Ủy ban bầu cử Australia sáng 20/5 cho biết tính tới thời điểm này, liên minh bảo thủ Tự do - Quốc gia của ông Scott Morrison đã giành được 75 ghế hạ viện, gần sát với ngưỡng 76 ghế để có quyền thành lập chính phủ đa số. Kết quả kiểm phiếu cuối cùng sẽ cho biết chính phủ của liên đảng trong hạ viện là chính phủ thiểu số hay đa số và tương quan giữa các lực lượng trong thượng viện liên bang.
Chiến thắng này mở đường cho liên đảng cầm quyền tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba và Thủ tướng Scott Morrison tiếp tục triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại đang được thực hiện, song theo một hướng đi mới thực chất và hiệu quả hơn. Về đối nội, trong quá trình tranh cử, ông Morrison luôn khẳng định cử tri Australia có thể hoàn toàn tin tưởng vào chính phủ liên đảng trong việc xây dựng một “nền kinh tế mạnh”. Kế hoạch phát triển kinh tế của ông chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng để giảm tình trạng tắc nghẽn tại các thành phố lớn, trang bị kỹ năng tốt hơn cho người lao động để đáp ứng những yêu cầu trong tương lai, và cắt giảm thuế khóa. Dự kiến chính phủ sẽ cắt giảm tới 158 tỷ AUD (1 AUD tương đương 0,69 USD) tiền thuế thu nhập trong các năm tới thông qua việc giảm thuế cho những người có thu nhập thấp và trung bình ngay trong năm tài chính 2018-2019 và hạ mức thuế thu nhập hiện nay là 32,5 % xuống 30%, bắt đầu vào ngày 1/7/2024. Chính phủ cũng sẽ giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn 25%, và buộc các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ nộp thuế dịch vụ số.
Giáo dục và y tế tiếp tục được ưu tiên, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho trẻ 4 tuổi, chính phủ sẽ tăng hàng tỷ AUD tiền tài trợ cho các trường phổ thông công lập, trường độc lập và trường đạo, cho các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc người cao tuổi, và hỗ trợ giảm giá thuốc điều trị cho bênh nhân. Đặc biệt, trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Morrison đã đưa ra một cam kết rất hấp dẫn đối với giới trẻ, đó là chính sách hỗ trợ người mua nhà (chủ yếu là người trẻ) 15% tiền đặt cọc mua nhà. Theo đó, người mua sẽ cần bỏ ra khoản tiền đặt cọc tương đương 5% giá trị căn nhà, thay vì 20% như hiện nay.
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, chính phủ của ông Morrison cam kết cắt giảm 26-28% lượng khí thải vào năm 2030 và dành 3,5 tỷ AUD cho việc thực hiện mục tiêu này. Đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu sẽ là một thử thách lớn đối với chính phủ của ông Morrison trong nhiệm kỳ tới không chỉ trong nội bộ đảng Tự do mà còn trong việc xử lý các nhóm lợi ích đối lập nhau trong cộng động dân cư xung quanh vấn đề này.
Bên cạnh cam kết về phát triển kinh tế, chính phủ liên đảng khẳng định sẽ luôn bảo đảm an ninh biên giới, mạnh tay với vấn đề nhập cư trái phép và tị nạn. Chính phủ đã cam kết giới hạn số lượng người được xin tị nạn tại Australia vì lý do nhân đạo ở mức 18.750 người/năm và giảm số lượng người nhập cư hằng năm từ 190.000 xuống 160.000 trong 4 năm tới.
Về đối ngoại, có thể thấy các chính sách đối ngoại của Australia luôn nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng. Trong thời gian tới, chính phủ mới của Thủ tướng Morrison sẽ tiếp tục coi trọng các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và các nước khu vực Thái Bình Dương.
Liên minh Australia-Mỹ luôn được xác định là một liên minh lâu đời và chặt chẽ. Theo nhiều chuyên gia, dù ở bất cứ giai đoạn nào và vị trí lãnh đạo có thay đổi ra sao, Australia và Mỹ cũng không thay đổi trong việc áp dụng các chính sách đối ngoại song phương cũng như cách tiếp cận với các thách thức của khu vực và thế giới. Với Australia, liên minh với Mỹ là cần thiết không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia của Canberra.
Kể từ khi nhậm chức tháng 8/2018, Thủ tướng Scott Morrison luôn thể hiện coi trọng mối quan hệ đồng minh với Washington, nhiều lần nhấn mạnh Mỹ là đối tác quan trọng nhất và đồng minh thân cận nhất của Australia. Ông cho rằng, một nước Mỹ mạnh mẽ, luôn quan tâm đến các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Australia trong bối cảnh hiện nay, khi khu vực này đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt về ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một vấn đề đối ngoại mà ông Morrison cần quan tâm trong thời gian tới, là xử lý mối quan hệ khá nhạy cảm với Trung Quốc, khi hai nước đang trải qua giai đoạn căng thẳng. Mới đây, chính phủ liên đảng đã thông qua luật chống can thiệp nước ngoài, phản đối một số chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Australia cũng có những chiến lược nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực và thế giới. Chính phủ Australia đã cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng 5G tại Australia vì lý do an ninh, quyết định được cho dẫn tới việc một số cảng Trung Quốc trì hoãn nhập khẩu than đá từ Australia.
Tuy nhiên, đối với Australia, mối quan hệ với Trung Quốc hết sức quan trọng, đặc biệt là về kinh tế, trong bối cảnh trao đổi thương mại, du lịch và giáo dục giữa hai quốc gia đang ở mức cao kỷ lục. Chính phủ mới của ông Morrison sẽ tìm cách thúc đẩy mối quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc, trước hết thông qua khoản ngân sách trị giá 44 triệu USD nhằm cải thiện mối quan hệ này.
Trong khi đó, Nam Thái Bình Dương và các quốc đảo tại đây là một khu vực đặc biệt đối với Australia, bởi không ở đâu nước này có tầm ảnh hưởng và gánh vác trách nhiệm lớn như tại nơi đây. Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương có đặc điểm và sự phát triển đặc biệt không giống bất cứ đâu, như diện tích nhỏ, xa xôi về khoảng cách với các châu lục khác, cùng tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đang xảy ra nhanh chóng. Do đó, các quốc gia này rất cần sự hỗ trợ từ phía Australia để đảm bảo sự phát triển của mình trong hiện tại và cả tương lai. Sự gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, tại đây đòi hỏi Australia có những thay đổi điều chỉnh, hướng khu vực này trở lại trung tâm tư duy chính sách đối ngoại của Australia.
Thủ tướng Scott Morrison đã xác định rằng cam kết hiện diện tại các quốc đảo Nam Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại cao nhất của Australia. Chính phủ của ông Morrison đã triển khai các kế hoạch nhằm phân bổ thêm nguồn lực và ngân sách cho các quốc gia này, dự kiến dành 35% tổng số tiền viện trợ nước ngoài (khoảng 1,4 tỷ USD) cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, khắc phục thảm họa. Chính phủ Australia cũng sẽ mở mới các văn phòng đại diện và cơ quan ngoại giao tại các quốc gia này. Canberra cũng cam kết ưu tiên việc tạo cơ hội cho lao động từ các quốc gia này đến Australia, bên cạnh các khoản tài trợ, học bổng hằng năm.
Trong vấn đề hợp tác kinh tế quốc tế, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Australia cùng với Nhật Bản là những quốc gia tích cực nhất trong việc hồi sinh thỏa thuận này trở thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh những lợi ích kinh tế, việc tham gia tích cực trong CPTPP cũng góp phần tăng cường vai trò của Australia trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là một trong những mục tiêu tiếp tục được chính phủ mới theo đuổi.
Nhiều năm nay, Australia đã nỗ lực nâng cao vai trò và vị thế quốc tế, thể hiện tiếng nói ngày càng tăng đối với các vấn đề khu vực. Nước này đã tham gia Đối thoại An ninh bốn bên (Bộ Tứ) khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, thể hiện vị trí chủ đạo an ninh ở Đông Nam Á và quần đảo Thái Bình Dương thông qua tăng cường quan hệ an ninh, quốc phòng với các quốc gia và tổ chức khu vực...
Việc liên đảng Tự do-Quốc gia tiếp tục cầm quyền tạo cơ hội cho Thủ tướng Scott Morrison thực hiện những cam kết đưa ra trong chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, ông Scott Morrison sẽ phải có những biện pháp quyết liệt để giành lại uy tín cho liên đảng, vốn đã sa sút thời gian gần đây, từ đó đưa đất nước Australia phát triển theo hướng vững chắc với tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn.