Giáo sư Kurihara trả lời phỏng vấn. |
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Kurihara Hirohide, chuyên gia về quan hệ Việt-Trung tại Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Á-Phi, Đại học Ngoại ngữ Tokyo liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực trong vụ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông. Dưới đây là nội dung:
Phóng viên (Pv): Xin kính chào Giáo sư. Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông đã kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn. Giáo sư đánh giá thế nào kết luận này của PCA?Giáo sư (Gs): Tôi cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực ngày 12/7 là đã bám sát luật pháp quốc tế để giải quyết một vụ tranh chấp lớn. Theo tôi, phán quyết là kết luận được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử và hiện trạng Biển Đông. Phán quyết không chấp nhận đặc quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Có thể khẳng định rằng đây là một phán quyết mang ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2/2016, tôi đã đề cập tới những vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, tôi rất hài lòng với kết luận của phán quyết, khẳng định rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.
Tại Nhật Bản có nhiều ý kiến cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lãnh hải của nước này là một hành động không thể chấp nhận được. Trung Quốc thường phân biệt “các nước có liên quan” và “các nước không liên quan” để ngăn cản các nước mà Trung Quốc gọi là “ngoài khu vực” như Mỹ, Nhật Bản xen vào vấn đề Biển Đông. Biển Đông là lộ trình hàng hải quan trọng đối với Nhật Bản vì vậy tại Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) vừa rồi tổ chức tại Mông Cổ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập đến vấn đề Biển Đông là một việc đúng đắn và cần thiết.
Pv: Liên quan quy chế của các cấu trúc ở Biển Đông, Tòa trọng tài xem xét đến quyền hưởng các vùng biển và quy chế của các cấu trúc, và đã kết luận rằng không có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Theo giáo sư, phán quyết này có ý nghĩa thế nào?Gs: Trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 2/2016, tôi có nói rằng theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển thì hòn đảo nhân tạo không được sử dụng làm cơ sở để xác định lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia vì vậy phán quyết ngày 12/7 của PCA là điều đúng đắn và tất yếu.
Theo tôi, căn cứ theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển, việc Trung Quốc duy trì việc xây dựng các cấu trúc tại Biển Đông sẽ không có tác dụng. Vì từ giờ trở đi, nếu Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm bao nhiêu đảo nhân tạo thì cuối cùng cũng không được công nhận, không làm thay đổi được nguyên trạng của Biển Đông. Trung Quốc nói rằng biển Đông là biển của Trung Quốc từ 2.000 năm trước, là chủ quyền có căn cứ lịch sử lâu đời, nhưng trên thực tế chính hành động bồi đắp xây dựng các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông đã phá vỡ lập luận của chính Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền lịch sử, ngược lại chứng tỏ rằng hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông chỉ mới có từ vài chục năm nay và Trung Quốc đang tìm cách áp đặt các yêu sách của mình tại vùng biển này. Phán quyết cũng đề cập tới khía cạnh các hành động xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông phá hoại môi trường thiên nhiên.
Nhìn chung, tôi đánh giá cao nội dung phán quyết của PCA vì phán quyết này phản ánh tầm nhìn rộng rãi của các chuyên gia luật quốc tế.
Pv: Hàng loạt quốc gia đã lên tiếng khẳng định phán quyết của PCA mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Theo Giáo sư, việc từ chối công nhận phán quyết của PCA sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nào đối với Trung Quốc trong thời gian tới?
Gs: Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết ngày 12/7 của PCA và sẽ tiếp tục các hành động của mình tại biển Đông. Tôi cho rằng với việc phủ nhận một phán quyết quốc tế đúng đắn, thể hiện thái độ không tuân thủ luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã mất uy tín và tín nhiệm trên trường quốc tế vì một lý do rất đơn giản là một quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế có xứng đáng, có đáng tin cậy để làm đối tác hợp tác hay không. Trung Quốc luôn luôn nói rằng tranh chấp Biển Đông cần phải giải quyết thông qua đàm phán song phương, tuy nhiên điều này đã bị phán quyết ngày 12/7 của PCA bác bỏ.
Tôi cho rằng để lấy lại ưu thế trong vấn đề Biển Đông, đối với các nước trong khu vực, Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy mạnh đường lối giải quyết “đàm phán song phương”, bằng cách viện trợ kinh tế để lôi kéo một số quốc gia đi theo con đường có lợi cho Trung Quốc. Theo tôi, Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn trong việc lôi kéo những nước không liên quan đến lợi ích tại biển Đông. Trung Quốc tuyên bố rằng có 40 quốc gia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông. Tuy nhiên, điều mập mờ ở đây là các nước đó đang ủng hộ cái gì: họ ủng hộ quan điểm Biển Đông là lãnh hải của Trung Quốc nên không được áp dụng luật quốc tế hay họ muốn đi cùng với Trung Quốc để sửa đổi Công ước Biển của Liên hợp quốc vốn được đại đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Dù sao, tôi nghĩ đây là vấn đề cần phải chú ý.