Hệ lụy từ cuộc chiến quyền lực của Taliban ở Pakixtan

Theo các nguồn tin quân sự Pakixtan, lực lượng Taliban ở Pakixtan, một trong những nhóm phiến quân đáng sợ nhất thế giới, đang chuẩn bị cho việc thay lãnh đạo. Điều này có nghĩa rằng bạo lực chống lại nhà nước Pakixtan có thể giảm song các cuộc tấn công vào lực lượng quân sự do Mỹ đứng đầu ở Ápganixtan sẽ gia tăng.


Một quan chức quân sự cấp cao của Pakixtan đóng tại khu vực Nam Waziristan, thành trì của nhóm phiến quân, cho biết Hakimullah Mehsud, viên chỉ huy tàn bạo điều hành phong trào Taliban ở Pakixtan (TTP) trong 3 năm qua, đã đánh mất quyền lực cũng như lòng tin của các tay súng của mình. Viên phó tướng có phần ôn hòa hơn, Wali-ur-Rehman, 40 tuổi, chuẩn bị sẽ lên thay Mehsud.


 

Nhiều nguồn tin cho rằng Wali-ur-Rehman đang lãnh đạo các hoạt động của Taliban ở khu vực Nam Waziristan.

Quan chức quân sự yêu cầu giấu tên này cho biết: "Rehman nhanh chóng nổi lên như một ứng cử viên được ủng hộ để chính thức thay thế Mehsud. Chúng ta có thể thấy viên chỉ huy tàn bạo được thay thế bằng một người thực tế hơn, coi vấn đề hòa giải với chính phủ Pakixtan là vấn đề ưu tiên của mình".


Các quan chức tình báo trong khu vực cho biết sự tàn bạo của Mehsud đã khiến các thuộc hạ chống lại hắn, trong khi Rehman cẩn trọng hơn nổi lên như một nhà chiến lược quân sự hàng đầu của tổ chức này. Một người dân địa phương có họ hàng liên quan tới lực lượng Taliban mô tả Mehsud là kẻ "dễ nổi nóng và hung hăng, (Mehsud) thường làm việc 24/24 giờ, không mệt mỏi. Song hắn có thể sẽ gí súng vào đầu một ai đó và giết họ chỉ vì lý do của riêng hắn".


Các quan chức quân sự Pakixtan tại Rawalpindi, tổng hành dinh của quân đội, đã từ chối bình luận về cuộc tranh giành cương vị lãnh đạo của Taliban và cho biết họ không có quan điểm chính thức về vấn đề này. Các chỉ huy Taliban ở Pakixtan cũng không hồi đáp yêu cầu bình luận về khả năng thay lãnh đạo.


Các quan chức Mỹ nói rằng Rehman đương nhiên là người kế nhiệm Mahsud song họ cũng cảnh báo về khả năng chuyển giao quyền lực sắp diễn ra. Họ cho rằng vị thế của Mehsud trong lực lượng Taliban ở Pakixtan có thể đã suy yếu, song hắn vẫn còn có các tay chân của mình.


Một quan chức quân sự Pakixtan đóng tại thủ phủ Wana của khu vực Nam Waziristan phát biểu: "Có khả năng dưới sự lãnh đạo của Rehman có quan điểm ôn hòa, TTP sẽ bớt chống phá nhà nước Pakixtan, chứ không như Mehsud, kẻ hủy diệt bừa bãi". Vị quan chức này cho rằng điều này có thể dẫn tới khả năng có thêm các vụ tấn công qua biên giới vào Ápganixtan bởi Rehman đã thường thúc giục các tay súng hướng mũi súng vào các lực lượng phương Tây.


Các phe phái khác trong nội bộ lực lượng Taliban ở Pakixtan như nhóm Nazir ở Nam Waziristan và phái Hekmat Gul Bahadur ở Bắc Waziristan đã ký hòa ước với quân đội Pakixtan trong khi tập trung tấn công các lực lượng phương Tây và Ápganixtan ở Ápganixtan. Theo Riaz Mohammad Khan, nhà ngoại giao Pakixtan từng giữ một vài trọng trách trong quan hệ với Ápganixtan, sự thay đổi trọng tâm của lực lượng Taliban ở Pakixtan sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của phương Tây nhằm ổn định Ápganixtan trước khi phần lớn quân đội các nước NATO rút về nước vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, sự thay đổi như vậy có thể làm giảm số lượng vụ đánh bom liều chết vốn diễn ra thường xuyên ở Pakixtan trong những năm gần đây làm ảnh hưởng tới việc đầu tư để hỗ trợ nền kinh tế chỉ mới tăng trưởng kể từ năm 2007.


Một quan chức quân sự khác nói: "Rehman thậm chí đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với chính phủ Pakixtan song Mehsud luôn ngáng đường, muốn chiến đấu với quân đội Pakixtan". Các nguồn tin Taliban cho biết cả hai hồi đầu năm nay thường tranh cãi với nhau và sự thù địch đã gần như khai hỏa xung đột hai bên. Quan chức quân sự này nói: "Sự bất đồng trong hàng ngũ chỉ ngày càng tồi tệ chứ không tốt lên được, đẩy TTP ngày nay trở thành một lực lượng yếu hơn nhiều so với một vài năm trước.


Một nguồn tin thân cận với Taliban cho hãng tin Reuters biết hiện người dân địa phương và các tay súng trong các khu vực bộ tộc đã bắt đầu giảm bớt sự ủng hộ cho lực lượng Taliban ở Pakixtan. Hiện chưa rõ liệu Mehsud có trao quyền lãnh đạo cho Rehman một cách yên ổn hay không. Cuộc chiến quyền lực có thể sẽ chia rẽ tổ chức này, khiến tổ chức này gặp khó khăn hơn trong việc tuyển lựa các tay súng trẻ và đồng thời ảnh hưởng tới những chỗ ẩn nấp an toàn tại Pakixtan của các phiến quân Ápganixtan.


Theo thông lệ, một hội đồng lãnh đạo sẽ quyết định có chính thức thay thế Mehsud bằng Rehman hay không.


TTK (Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN