Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Báo chí quốc tế tiếc một cơ hội lịch sử

Đáng tiếc, cuộc gặp “nóng” nhất thế giới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 28/2 đã không đi đến thỏa thuận chung.

Đó là dư luận chung của báo chí nhiều nước sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2.

Việc hàng nghìn phóng viên quốc tế đem theo thiết bị hiện đại đến Hà Nội để đưa tin đậm nét về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 trong hai ngày 27 – 28/2 đã chứng tỏ sức nóng cực đỉnh của sự kiện này. Qua sự kiện này, Hà Nội đã chứng tỏ năng lực tổ chức sự kiện quốc tế, thể hiện đậm nét vai trò là một thành viên quốc tế có trách nhiệm và nỗ lực để Washington và  Bình Nhưỡng mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trước giờ họp kín. Ảnh: AFP/TTXVN

Dư luận về hội nghị

Đáng tiếc, cuộc gặp “nóng” nhất hành tinh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 28/2 đã không đi đến thỏa thuận chung bởi giữa họ còn tồn tại “khoảng cách” chưa thể khắc phục. Ông Trump tuyên bố muốn lộ trình diễn “đúng thay vì nhanh chóng”.

Truyền thông quốc tế khá hẫng hụt trước kết thúc bất ngờ của hội nghị lần 2, vì hai bên khởi đầu rất khả quan và chủ nhà Việt Nam đã tạo mọi điều kiện để hai bên đàm phán. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SMCP) của Trung Quốc chiều 28/2 cho rằng sự thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo cùng những lời khen tặng dành cho nhau trong buổi tiệc tối 27/2 và cuộc tiếp xúc báo chí ngắn trước giờ họp kín sáng hôm sau không hé lộ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ không đi tới tuyên bố chung. Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo đã hủy bữa trưa – làm việc. Hội nghị kết thúc sớm, không đạt thỏa thuận như trông đợi. “Đôi khi bạn phải rời đi, và đây là một trong số đó”, ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo riêng chiều cùng ngày tại khách sạn Marriott. 

Ngay sau sự kiện bất ngờ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tin tưởng “hai bên sẽ tiếp tục đàm phán” và “nên gặp nhau ở trung tâm của vấn đề”. “Trong thực tế, những thay đổi về vấn đề Bán đảo Triều Tiên hàng thập kỷ qua đã trải qua không ít biến động. Điều này cho chúng ta thấy rằng đối thoại và đàm phán chính là cách duy nhất để giải quyết vấn đề”. 

Là một trong những quốc gia theo dõi sát sao sự kiện, giới chức chính phủ và báo giới Hàn Quốc bày tỏ sự tiếc nuối đối với kết thúc “dở dang” của hội nghị. Dù vậy, người phát ngôn Nhà Xanh đánh giá đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington rõ ràng đã đạt nhiều tiến triển ý nghĩa hơn bao giờ hết. Và xét trên khía cạnh này, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un tại Hà Nội đã thành công.

Trả lời Báo Tin tức (TTXVN), phóng viên Chris Anne Rivera Gonzales làm việc cho UNTV News and Rescue (Mạng lưới truyền hình Philippines) tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí hội nghị chia sẻ: "Chúng tôi rất buồn vì họ không đạt được một tuyên bố hòa bình. Có vẻ như sẽ sớm có thêm đàm phán tiếp theo. Tôi tin rằng đây sẽ không phải là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng".

Chú thích ảnh
Phóng viên Yeo Chun Hing (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tin tức. Ảnh: Viết Tôn

Còn phóng viên Trung Quốc Yeo Chun Hing từ Singapore Press Holdings lại tỏ ra lạc quan: "Mục tiêu phi hạt nhân hóa sẽ không thể đạt được một sớm một chiều. Và tôi cho rằng quan điểm của Tổng thống Donald Trump là tích cực khi ông nói họ sẽ giữ mối quan hệ tốt và đối thoại vẫn chưa đổ vỡ".
Không nói về suy nghĩ riêng, phóng viên Natalia Mozgovaya từ đài VOA đưa ra phân tích: “Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như hơi lạc quan, trong khi ông Kim Jong-un thận trọng ngay từ đầu".

Phi hạt nhân là mục tiêu lâu dài

Bưu điện Hoa Nam Buổi đăng bài nhận định của giới phân tích về mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Chuyên gia Kelsey Davenport, Giám đốc Chính sách Không phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, cho rằng quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên có kiểm chứng sẽ là tiến trình nhiều năm. Xét tới sự phức tạp kỹ thuật, việc cần làm là dành thời gian để đàm phán một thỏa thuận đưa tiến trình này đi đúng hướng. 

 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cái nhìn tích cực, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã không ra về “trắng tay” vì trên thực tế mối quan hệ hai bên đã khởi sắc. Tổng thống Trump tuyên bố mối quan hệ giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "rất nồng ấm”. Sau những lần đấu khẩu đầy “lửa cháy” và “thịnh nộ”, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, đồng thời được chính bản thân họ thừa nhận. Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 28/2, ông Kim nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã vượt qua được “sự thiếu tin tưởng, hiểu lầm, thù địch và các hành xử không còn phù hợp” để ngồi chung bàn đàm phán ở Hà Nội. 

Tờ Asahi Shinbum – một trong năm tờ báo hàng đầu Nhật Bản – thậm chí còn đánh giá hai bên đã bước sang kỳ mật ngọt “tình yêu”. Tờ Asahi tin rằng hai ông đã tạo nên một phép màu nhiệm trong quan hệ song phương Mỹ - Triều.

Dù không đạt được tuyên bố chung tại Hà Nội, ông chủ Nhà Trắng vẫn kiên định dự đoán đầy lạc quan về tương lai của quốc gia Đông Bắc Á như ông từng nói hồi đầu tháng: “Triều Tiên sẽ trở thành một quả tên lửa khác – tên lửa kinh tế!”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2: Tổng thống Hàn Quốc ca ngợi bước tiến 'nhiều ý nghĩa'
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2: Tổng thống Hàn Quốc ca ngợi bước tiến 'nhiều ý nghĩa'

Trong bài phát biểu nhân ngày Hàn Quốc kỷ niệm 100 năm Phong trào Độc lập 1/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội là một tiến trình hướng tới một thỏa thuận "ở cấp độ cao hơn", mặc dù hai bên không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc gặp này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN