Hồi sinh những 'cam kết xanh'

“Sự sống dưới nước” (Life Below Water) là trọng tâm của Mục tiêu số 14 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 mà Liên hợp quốc (LHQ) thông qua năm 2015. Mục tiêu 14 nhấn mạnh đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương, biển và hàng hải để hướng tới phát triển bền vững và hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo sự cân bằng cho các đại dương.

Theo đánh giá của LHQ, từ đó đến nay, một số tiến bộ đã đạt được, song để đạt được mục tiêu này vào năm 2030, thế giới cần vượt qua một chặng đường dài, đòi hỏi một hành động chung. 

Chú thích ảnh
Các loài cá tại vùng biển ngoài khơi Mayotte, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2022 được xem là năm bản lề của hoạt động bảo vệ đại dương với một loạt các sự kiện liên quan đến biển và đại dương, có thể kể đến như Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dương “One Ocean Summit” tại Brest (Pháp) vào tháng 2 vừa qua, một tháng sau đó là Hội nghị bảo vệ đa dạng sinh học biển tại New York (Mỹ). Dự kiến, trong tháng 6 này, Hội nghị LHQ về Đại dương sẽ được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Với  chủ đề “Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương”, Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch hoành hành hơn 2 năm qua tác động tới các hoạt động chung, LHQ kêu gọi các quốc gia hồi sinh những cam kết đối với đại dương.

Với mức độ bao phủ hơn 70% bề mặt hành tinh, đại dương và biển cung cấp cho con người “nguồn tài nguyên xanh” tự nhiên và dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu, bao gồm thực phẩm, năng lượng, văn hóa và điều hòa khí hậu. Một đại dương khỏe mạnh, trong lành được ví là “đồng minh” tốt nhất của con người trong việc đạt các SDG. Trong những năm gần đây, kinh tế “xanh” (Blue Economy) đã được nêu bật, trong đó nhấn mạnh vào mối tương quan giữa sự bền vững, hoạt động kinh tế và đại dương.

LHQ lần đầu tiên nhắc đến nền kinh tế xanh tại một hội nghị vào năm 2012, khẳng định rằng kinh tế xanh chính là điều cần thiết để thực thi Mục tiêu 14. Theo LHQ, hệ sinh thái biển có thể mang lại lợi ích nhiều hơn và năng suất cao hơn khi đại dương và biển thực sự khỏe mạnh. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững và bao trùm mang lại cơ hội không thể bỏ lỡ đối với sự phát triển xã hội và kinh tế của tất cả các nước, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), qua đó có thể vừa thúc đẩy sự hồi phục kinh tế một cách thân thiện với môi trường vừa đảm bảo “sức khỏe” lâu dài của các tài nguyên biển.  

Ước tính khoảng 40% dân số thế giới sinh sống gần khu vực ven biển, sinh kế của hơn 3 tỷ người phụ thuộc vào biển và đại dương và 80% hoạt động giao thương thực hiện bằng đường biển. Những con số thống kê này đã cho thấy việc đảm bảo an ninh lương thực và nỗ lực giảm đói nghèo tại nhiều quốc gia chỉ có thể đạt được khi đảm bảo tính bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển. Trong Mục tiêu 14, LHQ đã nhấn mạnh đến 10 mục tiêu nhỏ hướng tới sự phát triển và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, như bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, giảm acid hóa đại dương, đánh bắt bền vững, bảo tồn các vùng biển và ven biển, chấm dứt trợ cấp dẫn tới đánh bắt quá mức, tăng lợi ích kinh tế từ sử dụng bền vững tài nguyên biển…

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các tiêu chí này vẫn còn ở mức hạn chế. Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), tỷ lệ trữ lượng cá bị đánh bắt đã trở nên quá mức, hơn 1/3 trữ lượng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở những năm 1970 chỉ là 10%. Để chấm dứt tình trạng đánh bắt quá mức, việc đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm cải thiện các quy định hiện hành về trợ cấp đánh bắt cá với sự bảo trợ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là biện pháp cấp bách. Theo WTO, nguồn tài trợ công - ước tính khoảng từ 14 tỷ USD đến 54 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu - cho phép nhiều đội tàu đánh cá hoạt động lâu hơn và xa hơn trên biển, gây nhiều tổn hại cho môi trường biển. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng "tình trạng đánh bắt cá quá mức đã diễn ra trong 20 năm và đã đến lúc phải hành động để bảo vệ nguồn lợi hải sản".

Đại dương cũng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Biến đổi khí hậu đe dọa sự sống trên các đại dương. Rạn san hô Great Barrier của Australia, rạn san hô lớn nhất thế giới, đối mặt với mối đe dọa tồn vong do tình trạng biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng cao. Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia, một đợt nắng nóng kéo dài hồi đầu năm nay ở nước này khiến 91% rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng. Đây là đợt tẩy trắng trên diện rộng thứ tư kể từ năm 2016, do nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực ngoài khơi phía Đông Bắc Australia tăng lên mức cao hơn 2-4 độ C so với nhiệt độ trung bình.

Chú thích ảnh
Rác thải nhựa đe dọa đời sống các loài động, thực vật dưới đại dương. Ảnh minh họa: Unsplash

Rác thải nhựa đang là vấn nạn "bóp nghẹt" các đại dương. Với khoảng 8-20 triệu tấn rác thải nhựa và 51.000 tấn hạt vi nhựa “đổ” ra biển mỗi năm thì kịch bản “nhựa nhiều hơn cá” trong tương lai là không thể tránh khỏi. Tình trạng các đại dương bị “ô nhiễm trắng” kéo theo hệ quả là chất lượng nguồn hải sản bị giảm sút do các sinh vật biển ăn phải rác thải nhựa, từ đó sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng. Theo một nghiên cứu năm 2021, trong số 555 loài cá được kiểm tra, có tới 6 loài đã ăn phải rác thải nhựa. Một nghiên cứu khác được tiến hành với các loài cá đánh bắt phục vụ thương mại cho thấy 30% số cá tuyết trong một đợt đánh bắt tại Biển Bắc chứa hạt vi nhựa trong dạ dày. Đáng lo ngại nhất, rác thải nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ mạng lưới thức ăn của các động vật biển.

Thế kỷ 21 được coi  là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành, như khẳng định của Tổng thống Indonesia  Joko Widodo tại Hội nghị thượng đỉnh về đại dương One Ocean Summit mới đây, quản lý môi trường biển cần theo hướng phát triển bền vững và trở thành một phần hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19...

Đây cũng là nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển...

Tổng Thư ký LHQ Antonio Gutierrez nêu rõ: “Khi chúng ta nỗ lực để chấm dứt đại dịch và xây dựng lại tốt hơn, chúng ta có một cơ hội duy nhất trong thế hệ này và trách nhiệm để điều chỉnh lại mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên, bao gồm cả biển và đại dương thế giới”. LHQ kỳ vọng thông điệp “Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương” sẽ thúc đẩy cộng đồng quốc tế hồi sinh "những cam kết xanh" để khởi động một chương mới của hành động đại dương toàn cầu.

Thanh Hương (TTXVN)
Tầm quan trọng và thực trạng của đại dương
Tầm quan trọng và thực trạng của đại dương

Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm 2022 được Liên hợp quốc lựa chọn là “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN