Kể từ khi AU Summit được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Durban của Nam Phi năm 2002 với chủ đề “Hòa bình cho phát triển và thịnh vượng’’, tiếng súng dường như vẫn chưa ngưng và cái nghèo còn đang đeo bám người dân châu lục này. Có lẽ các nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng nhận thức rõ hơn rằng xung đột là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây nên các bất ổn khác.
Trong bài phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki phác họa một bức tranh "tối màu’’ về tình trạng bất ổn an ninh tại châu lục, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, các cuộc nội chiến và khủng hoảng chính trị diễn ra trước và sau mỗi cuộc bầu cử. Theo ông Faki, mặc dù tình hình ít nhiều đã được cải thiện tại Cộng hòa Trung Phi hay Sudan nhưng xung đột vẫn đang tiếp diễn tại Libya và Nam Sudan, chưa kể đã phát sinh một số điểm xung đột mới tại Cameroon và Mozambique.
Trên thực tế, tình hình xung đột ở châu Phi đang trở nên tồi tệ hơn. Theo thống kê của Dự án Dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang, được sử dụng để theo dõi các cuộc xung đột trên toàn thế giới, năm 2019 (tính đến ngày 30/11), ở châu Phi xảy ra 21.600 vụ xung đột, đụng độ vũ trang, tăng 36% so với năm 2018. Có thể thấy xung đột là thách thức lớn nhất của châu Phi hiện nay.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban AU cho rằng ngoài can thiệp quân sự, cần phải đưa ra những biện pháp mới để "triệt tận gốc" được căn nguyên gây ra xung đột - đó là tình trạng đói nghèo và kỳ thị. Tuy nhiên, ông Faki cũng đã nhiều lần nhắc lại một nguyên tắc bất di bất dịch của AU, đó là “Vấn đề của châu Phi hãy để cho người châu Phi giải quyết’’, ám chỉ rằng châu Phi không chào đón sự can thiệp quá sâu từ bên ngoài.
Không phải bỗng dưng Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki lại mở đầu bài phát biểu khai mạc hội nghị bằng một bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình an ninh tại châu Phi. Trước thời điểm khai mạc, nhiều lãnh đạo châu lục đến dự hội nghị đã bàn tán về sự thất bại của AU trong việc thực hiện kế hoạch do tổ chức này đưa ra năm 2013, trong đó đặt mục tiêu sẽ kết thúc mọi xung đột tại châu lục này vào năm 2020.
Tuy nhiên, nhằm trấn an dư luận, phát biểu tại phiên họp cuối ngày 10/2, ông Ramtane Lamamra, Đặc phái viên chuyên trách về an ninh của Chủ tịch Ủy ban AU cho rằng mục tiêu ‘’Ngưng tiếng súng’’ là hoàn toàn có cơ sở để đạt được trong thời gian tới. Điểm lại những thành tựu đạt được trong tiến trính thúc đẩy hòa bình và an ninh tại châu lục trong thời gian vừa qua, ông Ramamra cho biết từ 30 cuộc xung đột lớn xảy ra trong năm 2004, châu Phi cần phải thấy vui mừng vì hiện tại có ít cuộc xung đột hơn.
Liên quan đến các biện pháp ngăn chặn và giải quyết xung đột, ông Lamamra chỉ ra rằng cần phải nhận thức rằng các cuộc xung đột thường bùng phát từ nhiều nguyên nhân bao gồm sự bất đồng, sự khác biệt giữa các cá nhân, các nhóm người hay cộng đồng khác nhau... và đây là những vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo trên cơ sở khoa học. Chính vì vậy, trên góc độ này, cần phải tập trung vào việc đảm bảo và duy trì tinh thần đoàn kết dân tộc, thực thi nghiêm chỉnh các khế ước, hiến pháp và cuối cùng là sự tôn trọng quyền của người dân.
Theo ông Lamamra, ở góc nhìn rộng hơn, phần lớn các cuộc xung đột tại châu Phi bắt nguồn từ sự ganh đua giữa các sắc tộc sau khi một bên nào đó giành chiến thắng về chính trị, hay những bất đồng trong tiến trình bầu cử dẫn đến kết quả không mong muốn. Ngoài ra, các cuộc xung đột còn do những tranh chấp về sở hữu đất đai và tài nguyên thiên nhiên.
Chính vì vậy, Đặc phái viên chuyên trách về an ninh của Chủ tịch Ủy ban AU Ramtane Lamamra cho rằng ngoài các phương thức can thiệp truyền thống, nhà chức trách cần phải tạo ra những chiến lược cụ thể và mềm dẻo phù hợp với tình hình thực tế như triển khai các cuộc hòa giải chính thức hay không chính thức ở nhiều quy mô khác nhau, từ làng xã, tỉnh lỵ, quốc gia, khu vực cho đến quốc tế.
Tại hội nghị, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch AU luân phiên thay cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi, cũng nhấn mạnh quyết tâm giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra tại châu Phi, trong đó cần đặt ưu tiên cho Libya và Nam Sudan – quốc gia đã chứng kiến gần 400.000 người thiệt mạng cùng hàng triệu người tha hương kể từ khi xảy ra nội chiến năm 2013.
Ngoài ra, tân Chủ tịch AU còn cam kết sẽ nỗ lực thực hiện ngăn chặn các xung đột vẫn đang diễn ra tại khu vực Sahel cũng như cắt đứt các nguồn tài trợ quốc tế cho các xung đột này. Ông Ramaphosa cũng bày tỏ sự đoàn kết của AU với nhân dân Palestine và người dân tại khu vực Tây Sahara – một trong những vùng lãnh thổ gây chia rẽ về chính trị nhất tại châu Phi.
Với vai trò Chủ tịch AU, Nam Phi sẽ tổ chức một hội nghị bất thường về vấn đề "Ngưng tiếng súng” vào tháng 5 tới tại Nam Phi để "đảm bảo rằng tính độc lập và tự chủ của người dân châu Phi bây giờ không còn là vấn đề riêng của châu lục, mà là vấn đề chung của nhân loại’’. Ông Ramaphosa cũng chỉ ra các ưu tiên của AU trong năm 2020 bao gồm việc tăng cường đoàn kết châu lục, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đảm bảo song hành giữa ổn định chính trị và phát triển kinh tế, các biện pháp giải quyết xung đột và nâng cao vai trò của châu Phi trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới.
Phát biểu tại AU Summit 2020, Tổng Thư ký LHQ António Guterres chỉ rõ bên cạnh xung đột, nạn tham nhũng được xem là một trong những nguyên nhân chính làm cạn kiệt các nguồn lực giúp cho châu Phi phát triển. Chính vì vậy, ông Guterres khẩn thiết yêu cầu các nước châu Phi và cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống thuế cũng như nâng cao năng lực điều hành của chính phủ.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi lãnh đạo các nước châu Phi cần có những chính sách ưu tiên trong việc trao quyền cho phụ nữ trong bối cảnh vai trò của phái đẹp tại châu lục vẫn còn rất thấp và mờ nhạt. Ông Guterres cho rằng các lãnh đạo tại châu Phi cần đưa vấn đề nâng cao vai trò phụ nữ vào trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại mỗi quốc gia.
Năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh AU ở Niger, các nhà lãnh đạo châu Phí đã nhất trí khởi động tiến trình thực hiện Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) nhằm tạo cú hích phát triển cho lục địa 1,2 tỷ dân vốn gắn liền với nghèo đói, dù có lực lượng lao động dồi dào và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Năm nay, với chủ đề "Ngưng tiếng súng" tập trung vào chấm dứt xung đột, các nhà lãnh đạo châu Phi đã cho thấy họ có khả năng đạt được quan điểm chung đối với một thách thức lớn của lục địa để tìm kiếm sự thống nhất, hướng tới cùng phối hợp giải quyết thách thức này. Đó là tín hiệu tích cực trên con đường hiện thực hóa mục tiêu "một châu Phi không còn tiếng súng".