Đây là quan điểm của Tiến sĩ Pierre Journoud, Giáo sư môn Lịch sử đương đại thuộc trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp.
Theo Giáo sư Pierre Journoud, trong phán quyết dài gần 500 trang công bố ngày 12/7, Tòa Trọng tài đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" trên Biển Đông. Đây là nội dung rất quan trọng bởi vì Trung Quốc đưa ra các yêu sách tham vọng về chủ quyền dựa trên quan điểm theo đó các ngư dân Trung Quốc đã có mặt từ rất lâu tại khu vực hàng hải này.
Tòa cũng khẳng định tại khu vực đang tranh chấp, không có các đảo theo tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, có nghĩa là các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp không được coi là các thực thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Ngoài ra, Tòa Trọng tài cũng cho rằng Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục được trong lĩnh vực sinh thái tại khu vực đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Đây là một nội dung khá mới mẻ trong luật pháp quốc tế liên quan đến các tranh chấp trên biển.
Giáo sư Pierre Journoud cũng cho rằng mặc dù phán quyết đã đem lại lý lẽ cho Philippines đồng thời khuyến khích các quốc gia là các bên liên quan, đối lập với Trung Quốc, tiến hành cuộc chiến ngoại giao và pháp lý, nhưng nó sẽ không làm thay đổi cơ bản tình hình, bởi vì việc tranh chấp chủ quyền trên các đảo nhỏ, các bãi đá ngầm ở Biển Đông là vấn đề nằm trong bức tranh toàn cảnh địa chính trị rộng lớn hơn nhiều.
Chính vì vậy, trong tương lai, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn, ít nhất giữa Mỹ và Trung Quốc - các cường quốc hàng hải lớn trong khu vực. Ngoài ra, cũng phải tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác là các bên liên quan đến xung đột.
Các bên liên quan sẽ vẫn tiếp tục đàm phán và đây sẽ là những cuộc đàm phán kéo dài. Nhưng các quốc gia không có cách nào khác ngoài việc tiến hành đàm phán nếu như họ muốn tránh không để cho kịch bản xung đột và chiến tranh xảy ra.
Giáo sư Pierre Journoud cũng trích dẫn cuộc đàm phán thành công giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc phân chia Vịnh Bắc Bộ, dẫn đến việc hai bên ký kết thỏa thuận vào năm 2000. Theo ông, mô hình này cần được nhân rộng đối với các vùng biển khác của khu vực Đông Nam Á.
Về quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) và Pháp đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, theo ông, quan điểm của EU và Pháp là khá giống nhau vì cả hai cùng ủng hộ tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS. Một cách chính thức, cả EU và Pháp đều giữ quan điểm trung lập.
Tuy nhiên, trong nội bộ EU, do các nước có quan điểm khác nhau nên các nước EU chỉ thống nhất với nhau là cam kết tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải, tôn trọng luật biển quốc tế và trung lập trong xung đột liên quan đến các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông.
Trong khi đó, Pháp đã thay đổi quan điểm trong những năm gần đây. Qua kênh chính thức, Pháp kêu gọi tất cả các bên liên quan đến xung đột tiến hành đàm phán. Bên cạnh đó, Pháp cũng tỏ ra kiên quyết hơn với Trung Quốc và ủng hộ nhiều hơn các yêu sách của các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột như Philippines và Việt Nam.
Thời gian qua, Pháp đã xích lại gần hơn với khu vực Đông Nam Á nói chung, với Philippines và Việt Nam nói riêng. Năm 2013, Pháp đã ký Quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và gần đây đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Philippines.
Do Pháp có các vùng lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương, vì vậy, Pháp cũng là một cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Pháp cũng có quan hệ hợp tác lâu dài tại đây.
Giáo sư Pierre Journoud cũng đề xuất EU và Pháp nên thể hiện vai trò là lực lượng đưa ra các giải pháp ngoại giao và tận dụng các kinh nghiệm giải quyết các xung đột của mình nhằm giúp các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á trong việc giải quyết các xung đột trên Biển Đông.
Ông cũng nhấn mạnh rằng cần nhiều giải pháp, các đề xuất sáng tạo và táo bạo nhằm giúp các bên có thể thoát khỏi vòng xoáy căng thẳng đang gây nhiều lo ngại vào thời điểm hiện nay.