Hoàn tất tiến trình đàm phán
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hướng đến mục tiêu cắt giảm thuế, củng cố chuỗi cung với các quy định chung về nguồn gốc xuất xứ và thương mại điện tử. Sau khi Ấn Độ rút khỏi đàm phán RCEP vào năm ngoái, 15 quốc gia còn lại dự kiến ra tuyên bố hoàn tất đàm phán vào cuối tuần này trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN được Việt Nam đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Thương mại Malaysia Azmin Ali, hiệp định sẽ được ký kết trong ngày 15/11. “Sau 8 năm đàm phán với cả máu, mồ hôi và nước mắt, cuối cùng chúng ta cũng đi đến thời khắc hoàn tất thỏa thuận RCEP”, ông Azmin phát biểu tại một cuộc họp báo được phát trên truyền hình ngày 11/11 sau khi tham dự phiên thảo luận cấp bộ trưởng các nước tham gia đàm phán RCEP.
Triển vọng hoàn tất thỏa thuận cũng được phía Trung Quốc xác nhận. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/11, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang cho biết mọi công việc đàm phán đã kết thúc. Phần còn lại chỉ là rà soát pháp lý toàn bộ nội dung văn bản trong hiệp định, với hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ ký thỏa thuận.
15 nước thành viên đàm phán RCEP bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với 10 nước ASEAN tạo ra một khối kinh tế với hơn 2,2 tỉ dân, tổng GDP lên đến 26.000 tỉ USD.
Bước đi này cho thấy nỗ lực của phía Trung Quốc. Một chuyên gia cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về thương mại tiết lộ Trung Quốc chủ động đẩy nhanh đàm phán và muốn hoàn tất RCEP trước thời điểm chính quyền kế tiếp lên nhậm chức tại Nhà Trắng.
“RCEP gắn với lợi ích chiến lược dài hạn của Trung Quốc và quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. Một nước Mỹ dưới quyền lãnh đạo của ông Biden nhiều khả năng sẽ gia nhập CPTPP. Vậy nên nếu đàm phán RCEP không kết thúc sớm, suôn sẻ, nhiều nước thành viên sẽ lại hướng sang CPTPP”, vị cố vấn giấu tên này chia sẻ.
Ông Biden và câu hỏi về CPTPP
Giới phân tích nhận định tác động từ thỏa thuận này vượt khỏi phạm vi khu vực. Nó cũng cho thấy quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017 đã làm suy yếu khả năng của Mỹ trong tạo đối trọng trước ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước láng giềng.
Theo William Reinsch, cựu quan chức đàm phán thương mại dưới thời chính quyền Bill Clinton, việc RCEP có tạo ra những chuyển động theo hướng có lợi cho Trung Quốc hay không giờ phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ. “Nếu Mỹ tiếp tục phớt lờ hay cảnh báo các nước trong khu vực, cán cân ảnh hưởng sẽ lệch sang phía Trung Quốc. Nhưng nếu ông Joe Biden đề ra được một kế hoạch có tính khả thi để khôi phục hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, quả lắc có thể sẽ ngả theo cách Mỹ muốn”, ông Reinsch nêu quan điểm.
Tuy tiêu chuẩn chưa thể đạt tới ngưỡng của TPP - giờ được gọi với tên chính thức là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng nếu đi vào triển khai, RCEP có thể sẽ khiến các công ty, doanh nghiệp Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với một khối kinh tế do Trung Quốc làm đầu tàu.
Giới phân tích nhận định CPTPP là công cụ tốt nhất để Mỹ làm sâu sắc quan hệ kinh tế với khu vực. “Lựa chọn đối với ông Biden là rõ ràng. Đưa nước Mỹ trở lại với CPTPP để bảo đảm tiếp cận thị trường đối với các công ty Mỹ”, Mary Lovely - giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse ở New York nhận định.