng làm căng thẳng với Mỹ gia tăng nếu tiết lộ quá nhiều. Hầu như tất cả các chính phủ đều phải đối mặt với tình trạng khó xử giống nhau khi đối đầu với ông Trump”, chuyên gia Shi lý giải.
Tuy nhiên, có một vài nhà phân tích cho rằng mặc dù những dòng tweet của Tổng thống Trump có thể khiến dư luận Trung Quốc hoang mang, song chiến thuật mà Mỹ đang áp dụng chưa chắc đã đem cho Washington lợi thế khi đàm phán.
Stephen Orleans, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung Quốc, cho rằng việc tiết lộ chi tiết về các cuộc đàm phán sẽ chỉ làm cho khả năng đạt được một thỏa thuận ít đi. “Nếu bạn muốn đề xuất thỏa thuận, bạn hãy trình bày nó một cách riêng tư. Còn nếu bạn dồn ép họ, thì khả năng đạt được thỏa thuận sẽ ít đi”, Orleans trả lời phỏng vấn hãng tin CNN.
Chuyên gia Ryan Hass, người phụ trách về chính sách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng hành động của Mỹ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình dễ dàng cáo buộc phương Tây theo chủ nghĩa đơn phương.
Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nâng cao tinh thần dân tộc bằng loạt bài xã luận, trong đó cáo buộc Mỹ khiến căng thẳng thương mại leo thang. Hôm 17/5, một bài viết trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo khẳng định cuộc thương chiến với Mỹ không thể bắt Trung Quốc "quỳ gối".
Truyền hình nhà nước tuần này cũng phát sóng những bộ phim về chủ đề chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Thời điểm đó, quân đội Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ.
"Sự thay đổi trong ngôn từ thể hiện suy nghĩ của họ về khả năng đạt được thỏa thuận với Mỹ. Hay nói cách khác, là họ đang ngày càng bi quan hơn”, Richard McGregor - chuyên gia về Trung Quốc hiện đang làm việc tại Viện Lowy Institute ở Sydney – kết luận.