Hiện trạng kinh tế Về phía Triều Tiên, dường như lý do chính dẫn đến sự thay đổi 180 độ trong chính sách từ cứng rắn sang ngoại giao mềm mỏng là do nền kinh tế của nước này đã quá ốm yếu sau các lệnh trừng phạt nặng nề kéo dài nhiều năm qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Các lệnh trừng phạt được cho là đã dẫn tới sự suy giảm mạnh kim ngạch thương mại, nguồn thu từ các giao dịch với nước ngoài, cũng như nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động khi các công nhân Triều Tiên không được phép gia hạn thời gian làm việc ở nước ngoài.
Nhà máy sắt thép tại thành phố công nghiệp hóa Chongjin nằm phía đông bắc Triều Tiên. Ảnh: CNN |
Cho Bong-hyun, một nhà nghiên cứu cao cấp làm việc cho Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc cho rằng "vấn đề của Triều Tiên hiện nay là xây dựng nền kinh tế, thực hiện mục tiêu mà nhà lãnh đạo nước này tuyên bố là đưa Triều Tiên trở thành một nước có kinh tế hùng mạnh”. Nhận định này đã được Ahn Chan-il, Viện trưởng Viện thế giới nghiên cứu Triều Tiên, hoàn toàn chia sẻ: "Với việc một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước không thể hoạt động bình thường, nhiều người dân Triều Tiên phải dựa vào các thị trường chợ đen để sinh sống. Nói một cách đơn giản, hệ thống kinh tế nhà nước của Triều Tiên thực sự đã bị tê liệt. Giờ đây nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải tìm cách vực dậy nó”.
Trong khi đó, về phía Hàn Quốc, phần lớn các chỉ số kinh tế, trong đó có xuất khẩu và đầu tư, đều đang trên đà giảm sút, báo hiệu nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này sẽ đối mặt với một chặng đường gồ ghề. Vấn đề ở đây không chỉ là một hiện tượng theo chu kỳ mà là sự bắt đầu của một thời kỳ suy giảm dài hạn liên quan tới cơ cấu như tỷ lệ sinh thấp và dân số đang già hóa nhanh. Điều đó, theo các nhà kinh tế, có nghĩa là nếu không có cải cách về cơ cấu hay không tìm được động lực mới, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ giảm dần dần. Và dường như Triều Tiên chính là động lực mới của nền kinh tế Hàn Quốc khi các lệnh trừng phạt nước này được dỡ bỏ.
Sự háo hức của Hàn Quốc Hàn Quốc dường như đã chuẩn bị sẵn kế hoạch tái thiết nền kinh tế Triều Tiên. Trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tặng nhà lãnh đạo Triều Tiên chiếc USB trong đó có "Kế hoạch kinh tế mới cho Triều Tiên”. Ba ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Bộ Thương mại Hàn Quốc cũng đã đề xuất nhiều kế hoạch hợp tác cụ thể áp dụng được ngay khi các biện pháp cấm vận Triều Tiên được HĐBA LHQ dỡ bỏ.
Trong Quốc hội Hàn Quốc cũng có rất nhiều tiếng nói đề xuất nhiều dự luật nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều. Trong khi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp để hỗ trợ hợp tác kinh tế với Triều Tiên, trong đó có hoạt động thương mại qua biên.
Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore, các tổ chức kinh tế của Hàn Quốc như Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Liên đoàn Giới chủ Hàn Quốc, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc và Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc đều đồng loạt bày tỏ sự vui mừng. Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc đánh giá rằng Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều đã mở ra một thời đại mới cho hòa bình và cùng phát triển trên bán đảo Triều Tiên. Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc thì kỳ vọng thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thổi sức sống mới vào nền kinh tế của hai miền Nam-Bắc. Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc cam kết sẽ phát huy hết vai trò của mình nhằm sớm hiện thực hóa kết quả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp chung Gaesung Shin Han-yong đã bày tỏ sự vui mừng khôn xiết khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều thành công tốt đẹp, hy vọng khu công nghiệp chung này sẽ được mở lại trong một thời gian không xa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc đều hoan nghênh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, kỳ vọng sự “tan băng” trên bán đảo Triều Tiên sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh tế và xóa bỏ được tình trạng “giảm giá chứng khoán Hàn Quốc”, giúp tăng lượng đầu tư của nước ngoài. Các hãng bán lẻ của Hàn Quốc cũng bày tỏ lạc quan về cơ hội kinh doanh mới tại Triều Tiên. Một lãnh đạo của tập đoàn Lotte cho biết tập đoàn này sẽ chú trọng thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên cũng như một số khu vực phía Bắc Hàn Quốc. Trước đó, tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc này thông báo kế hoạch thành lập một đội chuyên trách nhằm mở rộng mạng lưới tại các khu vực phía Bắc, trong đó có Triều Tiên, Nga và một số tỉnh ở Đông Bắc Trung Quốc.
Lãnh đạo một số công ty xây dựng lớn của Hàn Quốc cho biết đang tiến hành các bước chuẩn bị cho những cơ hội tiềm năng tại Triều Tiên.
Các ngân hàng Hàn Quốc thì đang “nỗ lực gấp đôi” để đón đầu các cơ hội kinh doanh lớn ở Triều Tiên. Theo các nguồn tin trong ngành ngân hàng, ngân hàng KEB Hana đã có kế hoạch thành lập một bộ phận đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các hoạt động tài chính liên Triều. Shinhan, một trong những tập đoàn tài chính hùng mạnh của Hàn Quốc, cũng đang tìm cách thành lập một bộ phận tư vấn gồm các quan chức từ các công ty con nhằm thích ứng một cách có hệ thống với những thay đổi trong các mối quan hệ và hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Shinhan sẽ tìm kiếm một mạng lưới hợp tác với các chuyên gia Triều Tiên để đưa ra các chiến lược hỗ trợ tài chính cho hợp tác kinh tế liên Triều, tham gia các dự án liên doanh do các ngân hàng chính sách nhà nước đứng đầu và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho cải cách tài chính của Triều Tiên. Theo các nguồn tin, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của Hàn Quốc và các ngân hàng nhà nước khác cũng đang tập trung thúc đẩy nghiên cứu về Triều Tiên với việc mở rộng hay thành lập các bộ phận nghiên cứu mới.
Cũng như nhiều quan chức Hàn Quốc khác, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) Choi Jong-ku cho rằng việc nối lại hợp tác kinh tế với Triều Tiên sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho khu vực tài chính của Hàn Quốc cũng như nhiều ngành của nước này. Trích dẫn những báo cáo của các ngân hàng đầu tư nước ngoài, ông Choi Jong-ku nhận định hợp tác kinh tế liên Triều sẽ ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán Hàn Quốc và toàn bộ nền kinh tế nước này. Ông Choi Jong-ku nhận định rằng nếu Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí tiếp tục các dự án hợp tác kinh tế một cách nghiêm túc thì nền kinh tế Hàn Quốc sẽ thu về tới 55 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở vì thứ nhất Triều Tiên là một thị trường lớn (dân số hơn 25,6 triệu người đứng thứ 52 trên thế giới) gần như còn chưa khai thác, các nguồn khoáng sản giàu có, nhất là quặng sắt (ước tính lên tới 50 tỷ tấn trị giá khoảng 197,7 tỷ USD). Thứ hai, giá nhân công ở Triều Tiên rất rẻ, lại sử dụng chung ngôn ngữ với Hàn Quốc. Thứ ba, hai nước lại gần nhau, các doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển hàng hóa bằng nhiều con đường khác nhau, từ đường bộ, đường sắt, đường sông cho tới đường biển. Thứ tư, qua Triều Tiên, các doanh nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc có thể dễ dàng vào châu Âu qua Nga, qua đó tiết kiệm chi phí vận chuyển và hậu cần. Hàn Quốc từ lâu đã nhắc tới dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối với vùng Siberia của Nga qua Triều Tiên để vào châu Âu. Thứ năm, các doanh nghiệp Hàn Quốc lại có thế mạnh về công nghệ và nhiều vốn đầu tư nhàn rỗi, những thứ mà Triều Tiên lại đang rất cần.