Từ tháng 11/2015, liên quan đến vấn đề "Brexit", ông Cameron đã đưa ra những đòi hỏi cải cách liên quan đến 4 điểm, bao gồm: Sức cạnh tranh, vai trò của nghị viện quốc gia, quan hệ giữa các nước thành viên trong và ngoài khu vực đồng euro (eurozone) và cuối cùng, việc hạn chế một số lợi ích an sinh xã hội như trợ cấp đối với những công dân châu Âu không phải người Anh. Đây là điểm tế nhị nhất vì có thể vi phạm các nguyên tắc cơ bản của EU như "vấn đề tự do đi lại của người lao động" hay "không được phân biệt đối xử"...
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 16/2 tại Brussels trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU. Ảnh: Tân Hoa xã/TTXVN |
Theo một nhà ngoại giao châu Âu thì các cuộc thương lượng sơ bộ đã được tiến hành vào ngày 16/2 nhằm chuẩn bị một văn bản chính thức cho Hội nghị Thượng đỉnh này. Ông nói: "Đây không phải vấn đề lấy cớ để làm hài lòng người Anh hay để nói điều gì đó ảnh hưởng đến các quyền lợi khác hoặc phá hoại tương lai của EU". Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điểm phải thống nhất trong các cuộc thảo luận, đặc biệt là quan hệ giữa các thành viên trong và ngoài eurozone.
Một nguồn tin châu Âu cho biết nước Anh không muốn gây cản trở cho quá trình này. Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề về cơ chế mà London yêu cầu đưa ra trước Hội đồng châu Âu liên quan đến Luật Ngân hàng. Cần phải có một số lượng tối thiểu các quốc gia không phải thành viên eurozone tác động đến Hội đồng châu Âu. Đối với Bỉ chẳng hạn, họ quan tâm đến việc một quốc gia không phải thành viên của eurozone có quyền phủ quyết một quyết định của khu vực này.
Một trở ngại nữa là việc đưa các quyết định liên quan đến nước Anh vào trong quá trình xem xét lại các hiệp ước tới đây. Nếu cách thức này được lựa chọn thì có thể gây khó cho Bỉ (chính quyền vùng Wallonie tỏ ra dè dặt và hôm 16/2 vừa qua, chính quyền vùng nói tiếng Pháp Wallonie-Brussels cũng dè dặt về vấn đề này khi khẳng định "văn bản thỏa thuận trình Hội đồng châu Âu có nhiều đề xuất không thể chấp nhận được"). Theo một nhà ngoại giao châu Âu, cần phải tuân thủ các hiệp ước hiện thời và không xem xét lại các hiệp ước này. Đây là điều mà các luật sư, nhà ngoại giao, chính trị gia có cùng quan điểm bởi họ nhắc lại rằng điều đang có trong các hiệp ước "dễ lọt tai người Anh".
Cuối cùng, một thỏa thuận mà Thủ tướng David Cameron có thể bảo vệ kịch liệt trong mấy tháng tới để tránh viễn cảnh: Một câu trả lời "không" trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới cũng có thể đồng nghĩa với việc Anh ra khỏi EU. Vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này được dư luận chung đánh giá là "đầy cam go" khi 28 thành viên phải cố gắng để đưa ra được một quyết định mang tính bắt buộc.
Một ngày trước hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo, sau các cuộc tham khảo ý kiến, chưa có gì đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo EU có thể đạt được thỏa thuận giữ Anh ở lại "mái nhà chung".