Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) gặp gỡ cử tri trong cuộc vận động tranh cử tại Wormerveer ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh đảng “Vì tự do” (PVV) của nghị sĩ Geert Wilders, một nhân vật có quan điểm dân túy và cực hữu, đang trỗi dậy ở Hà Lan.
PVV là đảng có quan điểm chống nhập cư và Hồi giáo mạnh mẽ, đồng thời muốn đưa đất nước ra khỏi EU. Cuộc bầu cử ở Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và tâm lý chống lại giới chính trị cầm quyền hiện nay, trước thềm hai cuộc bầu cử quan trọng khác diễn ra trong năm nay tại Pháp và Đức và có thể cả ở Italy.
Nếu ông Geert Wilders và đảng PVV giành thắng lợi, điều đó sẽ càng khuyến khích các đảng dân túy trên khắp châu Âu tìm cách liên kết để phá vỡ những giá trị và sự ổn định chính trị của khối này. Trên thực tế, ông Wilders và phe cực hữu ở châu Âu đang tìm cách cùng viết nên câu chuyện về một EU "vỡ mộng". Có thể nói, tâm lý chống EU ở Hà Lan nói riêng và tại nhiều nước thành viên nòng cốt của EU cho thấy EU càng chậm cải cách thì nguy cơ tan rã càng gia tăng. Đây cũng là sức ép buộc EU cần sớm xem lại liên minh hiện nay.
Một nguy cơ khác, còn gọi là "Nexit" (Hà Lan rời khỏi EU), xuất phát từ một số quan ngại về khả năng Hà Lan có thể theo chân Anh chia tay liên minh này trong trường hợp đảng PVV và ông Geert Wilders lên nắm quyền, mặc dù khả năng này được xem là khó xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Hiện hầu hết các chính đảng ở Hà Lan đều tin tưởng vào EU.
Sau sự kiện Brexit, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố một cuộc trưng cầu dân ý về Nexit sẽ là “hoàn toàn vô trách nhiệm”. Hầu hết các chính đảng trong Quốc hội Hà Lan đều nhất trí với quan điểm này. Hiện chỉ có một nhóm nhỏ ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý về chủ trương trên, gồm PVV, đảng “Diễn đàn vì Dân chủ” (FvD) và đảng “Vì người Hà Lan” (VNL). Tuy nhiên, không có cơ hội để 3 đảng này giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cả sắp tới. Trong trường hợp một chính phủ liên minh được thành lập thì chính phủ này cũng khó có đủ khả năng thúc đẩy Hà Lan rời khỏi EU.
Mặt khác, Hà Lan là đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu và phát triển nhờ thương mại với cảng biển lớn nhất châu Âu (cảng Rotterdam). Trong khi Anh tự hào là quốc gia có khu vực ngân hàng và tài chính quy mô lớn, thì người Hà Lan coi đất nước họ là một trung tâm về vận tải và đóng tàu. Nếu rút khỏi EU, chẳng khác nào Hà Lan tự chối bỏ vai trò quan trọng của mình là cửa ngõ của thị trường EU và nền kinh tế Hà Lan có thể bị tác động mạnh. Giới chuyên gia ước tính kinh tế Hà Lan sẽ sụt giảm tới 10% trong 2 năm tới nếu rời bỏ "mái nhà chung", cắt đứt giao thương với Đức và các nước EU khác.
Lãnh đạo đảng "Vì tự do" Geert Wilders (trái) và Lãnh đạo đảng "Những người vì tự do và dân chủ" (VVD), Thủ tướng đương nhiệm Mark Rutte (thứ 3, bên trái) tại Amsterdam, Hà Lan ngày 5/3. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bên cạnh đó, không giống như Anh, Hà Lan dường như không muốn quay lại sử dụng đồng nội tệ guilder khi có tới 78% số người được hỏi cho biết muốn duy trì sử dụng đồng euro. Như vậy, về cơ bản, người Hà Lan không muốn rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngoài ra, những cải cách của EU nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính và cải thiện tiến trình ra quyết định đang được thực hiện theo đề xuất của Hà Lan, nên khả năng "Nexit" rất khó xảy ra.
Hiến pháp Hà Lan không cho phép tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mang tính ràng buộc về tư cách thành viên của nước này trong EU. Tuy nhiên, nếu kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu không mang tính ràng buộc (như người Anh đã từng làm), Hà Lan sẽ phải thông qua một đạo luật tạm thời và đạo luật này cần được sự ủng hộ của cả hai viện Quốc hội. Điều đó sẽ rất khó khăn do đa số các đảng trong Quốc hội Hà Lan hiện vẫn ủng hộ EU.
Một điểm đáng lưu ý là tâm lý hoài nghi châu Âu đang ngày càng gia tăng ở Hà Lan, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp. Làn sóng ủng hộ dân túy cũng đang trỗi dậy sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về vấn đề Brexit và sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Một cuộc khảo sát được tiến hành sau cuộc bỏ phiếu Brexit vào tháng 6/2016 cho thấy mặc dù chưa tới 50% số người Hà Lan ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU, nhưng lại có tới 43% nói sẽ ủng hộ "Nexit".
Cử tri Hà Lan đang có sự phân tầng sâu sắc về trình độ giáo dục cũng như mức thu nhập. Một số chuyên gia nhận định, giống như ở Anh, nếu một cuộc trưng cầu dân ý tương tự diễn ra, lượng cử tri Hà Lan có trình độ giáo dục thấp hơn nhiều khả năng sẽ đi bỏ phiếu với tỷ lệ tương đối cao và kịch bản sẽ là đa số cử tri Hà Lan ủng hộ “Nexit”.
Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy ông Wilders, với cam kết đóng cửa biên giới Hà Lan và các đền thờ Hồi giáo, đồng thời đưa Hà Lan ra khỏi EU nếu ông lên nắm quyền, vẫn đang giành được sự ủng hộ của một bộ phận đáng kể cử tri thất vọng về tình hình kinh tế-xã hội và hoài nghi sự hội nhập châu Âu. Thực tế cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit cho thấy mọi kịch bản đều có thể xảy ra và mọi nguy cơ đều đang hiện hữu trong cuộc bầu cử tại Hà Lan.