Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 vừa qua, người Hy Lạp đã nói “không” với những đòi hỏi thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ đưa ra. Kết quả này dường như đồng nghĩa với việc “xứ sở các vị thần” sẽ không còn là một phần của Eurozone. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản là “ai không tôn trọng luật chơi thì ra đi”, vì một kết cục như vậy chẳng khác nào “cơn ác mộng” đối với tất cả các bên.
Khi “cầu chì” phát nổ
Athens đã không trả được khoản nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đáo hạn vào ngày 30/6. Kinh tế Hy Lạp cũng bị giáng cấp uy tín xuống mức cực thấp Caa3 trên thị trường toàn cầu. Theo tính toán, Hy Lạp hiện đang gánh một “núi nợ” lên đến 242,8 tỷ euro (tương đương 271 tỷ USD) từ các chủ nợ quốc tế, trong đó bao gồm cả các khoản cho vay nằm trong hai gói cứu trợ do châu Âu và IMF dành cho Athens từ năm 2010, cùng số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp hiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Eurozone nắm giữ. Trong số ba chủ nợ, còn gọi là “troika” (bộ tam gồm IMF, ECB và EU), IMF đã cung cấp cho Athens 32 tỷ euro, ECB đang nắm giữ khoảng 18 tỷ euro trái phiếu Hy Lạp, trong đó có đến 6,7 tỷ euro trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng Bảy và tháng Tám tới. Những trái phiếu này đang phải đối mặt với nguy cơ mất giá mạnh, gây ra thiệt hại không nhỏ cho ECB nếu “Grexit” - nguy cơ Hy Lạp ra khỏi Eurozone - xảy ra.
Người dân Hy Lạp ăn mừng tại thủ đô Athens sau kết quả trưng cầu dân ý. |
Sau các gói cứu trợ khổng lồ, tình hình tại Hy Lạp vẫn không khả dĩ hơn. Trong khi đó, các chủ nợ không muốn trao một cơ hội nữa nếu Athens không cam kết “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua, đa số người dân Hy Lạp đã nói “không” với những đòi hỏi thái quá này sau 5 năm khắc khổ, mở ra một tương lai u ám là Hy Lạp sẽ rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Kịch bản này không chỉ giống như một “cơn ác mộng” đối với Hy Lạp, mà còn kéo theo những hậu quả khôn lường đối với toàn châu Âu và kinh tế thế giới nói chung.
Với Hy Lạp, việc ra khỏi Eurozone sẽ là thảm họa. Không có gì đảm bảo rằng nền kinh tế Hy Lạp sau khi thoát khỏi các hạn chế, ràng buộc của Eurozone sẽ trở nên thịnh vượng. Ngân hàng Hy Lạp đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm trong kịch bản trên: suy thoái trầm trọng, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh, lạm phát phi mã và thiếu hụt nhu yếu phẩm nhập khẩu, nhất là dầu khí và thuốc men. Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến khả năng phục hồi càng trở nên xa vời.
Các nước trong Eurozone cũng không tránh được tác động dây chuyền khi bỗng dưng hàng trăm tỷ euro cho vay “không cánh mà bay”, để đến lượt họ phải tự áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” thế vào chỗ Hy Lạp. Theo một báo cáo của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), cuộc khủng hoảng của Hy Lạp có thể đẩy nền kinh tế Italy vào tình trạng khó khăn khi nước này vừa thoát khỏi suy thoái kinh tế. Việc Hy Lạp ngày càng lâm vào thế nguy kịch sẽ làm tăng mức nợ công của Italy, đồng thời giảm tăng trưởng GDP trong năm nay xuống thấp hơn mức dự đoán 0,6%. Hiện tại, nợ công của Italy đã lên tới gần 2.200 tỷ euro, tương đương với hơn 130% GDP. Standard and Poor's ước tính việc Hy Lạp rời Eurozone có thể khiến nợ công của Italy tăng thêm 11 tỷ euro.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh cũng nhận định cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Hy Lạp có thể gây rủi ro đối với sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh - nước vốn không phải thành viên Eurozone. Các nhà xuất khẩu Anh đang phải đối mặt với những thử thách thực sự, đặc biệt từ tác động của việc đồng bảng Anh mạnh lên nhiều so với đồng euro trong khi EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh.
Chưa hết, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng “đứng ngồi không yên”. Hy Lạp là trung điểm của chiến lược “Con đường tơ lụa thế kỷ 21” mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng nhằm gia tăng ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc ra châu Âu và khắp thế giới. Nếu châu Âu khủng hoảng, Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng vì Bắc Kinh đã đầu tư và cho vay rất nhiều tại châu lục này.
Mỹ có lẽ cũng không “đứng ngoài cuộc”, tuy hệ quả của sự kiện trên đối với nền kinh tế số 1 thế giới sẽ ở mức vừa phải. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và đồng USD tăng giá so với euro cho thấy xu hướng giới đầu tư đổ xô vào các chứng khoán Mỹ khi tình hình kinh tế bên ngoài khó khăn. Việc này có nguy cơ gây những tác động ngoài ý muốn đối với kế hoạch tăng lãi suất của Fed.
Tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định kết quả gây sốc trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua không nhất thiết đồng nghĩa với việc Hy Lạp “đoạn tuyệt” quan hệ với châu Âu. Mọi chuyện không đơn giản chỉ là “ai không tôn trọng luật chơi thì ra đi”. Tuy Hy Lạp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế thế giới nhưng nước này là thành viên của một trong những liên minh tiền tệ lớn trên thế giới, khiến cho việc nước này rút ra khỏi Eurozone không phải chỉ là chuyện rũ bỏ xong mọi thứ.
Châu Âu đang đứng trước thế “tiến thoái lưỡng nan”: trao cho Hy Lạp một cơ hội nữa hay đứng nhìn họ rời khỏi Eurozone? Việc Hy Lạp ra đi sẽ kèm theo các hệ quả tiêu cực đến chính trị và biểu tượng của Eurozone khi mất đi một quốc gia mang tính lịch sử của châu Âu. Nhưng rót thêm tiền vào “lỗ đen” của nền tài chính Hy lạp là một “canh bạc nguy hiểm” và sẽ không được các cử tri các nước khác trong Eurozone đồng ý, nhất là các quốc gia bảo thủ hơn như Phần Lan và Hà Lan, cũng như các nước vùng Baltic.
Chuyên gia kinh tế Robert Boyer nhận định “người dân Hy Lạp đang là vật hy sinh”. Các chủ nợ đã áp dụng một kiểu logic trừng phạt tại Hy Lạp. Các chương trình thắt lưng buộc bụng mà họ áp đặt không giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế mà chỉ nhằm đảm bảo việc hoàn trả nợ. Theo ông Boyer, hiếm có những chương trình mới trong đó tính đến việc đẩy lùi tình trạng bấp bênh, mở rộng an sinh xã hội… Hy Lạp đang rơi vào tình trạng mà trước đây các nền kinh tế bị khủng hoảng chưa từng mắc phải, và cần một cách "chữa trị" cũng chưa từng có. Việc giải quyết vấn đề Hy Lạp không thể chỉ bằng các biện pháp quá cứng rắn và hà khắc theo kiểu "quan liêu và giáo điều", mà cần phải thay đổi với hướng tiếp cận nhân văn hơn.
Xét từ quan điểm kinh tế, rõ ràng cần có biện pháp xoá nợ cho Hy Lạp. Cách thức này đã được nhiều nước biết đến. Sau khủng hoảng tài chính, Iceland tuyên bố không thể trả nợ, không muốn đẩy người dân vào thảm họa nhân đạo. Một năm sau, Iceland vượt qua khủng hoảng và bắt đầu phát triển từng bước về kinh tế. Lịch sử cũng đã chứng minh những người thích cho vay lãi suất cao cuối cùng vẫn mở hầu bao với các nước vỡ nợ. Miễn là sau này họ nhận được khoản trả tương xứng với hành động chấp nhận rủi ro này. Bên cạnh đó, các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) - công cụ đóng vai trò bảo hiểm trong trường hợp vỡ nợ Chính phủ và doanh nghiệp, cũng cho phép các chủ nợ trái phiếu hạn chế rủi ro.
Có một logic trong tài chính mà ai cũng biết, đó là “lãi mẹ đẻ lãi con” - thời gian càng trôi, lãi suất ngày càng đè nặng lên Hy Lạp một cách nguy hiểm, đồng nghĩa với một nguy cơ lớn đối với Eurozone. Chính vì vậy, các nước châu Âu không còn thời gian để mất, cần hành động ngay để cứu chính mình.