Theo tạp chí Newsweek, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt nhiều căn cứ trong nước vào “tình trạng bảo vệ y tế” kể từ ngày 22/3 vừa qua. Đây chỉ là một trong những động thái nhằm bảo vệ các lực lượng quân đội, gia đình họ và các căn cứ khỏi sự tấn công của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù các quan chức Lầu Năm Góc tiếp tục khẳng định đại dịch COVID không ảnh hưởng đến tính sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Mỹ, nhưng trên thực tế các cuộc tập trận và triển khai quân sự đang bị thu hẹp hoặc hủy bỏ, và nhiều kế hoạch đang được thực hiện để duy trì những hoạt động thiết yếu. Những hoạt động này bao gồm đảm bảo sự sẵn sàng của bộ ba răn đe hạt nhân: tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân.
Tuần trước, Đô đốc Charles A. Richard khẳng định tình trạng sẵn sàng hạt nhân của Mỹ không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông cho biết các lực lượng hạt nhân “vẫn sẵn sàng thực thi” các kế hoạch chiến tranh và đại dịch “không ảnh hưởng đến khả năng của chúng tôi” trong thực hiện các sứ mạng. Theo Đô đốc Richard, STRATCOM có trụ sở tại Omaha, bang Nebraska, “đã cập nhật kế hoạch và đang thực hiện” để đối phó với đại dịch. Theo đó, các lực lượng hạt nhân được thiết kế để hoạt động cách ly trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, một lực lượng thường trực, liên tục trong trạng thái báo động, cũng là một lực lượng dễ phơi nhiễm dịch hơn. Theo một thống kê quân sự hôm 22/3, các đơn vị báo cáo lên STRATCOM rằng có 106 nhân viên quân sự đã không thể làm nhiệm vụ do dịch COVID-19 - hoặc được xác nhận nhiễm virus hoặc trong tình trạng tự cách ly. Sáu căn cứ là nơi các máy bay ném bom, tên lửa, tàu tiếp nhiên liệu và các đơn vị chỉ huy hậu cần, viễn thông hỗ trợ cho lực lượng hạt nhân, đang báo cáo các ca lây nhiễm COVID-19 – theo dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Một trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được báo cáo hôm 21/3 tại căn cứ không quân Whiteman ở Hạt Johnson, Missouri, nơi lực lượng máy bay ném bom tàng hình B-2 được triển khai. Ba trong số các máy bay ném bom đã trở về căn cứ này vào cuối tuần trước sau khi triển khai nhiệm vụ "răn đe" tới châu Âu. Theo các nhà quan sát, sứ mạng đó đã bị cắt ngắn so với các đợt triển khai máy bay ném bom trước đây.
Nước Mỹ hiện sở hữu tổng cộng khoảng 850 đầu đạn hạt nhân “sẵn sàng”, trong đó có 400 tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đặt tại 3 quốc gia phương Tây và 450 đầu đạn hạt nhân đặt trên 5 tàu ngầm ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, đây là những vũ khí luôn sẵn sàng nhận mệnh lệnh từ tổng thống bất cứ lúc nào.
Ngoài ra còn có 1.300 đầu đạn có thể được đặt vào tình trạng báo động nhanh chóng trên 4 hoặc 5 tàu ngầm dự phòng và trên 60 máy bay ném bom B-2, B-52 có thể triển khai hạt nhân tại các căn cứ, tất cả sẽ sẵn sàng trong vài ngày.
Tuần trước, Tham mưu trưởng Không quân, Tướng David L. Goldfein nói rằng khả năng răn đe hạt nhân của quân đội Mỹ không có thay đổi bất chấp dịch COVID-19. Một minh chứng cho điều này là việc triển khai 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 tới châu Âu vào ngày 8/3, các máy bay ném bom ban đầu hạ cánh tại Lajes Field ở Azores, một quần đảo nằm cách bờ biển Bồ Đào Nha 1.300km.
Ngày hôm sau, phi đội B-2 bay tới RAF Fairford ở Gloucestershire ở phía Tây Nam Vương quốc Anh. Ở đó, các máy bay đã đã thực hiện nhiều nhiệm vụ thực hành khác nhau - trên Biển Bắc vào ngày 12/3, sứ mạng Kiểm soát Không quân Iceland vào ngày 16 và 17/3, thực tập trên Biển Bắc vào ngày 18/3 , và sau đó qua Bắc Băng Dương vào ngày 20/3. Đội B-2 Mỹ đã thực hành bay với đội máy bay chiến đấu của Anh, Hà Lan và Na Uy, diễn tập kỹ năng “đuổi” máy bay địch và các quy trình trong trường hợp bị ném bom.
Đối với kho vũ khí hạt nhân, Bộ Năng lượng Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm về các đầu đạn hạt nhân, tuần trước cho biết họ sẽ tiếp tục "các Chức năng Thiết yếu quốc gia và Chức năng Sứ mạng thiết yếu”, mặc dù dịch bệnh khiến cơ quan này phải chuyển sang làm việc từ xa, tuân thủ giãn cách xã hội. Hiện tại không có đầu đạn hạt nhân nào đang được sản xuất tại Mỹ. Hoạt động sản xuất trong chương trình kéo dài tuổi thọ đầu đạn tên lửa cho tàu ngầm W76 Trident đã kết thúc từ tháng 12/2019. Các nhà sản xuất đầu đạn hạt nhân đã chuyển dây chuyền sản xuất sang chế tạo loại bom mới – B61 Mod 12 – bắt đầu từ tháng 3 này. Nhưng do nguyên nhân kỹ thuật, chương trình sản xuất đầu đạn mới đã bị hoãn đến cuối năm 2021.
Thay vào đó, Bộ Năng lượng đang trong một chu kỳ liên tục duy trì sức mạnh cho kho dự trữ máy bay ném bom và tên lửa hiện có. Chuyên gia và nhà quan sát vũ khí hạt nhân Hans Kristensen thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ cho biết, hoạt động này bao gồm "tháo dỡ và khảo sát các đầu đạn hiện có trong kho" với tốc độ khoảng 10 đầu đạn mỗi tháng.
Công việc chủ yếu được thực hiện tại nhà máy Pantex ở Amarillo, bang Texas, trong khi hai phòng thí nghiệm hạt nhân CRLLososos ở New Mexico và Livermore ở California cũng tham gia vào các nhiệm vụ phức tạp hơn là phát hiện trục trặc.
Kho dự trữ hạt nhân hiện tại của Mỹ được cấu thành bởi 7 loại đầu đạn cơ bản khác nhau và một số mẫu được chuyển từ các căn cứ thường trực trở lại nhà máy Pantex và các phòng thí nghiệm theo một quy trình phức tạp và bí mật.
"Tổ chức của tôi được thiết kế để có thể hoạt động cách ly trong thời gian dài", chỉ huy của STRATCOM, Đô đốc Richard nhấn mạnh. Trụ sở chính 3.000 người của STRATCOM đã thực hiện các bước giãn cách xã hội, bao gồm điều chuyển các vị trí, thay đổi chức năng để chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Mặc dù vậy, một sĩ quan cấp cao của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, yêu cầu giấu tên, cho biết mọi người đều dự đoán rằng sẽ có những biến động đáng kể sắp xảy đến. “Sẽ không có một trụ sở chỉ huy nào, bao gồm cả STRATCOM, không có người có triệu chứng bệnh hoặc phải tự cách ly”.
"Cho đến bây giờ", ông Kristensen nói, "có lẽ những người khỏe mạnh nhất ở Mỹ là những người đang quay trở lại sau các cuộc tuần tra tàu ngầm dài nhất", hiện kéo dài tới 78 ngày. Họ đã ở dưới nước từ đầu năm nay.