Nhiều nhà phân tích trong nước cùng chung quan điểm cho rằng hai năm đầu nắm quyền Tổng thống của ông nhìn chung là thành công bởi ông đã khởi động một tiến trình cải cách rất cần thiết, đã ký kết được thỏa thuận liên minh bị trì hoãn từ lâu với Liên minh châu Âu (EU) và đã củng cố được quân đội. Tuy nhiên, ông Poroshenko cũng đang đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt về việc không thực hiện được những cam kết lớn khi tranh cử như ổn định kinh tế, triệt tận gốc nạn tham nhũng và chấm dứt cuộc xung đột ở Đông Ukraine.
Những cam kết chưa được thực hiệnÔng Poroshenko lên nắm quyền vào thời điểm đầy khó khăn cho Ukraine, khi đất nước này đang phải phục hồi sau những cuộc biểu tình đường phố lật đổ chính quyền trước đó. Trong chiến dịch tranh cử, ông Poroshenko đã đưa ra nhiều hứa hẹn trong đó có việc chấm dứt bạo lực ở miền Đông “trong vòng vài giờ”, thống nhất đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc, cải thiện đời sống người dân, đẩy mạnh quan hệ với EU và giảm bớt căng thẳng với Nga.
Hai năm đã qua, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn, tham nhũng vẫn tràn lan và đất nước với một chính sách đối ngoại chưa đạt được sự cân bằng vẫn đang đối mặt với những thách thức to lớn về kinh tế.
Ruslan Bortnik, nhà phân tích chính trị thuộc Viện Phân tích và Quản lý Chính sách Ukraine, nhận xét: “Ông Poroshenko chưa thực hiện được bất cứ cam kết chính trị quan trọng nào – về hòa bình, tăng trưởng kinh tế, cải cách và quy chế miễn thị thực với EU”. Nhận xét của ông Bortnik cho thấy quan điểm của đa số cho rằng tình hình ở Ukraine đã trở nên ngày một phức tạp. Xung đột ở khu vực miền Đông đã cướp đi sinh mạng của hơn 9.300 người và 1,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nền kinh tế ở đất nước đang xung đột này cũng tan nát – tăng trưởng giảm 9,9% trong năm ngoái sau khi đã giảm 6,8% trong năm 2014. Hệ quả là, đời sống của đại bộ phận dân thường Ukraine đã đi xuống rõ rệt. Tình hình càng thêm trầm trọng bởi việc làm bị cắt giảm, giá dịch vụ tăng, đồng tiền nội tệ mất giá 3 lần và tỷ lệ lạm phát cao. Ivan Nikitchenko, nhà phân tích tài chính thuộc nhóm tư vấn Prostobank, nhận xét: “Năm 2014, lạm phát là 25%, còn năm ngoái đã vượt 43%. Trong hai năm qua, thu nhập thực tế của người dân Ukraine đã giảm một nửa”.
Những thay đổi tích cực đáng chú ýChủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong cuộc họp báo chung tại Brussels (Bỉ) ngày 17/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mặc dù có nhiều lời chỉ trích song cũng có những người cho rằng ông Poroshenko đã làm mọi việc trong khả năng của mình để ổn định tình hình Ukraine.
Xét cho cùng, phê phán Tổng thống dựa trên tình trạng kinh tế hoàn toàn là không công bằng và chính xác trước hết là bởi ông Poroshenko phải tiếp quản một đất nước vốn đang phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn. Olexiy Haran, Giáo sư Học viện Mohyla Kiev, nhận xét: “Các lĩnh vực trực tiếp thuộc trách nhiệm của Tổng thống là đối ngoại và quốc phòng. Và trong hai lĩnh vực này, Ukraine đã đạt được những kết quả tốt nhất”.
Vẫn còn nhiều tranh cãi xem liệu có cách nào chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột ở miền Đông hay không, song những nỗ lực của ông Poroshenko nhằm chấm dứt xung đột, đặc biệt bằng việc ký thỏa thuận Minsk – thỏa thuận đã trở thành bước ngoặt trong việc giải quyết xung đột, đã nhận được lời khen ngợi từ nhiều nhà phân tích.
Củng cố quân đội Ukraine cũng được đánh giá là một thành tựu quan trọng nữa của ông Poroshenko. Theo Vadim Karasev, Giám đốc Viện Chiến lược Toàn cầu, “công lao lớn của Tổng thống với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao là đã xây dựng được một quân đội hoạt động hiệu quả, lực lượng trước đây ở trong tình trạng rất tệ hại. Điều này cho phép chúng ta ngăn chặn xung đột leo thang”.
Trên vũ đài quốc tế, Ukraine cũng đã đạt được một số tiến bộ trong hai năm ông Poroshenko nắm quyền. Đặc biệt, nước này đã khôi phục được sự hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và ký kết Thỏa thuận liên minh với EU vốn được mong đợi từ lâu, mở đường cho tự do thương mại.
Các chính sách đối nội cũng có những bước tiến. Các nhà phân tích trong nước đã coi việc cải cách thành công lực lượng cảnh sát, bước khởi đầu trong tiến trình phi tập trung hóa và giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là những thành tựu quan trọng nhất trong chính sách đối nội của ông Poroshenko.
Tỷ lệ ủng hộ suy giảmTrong khi giới chuyên gia vẫn không thống nhất những đánh giá của mình về hai năm làm Tổng thống của ông Poroshenko thì những người dân thường lại để mắt tới những sai lầm của ông hơn là kết quả ông đạt được. Điều này được thể hiện rõ qua thực tế tỷ lệ ủng hộ ông Poroshenko đã giảm sút 4 lần sau 2 năm qua. Năm 2014, khi lên nắm quyền, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đạt mức cao chưa từng có là 54,7%, còn giờ, theo một cuộc điều tra mới đây do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev thực hiện, chỉ còn 13,5% số cử tri Ukraina sẵn sàng bỏ phiếu cho ông nếu tiến hành bầu cử Tổng thống.
Lý do chính cho sự suy giảm là do những người ủng hộ ông Poroshenko hi vọng rằng nhà tài phiệt tự lập nghiệp này, vốn nổi tiếng bởi tính thực dụng và thiên hướng biết dàn xếp, sẽ tìm ra được cách giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng trong nước, thế nhưng ông đã không đáp ứng được lòng mong đợi đó.
Sự thất vọng về Tổng thống lại được đổ thêm dầu bởi vụ bê bối trốn thuế ở nước ngoài và việc củng cố quyền lực ngày một tăng của Tổng thống khi các đồng minh thân cận của ông Poroshenko được bổ nhiệm vào các vị trí then chốt – Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Tổng Công tố.
Ruslan Kermach, nhà phân tích thuộc Quỹ Sáng kiến Dân chủ, nhận xét: “Hiện chúng ta đang thấy một sự độc quyền hóa dần dần quyền lực vào tay Tổng thống khi các cơ quan then chốt của Chính phủ thực tế do một người điều hành. Đây là một tiền lệ rất nguy hiểm”.
Khi dư luận đang chuyển sang chống lại ông Poroshenko thì khả năng ông nắm quyền nhiệm kỳ hai không còn chắc chắn nữa. Những thách thức chính vẫn vậy – đó là giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông, đẩy mạnh kinh tế và thực hiện cải cách cơ cấu. Không biết Tổng thống định làm thế nào để giải quyết các vấn đề trên trong 3 năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của mình, song chắc chắn ông cần phải tìm ra những giải pháp chính trị mới để giải quyết chúng khi mà những giải pháp cũ đã cho thấy không có hiệu quả.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng ông Poroshenko nên hạn chế đưa ra những hứa hẹn lớn khó thực hiện để cứu vãn uy tín chính trị của ông và nâng cao tỷ lệ ủng hộ. Ông Volodymyr Fesenko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Ứng dụng, đánh giá: “Năm thứ ba trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Poroshenko sẽ quan trọng không chỉ với chính ông mà còn với cả đất nước. Nếu ông thực hiện tất cả những kế hoạch đã từng tuyên bố, ông sẽ giành lại được sự tín nhiệm. Ngược lại, nếu ông không thực hiện được, ông sẽ khó có thể được lựa chọn lần thứ hai”.