Với tên gọi này, người ta hiểu đó là cộng đồng về giá trị và an ninh xuyên Đại Tây Dương. Thế nhưng giờ đây, khái niệm gọi là phương Tây này đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới, liệu nó có thực sự còn hiện hữu hay chỉ là "cái bóng không hình"?
Hiện tượng “mất tính phương Tây” (Westlessness), hay tầm ảnh hưởng của phương Tây bị suy yếu, đã trở thành nội dung chính và là chủ đề bao trùm xuyên suốt Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56, diễn ra từ 14 - 16/2 tại thành phố München, bang Bayern của Đức.
Hội nghị năm nay thu hút số lượng kỷ lục các nguyên thủ, thủ tướng, bộ trưởng cũng như lãnh đạo các tổ chức thế giới, khu vực và các tập đoàn quốc tế. Ngoài những vấn đề nổi bật, các cuộc xung đột và điểm nóng thế giới, phát biểu của các diễn giả và những tranh luận tại hội nghị đều có phần liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chủ đề trên. Điều này cho thấy "vấn đề phương Tây" đã và đang thực sự cần một cuộc "đại phẫu" mà kíp mổ gồm các chính trị gia, các nhà hoạch định hàng đầu thế giới.
Tại các hội nghị an ninh Munich được tổ chức liên tục từ năm 1963 đến nay, bài phát biểu khai mạc hội nghị của lãnh đạo nước chủ nhà thường được coi là đề dẫn để mở ra cách tiếp cận cho các tranh luận sau đó.
Diễn văn khai mạc hội nghị lần thứ 56 của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã thẳng thắn đề cập tới những yếu kém, sự lỏng lẻo trong cái gọi là thế giới phương Tây. Vị nguyên thủ Đức nói thẳng rằng, đồng minh thân cận nhất của châu Âu là Mỹ lại là nước bác bỏ khái niệm "cộng đồng quốc tế", khi cho rằng các nước nên tự lo liệu và họ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của nước khác. Chính sách "nước Mỹ trước tiên" được đánh đổi bằng chi phí của các nước láng giềng và đối tác.
Tổng thống Đức cũng nêu rõ nước Mỹ giờ đây không còn đặt châu Âu vào trọng tâm như trước và châu Âu cũng không nên huyễn hoặc rằng việc suy giảm sự quan tâm tới châu Âu chỉ xảy ra ở chính quyền Mỹ hiện tại.
Ông nhấn mạnh sự thay đổi này thực tế đã bắt đầu từ rất lâu và sẽ tiếp tục với những chính quyền sau này, bởi Washington giờ đây đặt trọng tâm cho các lợi ích và thách thức ở châu Á. Theo Tổng thống Đức, trong thời đại ngày nay, sự co cụm hay rút vào khuôn khổ quốc gia "sẽ chỉ dẫn đến ngõ cụt, đến một thời kỳ đen tối".
Ông cũng dẫn câu nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi cho rằng thế giới ngày nay cần một "khái niệm trật tự vượt khỏi quan điểm và lý tưởng từng khu vực và quốc gia riêng lẻ". Theo ông, Đức hay phương Tây, không thể định hình thế giới theo mô hình của mình.
Đồng quan điểm trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo sự suy yếu của phương Tây khi tầm ảnh hưởng trên vũ đài thế giới ngày càng giảm với việc Mỹ rút khỏi các chính sách của thế giới. Theo Tổng thống Macron, thời điểm 15 năm trước, người ta còn nghĩ rằng những giá trị của phương Tây là phổ quát và sẽ luôn thống trị thế giới. Nhưng thực tế ngày nay, người ta đã nhận thấy rõ sự suy yếu của phương Tây khi Mỹ thay đổi các chính sách và xem xét lại mối quan hệ với châu Âu. Ông Macron cũng cảnh báo nếu bộ đôi Pháp - Đức không thể cùng tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của 20 - 30 năm tới, thì đó sẽ là một "sai lầm lịch sử".
Hồi tháng 8/2019, Tổng thống Macron cũng phát biểu trước các đại sứ Pháp rằng thời điểm thống lĩnh của phương Tây đã đến hồi kết do những biến đổi địa - chính trị toàn cầu khi đang có những cường quốc mới củng cố vị thế của họ trên vũ đài thế giới. Không chỉ ông Macron, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng từng nhắc nhở về sự suy tàn của phương Tây khi cho rằng trong hàng thế kỷ, trục thế giới đã đi qua phía Tây và ngày nay nó đã chuyển sang phía Đông và "chúng ta không còn là trục thế giới" nữa.
Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cho rằng châu Âu giờ đây nên tự bảo vệ mình, tự nắm lấy vận mệnh và không thể trông chờ vào cái ô che chở từ bên ngoài nữa. Một trong những giải pháp đã được giới chức Đức và Pháp nêu ra là thành lập một liên minh an ninh và quân sự của châu Âu, một tổ chức giúp bảo vệ châu Âu chứ không phải để đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn bị Tổng thống Macron coi là đã "chết não".
Trước những phát biểu của các nhà lãnh đạo Đức, Pháp tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập tức bác bỏ "những suy nghĩ bi quan" này, đồng thời ca ngợi sức mạnh của phương Tây, nói rằng phương Tây đã "chiến thắng và cùng nhau sẽ chiến thắng". Ông bác bỏ những chỉ trích nói rằng Mỹ rút khỏi liên minh xuyên Đại Tây Dương, cho rằng những cảnh báo về cái chết của liên minh xuyên Đại Tây Dương là "cường điệu" và Mỹ luôn có quan điểm vững chắc trong hợp tác quốc tế.
Nhân dịp này, ông Pompeo cũng tuyên bố ủng hộ việc củng cố Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), đồng thời công bố hỗ trợ 1 tỷ USD cho "Sáng kiến 3 biển" (gồm 12 quốc gia Trung và Đông Âu ở Biển Bắc, Biển Đen và Địa Trung Hải) để các nước này tăng cường hợp tác với nhau cũng như phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chốt lại rằng các nước nên "có niềm tin vào liên minh xuyên Đại Tây Dương và một phương Tây tự do sẽ có tương lai xán lạn".
Tuy nhiên, những tuyên bố hùng hồn của Ngoại trưởng Pompeo cũng như sau đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper không xua tan được sự bi quan về một phương Tây suy yếu khi hai bờ Đại Tây Dương không còn đặt trọng tâm về nhau và cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế.
Phát biểu của ông Esper cũng như giới lãnh đạo Mỹ tại hội nghị chủ yếu cảnh báo sự nguy hiểm của tập đoàn Huawei, cho rằng nếu không hiểu mối đe dọa đó và không làm gì để để đối phó thì rút cuộc có thể gây nguy hại cho "liên minh quân sự thành công nhất lịch sử" NATO. Truyền thông Đức đặt câu hỏi liệu một công ty Trung Quốc có thể hạ bệ một liên minh đã tồn tại 70 năm hay không.
Có thể nói những gì diễn ra trong 3 ngày qua tại Hội nghị An ninh Munich càng cho thấy vết nứt sâu mà Mỹ và châu Âu khó có thể thể hàn gắn khi tìm giải pháp cho các cuộc xung đột toàn cầu. Những lời giải thích của giới chức Mỹ càng khập khễnh với những suy nghĩ và lo ngại của châu Âu, không giống những gì Ngoại trưởng Pompeo giải thích, rằng tuy có khác biệt về chiến thuật trong giải pháp cho các vấn đề, song những phân tích vấn đề của hai bên là đồng nhất.
Tuy ông Pompeo nói nhiều về vấn đề chủ quyền của các nước, song lại không nhắc gì tới vai trò của Liên minh châu Âu (EU) hay Liên hợp quốc, điều trái ngược với quan điểm của châu Âu luôn chủ trương thúc đẩy chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế.
Là một diễn đàn có uy tín nhất thế giới trong chính sách an ninh, thế nhưng Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 lại "nổi bật" với những "lời qua, tiếng lại" của hai bờ Đại Tây Dương. Rút cuộc, các nhà hoạch định hội tụ về Munich mục đích chính là để nói về nhau, thay vì cùng nói về những vấn đề mà thế giới quan tâm. Phải chăng, đó là sự bất lực của phương Tây trong một thế giới đã biến đổi?
100 năm trước, triết gia nổi tiếng người Đức Oswald Spengler (1880-1936) đã cho xuất bản cuốn sách gồm hai tập "Der Untergang des Abendlandes" (Sự sụp đổ của phương Tây hay Hoàng hôn phương Tây) bao trùm lịch sử thế giới, trong đó ông đưa ra lý thuyết về chu kỳ trỗi dậy - sụp đổ của các nền văn minh. Với Hội nghị An ninh Munich 2020, có thể thấy tính thời sự trong tác phẩm 100 tuổi của một tác giả phương Tây vẫn còn nóng hổi đến ngày nay.