Hiệp ước mới được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ký tại thành phố cổ Aachen ở phía Tây nước Đức ngày 22/1 đã thay thế Hiệp ước Élysées được Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng CHLB Đức (Tây Đức) Konrad Adenauer ký tại thủ đô Paris của Pháp năm 1963.
Nếu như Hiệp ước Élysées đã góp phần quan trọng trong việc thiết lập nền tảng mới trong quan hệ hai nước sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, chấm dứt hàng thế kỷ đối đầu và trở thành động lực cho sự hợp nhất châu Âu, thì Hiệp ước hữu nghị Aachen giữa Đức và Pháp sẽ thúc đẩy một châu Âu đoàn kết hơn nữa trong bối cảnh khu vực này đang bị chia rẽ sâu sắc từ những yếu tố nội tại cũng như bên ngoài tác động vào.
Trong những năm gần đây, sự đoàn kết và thống nhất ở châu Âu đã bị thách thức bởi cuộc khủng hoảng người di cư, các vụ tấn công khủng bố cũng như phong trào dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dẫn tới xu hướng chia tách mà điển hình là việc nước Anh quyết định rời khỏi EU. Quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ cũng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 70 năm qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền 2 năm trước.
Chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump không chỉ khiến quan hệ thương mại giữa hai bên bị ảnh hưởng mà an ninh của châu Âu cũng có nguy cơ bị đe dọa, khi Mỹ gây sức ép đòi thay đổi cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn tồn tại hàng thập niên qua, xoay quanh vấn đề đóng góp tài chính.
Ngay tại châu Âu, ngoài việc nước Anh và EU chuẩn bị cho "cuộc chia tay không hẹn trước", các cuộc khủng hoảng ở Italy, Tây Ban Nha và nhiều nước Đông Âu... đang ngày càng làm nổi bật hơn vai trò của Đức và Pháp trong việc dẫn dắt châu lục này đối diện với các thách thức. Điều đáng mừng với châu Âu là trong bối cảnh như vậy, Đức và Pháp vẫn tìm được tiếng nói chung trong rất nhiều vấn đề, đặc biệt kể từ khi ông Macron trở thành Tổng thống Pháp.
Cải tổ EU, cải cách Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hướng tới việc thành lập quân đội chung của châu Âu, đấu tranh với xu hướng chia rẽ..., Đức và Pháp đã nỗ lực hết mình vì một châu Âu ổn định, thống nhất và đoàn kết.
Quyết tâm đó không chỉ được thực hiện bằng lời nói và hành động của mỗi bên, mà còn được cụ thể hóa thông qua một bản Hiệp ước hữu nghị mới, dựa trên nền tảng của Hiệp ước Élysées vốn đã đặt nền móng cho quan hệ Đức - Pháp nói riêng và quan hệ ở châu Âu nói chung suốt 56 năm qua.
Bằng cam kết sát cánh cùng nhau khi một trong hai nước vấp phải mối đe dọa an ninh lớn hoặc bị tấn công, Đức và Pháp khẳng định sẽ huy động các nguồn lực và phương tiện để hỗ trợ lẫn nhau. Hai nước cũng tiến tới việc thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh chung, thiết lập các quy định rõ ràng hơn trong việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự, theo đuổi các dự án chung về quốc phòng...
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá, điều này sẽ đặt nền tảng cho việc hình thành quân đội chung của châu Âu trong tương lai, giảm dần sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ và NATO trong vấn đề quốc phòng, an ninh, điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tích cực thúc đẩy trong thời gian qua.
Trong lĩnh vực kinh tế, Pháp và Đức sẽ thành lập một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập nhằm đưa ra các khuyến nghị về các chương trình, chính sách kinh tế của hai nước. Hai bên cũng sẽ thiết lập một ủy ban hợp tác xuyên biên giới nhằm tăng cường hợp tác giữa các địa phương nằm quanh khu vực biên giới Pháp và Đức kéo dài 450 km. Thúc đẩy hợp tác ở khu vực biên giới được xem là một trong những vấn đề thiết thực nhất trong hiệp ước hữu nghị mới giữa Đức và Pháp.
Những vấn đề nóng của thời cuộc như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng được cụ thể hóa bằng cam kết trong Hiệp ước hữu nghị Đức - Pháp. Điều này phản ánh một hiệp ước tương đối toàn diện mà hai quốc gia đầu tàu của EU vừa ký kết.
Tuy nhiên, Đức và Pháp vẫn chưa thể tìm ra lời giải chung cho bài toán người di cư vốn làm xã hội châu Âu bị xáo trộn suốt bốn năm qua, kể từ khi Đức thực thi chính sách mở cửa đón dòng người tị nạn từ các khu vực Trung Đông và châu Phi.
Và cũng không bất ngờ khi hiệp ước mới giữa hai nước bị một số người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy chỉ trích, như là một xu hướng đang trỗi dậy ở châu Âu mà Đức và Pháp cùng phải đối mặt để xử lý. Sự hợp tác quá chặt chẽ giữa Đức và Pháp cũng khiến một số quốc gia nhỏ có cảm giác mất đi tiếng nói trong các vấn đề chung của EU.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, Hiệp ước hữu nghị giữa Đức và Pháp nối tiếp giá trị lịch sử của Hiệp ước Élysées, thiết lập một nền tảng hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia láng giềng từng có lịch sử đối đầu lâu dài, không những giúp họ cùng pháp triển một cách hòa bình mà còn góp phần xây dựng một châu Âu thịnh vượng với giá trị cốt lõi là tự do và bình đẳng.
Với việc Hiệp ước hữu nghị mới giữa Đức và Pháp ra đời, không lâu trước cuộc chia tay nước Anh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 và cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5, Đức và Pháp đã gửi đi một thông điệp tích cực đến các quốc gia thành viên còn lại của EU. Trong bối cảnh hiện tại, châu Âu cần có một cam kết mới, và đó chính là trách nhiệm của những quốc gia đi đầu như Đức và Pháp.