Hợp tác liên Triều về đâu khi Kaesong tạm ngừng hoạt động?

CHDCND Triều Tiên ngày 8/4 chính thức tuyên bố sẽ rút hết lao động của nước này khỏi khu công nghiệp Kaesong, cấm người và hàng hóa vào khu công nghiệp này cũng như tạm thời ngừng mọi hoạt động tại đây. Điều này đã khiến 14 trong số 123 công ty Hàn Quốc ở đây phải ngừng sản xuất và các công ty khác sẽ sớm phải tạm rút lui.


 

Nhân viên an ninh Hàn Quốc trước văn phòng quá cảnh liên Triều đóng cửa tại thành phố biên giới Paju, gần khu công nghiệp chung Kaesong ngày 8/4/2013. Ảnh: AFP/ TTXVN

Được thành lập năm 2004 ở biên giới phía Triều Tiên, khu công nghiệp Kaesong được coi là biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều và việc đóng cửa khu công nghiệp này cho thấy căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa hai miền.


Hàn Quốc đã để khu công nghiệp Kaesong nằm ngoài các cuộc tranh cãi ngoại giao với Triều Tiên trong suốt 9 năm qua, với niềm tin rằng thành công của tổ hợp này sẽ đặt nền tảng để cải thiện các mối quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, Triều Tiên dường như đang ảo tưởng rằng khu công nghiệp này, nơi sản xuất các sản phẩm giá rẻ như giày dép và quần áo, chính là gót chân Asin của Hàn Quốc. Các nhà sản xuất đặt trụ sở tại Kaesong sản xuất ra khối lượng hàng hóa có tổng trị giá 2 tỷ USD trong 9 năm qua. Trong khi chỉ góp một phần rất nhỏ cho kinh tế Hàn Quốc thì Triều Tiên lại thu được 80 - 90 triệu USD tiền mặt mỗi năm từ tổ hợp này từ đó đến nay. Đây là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể nếu không muốn nói là chính yếu đối với Triều Tiên khan hiếm tiền mặt. Ngoài ra, khoảng 54.000 người Triều Tiên làm việc ở đây và gần 300.000 người Triều Tiên gián tiếp sống nhờ vào khu công nghiệp này.


Mạng “Chosun Ilbo” cho rằng Triều Tiên sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng mình đang kiểm soát số phận của khu công nghiệp Kaesong. Các công ty Hàn Quốc sẽ nhận ra một thực tế là các đơn hàng của họ đã bị hủy và khách hàng của họ sẽ chuyển sang một quốc gia đáng tin cậy hơn. Liệu có ai muốn làm ăn với các công ty có trụ sở ở một nơi bất ổn như vậy? Nếu tình hình trở nên xấu đi, Triều Tiên sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức để mời chào được các doanh nghiệp thực sự sẵn sàng đặt trụ sở trên lãnh thổ nước này trong tương lai. Rõ ràng, chừng nào Bình Nhưỡng còn sử dụng Kaesong là lá bài để mặc cả thì tương lai của Kaesong còn chưa thể rõ ràng.


Trong khi đó, "Báo Độc lập" (Nga) ngày 9/4 đăng bài phân tích những nguy cơ kéo theo việc Triều Tiên dừng hoạt động tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Tờ báo cho rằng việc Triều Tiên thông báo sẽ đình chỉ mọi hoạt động của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Kaesong cũng như rút hết công nhân khỏi các nhà máy của Hàn Quốc tại khu công nghiệp này là hành động không khác gì "lửa đỏ bỏ thêm dầu" và đã khiến cho môi trường đầu tư tại Hàn Quốc xấu đi. Hiện chưa rõ Triều Tiên có thể có những hành động gì tiếp theo, song Ban chỉ huy quân sự Mỹ và Hàn Quốc đang ráo riết cùng nhau lên kế hoạch nhằm đáp trả những hành động khiêu khích từ phía nước này.


Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên cũng tiếp tục làm hao tốn giấy mực trên các trang báo Pháp. Báo Les Echos nhận định việc Triều Tiên tạm ngừng các hoạt động tại Kaesong đánh dấu một sự dấn bước của Bình Nhưỡng. Theo tờ báo, quyết định trên đã gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia bởi những lần trước, dù có căng thẳng đến đâu, hai miền đều không muốn để ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất ở khu vực này. Ngay cả vào thời điểm Triều Tiên bắn chìm một chiếc tàu chiến của Hàn Quốc, làm thiệt mạng hơn 40 lính thủy, hay như pháo kích lên một đảo nhỏ của Hàn Quốc, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều không ngừng các hoạt động tại đây. Tờ báo cho rằng Triều Tiên đang mạo hiểm bởi ít nhất khu công nghiệp Kaesong có thể giúp cho hơn 200.000 người thoát cảnh đói khổ, chưa kể đến việc đóng cửa lâu dài có nguy cơ làm trỗi dậy làn sóng bất bình trong khu vực. Đối với Le Figaro, việc đóng cửa khu công nghiệp đã đặt một dấu chấm hết cho mối quan hệ hợp tác trên bán đảo Triều Tiên.


Hữu Thắng - Quế Anh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN