Hillary Clinton - Kẻ thù "được ưa thích" của Phố Wall

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình với lời hứa sẽ có những biện pháp để cải tổ Phố Wall nếu bà đắc cử.

Với sự hậu thuẫn của những người chỉ trích Phố Wall gay gắt nhất như Thượng nghị sỹ Bernie Sanders và Elizabeth Warren, bà Clinton khẳng định nếu đắc cử, bà sẽ tăng thuế và thắt chặt quy định với các ngân hàng. Bà cũng đã khuyến khích giới chức đóng cửa các ngân hàng có nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, Phố Wall dường như không bị xáo trộn bởi viễn cảnh ứng cử viên đảng Dân chủ bước vào Nhà Trắng. Thực tế, các ngân hàng đã hỗ trợ chiến dịch tranh cử của bà Clinton trong giai đoạn khó khăn một lượng tiền mặt lớn và bán cổ phiếu với giá rẻ. Nhiều thống đốc ngân hàng cho rằng bà Clinton sẽ là một nhà lãnh đạo thực dụng, và sẽ vẫn giữ nguyên guồng máy cũng như các quy định được đề ra sau khi dự luật Cải cách Tài chính Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng (Dodd-Frank Wall Street) được thông qua vào năm 2010. Hơn thế nữa, nội dung bị rò rỉ nhiều cuộc thảo luận giữa những người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho thấy nhận định của giới chủ ngân hàng hoàn toàn có căn cứ.

Bà Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử ở Philadelphia, Pennsylvania ngày 5/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy bị những thành viên đảng Dân chủ có tư tưởng tiến bộ liên tục gây sức ép kêu gọi khôi phục Đạo luật Glass-Steagall - trong đó có các quy định về việc phân biệt rõ các ngân hàng thương mại và đầu tư, song cho tới nay bà Clinton vẫn cương quyết từ chối yêu cầu này. Bà từng cân nhắc một đề xuất khác của lực lượng tiến bộ, như đánh thuế các giao dịch tài chính, song sau đó lại đưa ra một kế hoạch cải tổ ít quy mô hơn, cụ thể là chỉ đánh thuế các giao dịch bị hủy của các nhà giao dịch tần suất cao (giao dịch với số lượng lớn, thông qua các thiết bị giao dịch điện tử hiện đại). Vì lẽ đó, điều mà các ngân hàng thích nhất ở bà Clinton là bà không phải là ông Donald Trump. Nhiều nhà phân tích và giới chức ngân hàng cho rằng giới tài chính lo ngại ứng cử viên của đảng Cộng hòa sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu, hủy hoại các mối quan hệ địa chính trị và gây xáo trộn trên các thị trường. Bà Keren Shaw Petrou, chuyên gia của Tập đoàn Phân tích Tài chính Liên bang Mỹ, chuyên cung cấp các dịch vụ cố vấn tài chính cho doanh nghiệp, nói: “Đó là những suy nghĩ đang xuất hiện ở mọi văn phòng. Lo ngại về ông Trump là mối lo lớn nhất của nhiều người hiện nay”.

Ứng cử viên Donald Trump đã làm đảo ngược các mối liên minh chính trị truyền thống và các ngân hàng vốn thường xuyên đóng góp nhiều tiền cho đảng Cộng hòa nay đã quay sang hỗ trợ cho bà Clinton. Theo một phân tích gần đây của Reuters, số tiền mà nhân viên của các doanh nghiệp và công ty con thuộc 17 ngân hàng lớn nhất Mỹ quyên góp cho bà Clinton cao gấp 10 lần số tiền họ dành cho ông Trump. Trong năm 2012, nhóm này đã đóng góp cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney nhiều gấp đôi số tiền dành cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Barack Obama.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Responsive Politics, những người làm việc cho các quỹ đầu tư và các công ty cổ phần tư nhân đã đóng góp hơn 56 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton và các tổ chức ủng hộ không bị hạn chế bởi các quy định pháp lý về tài trợ. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump và các nhóm liên quan lại chỉ nhận được 243.000 USD từ các nhà tài trợ. Brian Gardner, Giám đốc điều hành Công ty đầu tư Keefe Bruyette & Woods tại New York, cho biết: “Về cơ bản thì người ta sẽ chọn đi với một con quỷ mà ta biết rõ hơn là đi với một con quỷ mà ta chả biết gì”. Theo ông, một điều nữa khiến họ chọn bà Clinton là bởi họ đã biết vợ chồng bà Clinton từ những năm 1990, khi ông Clinton còn là tổng thống và mở đầu giai đoạn bãi bỏ các quy định về tài chính. Ông nói: “Có một sự gần gũi và sự thoải mái ở mức độ nhất định giữa những người ‘khổng lồ’ ở Phố Wall và bà Clinton”.

Với giới lãnh đạo ngân hàng, lo ngại lớn nhất chính là kịch bản bà Clinton thắng cử và đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, đồng nghĩa với việc những người có tư tưởng tiến bộ như bà Warren và ông Sanders sẽ có ảnh hưởng đến mọi việc, từ các dự luật cho đến việc bổ nhiệm các chức vụ mới. Bà Warren và các thành viên có tư tưởng tiến bộ chắc chắn sẽ gây áp lực kêu gọi bà Clinton có những biện pháp “cứng rắn” với Phố Wall để đổi lấy sự ủng hộ bà. Theo ông Adam Green thuộc Ủy ban Vận động Thay đổi Tiến bộ, khi bà Clinton phải “dựa nhiều vào Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren và Bernie Sanders cùng những tư tưởng tiến bộ của họ để khích lệ các cử tri… Warren đã chứng tỏ bà ấy sẽ là một đồng minh vô cùng mạnh mẽ hoặc là một tiếng nói đối lập cực kỳ đáng gờm”.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, chưa chắc đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Hạ viện trong khi kết quả cuộc bầu cử tại Thượng viện cũng chưa có gì đảm bảo. Kể cả khi Thượng viện thuộc về đảng Dân chủ thì Chủ tịch Thượng viện nhiều khả năng sẽ là Thượng nghị sỹ New York Chuck Schumer, một người có tư tưởng ôn hòa và có mối quan hệ khá tốt ở Phố Wall.

Bà Clinton đã tuyên bố rằng bà sẽ đề xuất một khoản “phí rủi ro” đối với các doanh nghiệp tài chính lớn nhất và siết chặt các quy định hơn nữa để tránh trường hợp nhiều ngân hàng lách luật cấm kinh doanh độc quyền bằng việc đầu tư vào các quỹ mà ít bị quản lý chặt chẽ. Giống như ông Trump, bà Clinton đã đề xuất lộ trình nhằm chấm dứt lỗ hổng thuế “lợi nhuận tích lũy”, vốn cho phép các nhà quản lý quỹ hưởng thuế suất thấp hơn số phí quản lý họ được hưởng. Tuy nhiên, để làm được điều này, người ta sẽ phải tiến hành các cuộc đàm phán căng thẳng về thuế kéo dài trong nhiều tháng, hoặc thậm chí là nhiều năm. Việc này có thể khiến giới chức phải phân tán thời gian và công sức đáng lẽ sẽ được dành cho nhiều mục tiêu tiến bộ hơn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các gói hỗ trợ sinh viên học đại học hay lộ trình tăng lương tối thiểu.

Giới lãnh đạo ngân hàng cho rằng đó là những nguyên nhân khiến họ có thể tạm quên những phát biểu chống lại ngân hàng của bà Clinton để ủng hộ ứng cử viên này giành chiến thắng trước đối thủ của mình. Một đại diện thuộc các tập đoàn thương mại công nghiệp nói: “Chúng tôi nằm ngoài top 10 các lĩnh vực mà bà ấy quan tâm”.

TTXVN/Tin Tức
Tương lai đau đầu của "Tổng thống Hillary Clinton"
Tương lai đau đầu của "Tổng thống Hillary Clinton"

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn chưa phân định thắng thua, song những người Cộng hòa đã hứa hẹn một nhiệm kỳ ngập ngụa các cuộc điều tra và những ngày khó ở nếu bà Hillary Clinton giành chiến thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN