Tuy chưa có thời gian biểu cụ thể cho việc chấm dứt QE, nhưng việc FED khởi động cắt giảm QE cho thấy thời đại của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sẽ kết thúc. Xu thế thanh khoản toàn cầu vì thế sẽ thay đổi và có thể trở thành rủi ro rất lớn đối với thị trường mới nổi trong năm 2014.Tháng 1/2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm quy mô chính sách nới lỏng định lượng (QE). Đành rằng việc FED cắt giảm QE xuất phát từ niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, nhưng khi cỗ máy in tiền cứu thị trường của Mỹ giảm tốc độ, dòng tiền bắt đầu chảy ngược về nơi nó xuất phát.
Đó cũng chính là lý do khiến phần lớn nhà quản lý quỹ có quy mô lớn trên thế giới có cái nhìn ảm đạm đối với tương lai hàng hóa cơ bản, đặc biệt là vàng và thị trường chứng khoán các nước mới nổi, nhưng lại đánh giá cao tương lai thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2014.
Dòng tiền đến và rút mạnh thường gây ra “lốc xoáy”. |
Đối với Mỹ, khi dòng tiền trở về, tỉ giá của đồng USD sẽ tăng, nhờ vậy, giá của các tài sản bằng đồng USD cũng được nâng lên, không chỉ có lợi cho thị trường chứng khoán, mà còn có lợi cho cả thị trường bất động sản, giúp loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra từ việc cắt giảm QE.
Việc Chỉ số Dow Jones chạm mức cao mọi thời đại, Chỉ số S&P 500 leo lên mức cao kỷ lục và Chỉ số Nasdaq Composite đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2000 sau khi FED tuyên bố cắt giảm QE đã phản ánh đầy đủ kỳ vọng nêu trên.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng cường khai thác dầu đá phiến đã làm giảm mạnh giá thành năng lượng, cộng thêm sự thành công của chính sách đưa việc làm từ nước ngoài về Mỹ của Tổng thống B. Obama, kinh tế Mỹ hồi phục khá vững chắc, việc FED cắt giảm QE còn giúp loại trừ những nhân tố không xác định đối với đầu tư tương lai.
Dự kiến vào cuối năm 2014, chậm nhất là năm 2015, FED rẽ rút hoàn toàn QE. Tuy nhiên, người ta không thể xem nhẹ bong bóng cổ phiếu và bong bóng bất động sản mà QE gây ra và rủi ro đến từ hai loại bong bóng này sẽ trở thành biến số then chốt đối với thời điểm rút hoàn toàn QE.
Đối với châu Âu và Nhật Bản, tuy ngân hàng trung ương ở đây không đồng điệu với FED trong việc rút QE, nhưng chí ít, sau khi FED rút dần QE, châu Âu và Nhật Bản sẽ phải tính tới việc giảm quy mô, cắt ngắn thời gian thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay. Đương nhiên, cũng như Mỹ, quyết định cuối cùng sẽ phải căn cứ vào số liệu kinh tế cụ thể cũng như sự tin tưởng vào tương lai tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đối với các nước thị trường mới nổi, tình hình xem ra khó như mong đợi.
Trong một bài viết mới đây, Project Syndicate cho biết các nền kinh tế mới nổi có một điểm chung là thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Trong khi đó, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn là triệu chứng của một nền kinh tế trước khủng hoảng, đầu tư nhiều hơn tiết kiệm. Cách duy nhất để duy trì tăng trưởng kinh tế trước sự mất cân bằng này là đi vay các khoản tiết kiệm dư thừa từ nước ngoài. QE tạo ra sự lan tràn về tiền tệ, giúp các nước thị trường mới nổi bù đắp phần thiếu hụt về đầu tư. Nhưng khi QE bị rút, dòng tiền sẽ chảy ngược về thị trường trong nước, các nước thị trường mới nổi lại phải đối mặt với sự mất cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư, sẽ cảm nhận rõ sức nóng của một cuộc khủng hoảng mới.
Thực tế cho thấy vào tháng 5 vừa qua, khi quan chức FED bóng gió về việc rút QE, thị trường cổ phiếu và thị trường hối đoái ở các nước thị trường mới nổi đã bị chấn động mạnh. Năm 2014, FED chính thức bắt đầu rút QE, thị trường mới nổi khó tránh được rủi ro. Nếu dòng tiền nóng rút đi với tốc độ ngày một nhanh, những nước có thực thể kinh tế tương đối yếu có thể sẽ khó tránh được tình trạng đồng nội tệ mất giá mạnh, bong bóng tài sản vỡ tan. Cách phòng thủ thường thấy là tăng lãi suất, nhưng đây sẽ là một lựa chọn khó chịu, đặt nền kinh tế trước nguy cơ trượt dốc về tăng trưởng.
Hà Ngọc