Trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria đang bước sang một giai đoạn nguy hiểm mới thì đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của quốc gia Trung Đông này dưới sự kiểm soát của quốc tế, đã đưa cuộc khủng hoảng Syria chuyển theo chiều hướng khá tích cực.
Ngoại trưởng Kerry (trái) và Ngoại trưởng Lavrov tại cuộc họp báo chung tại Geneva ngày 12/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Geneva ngày 12/9 để hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Mặc dù Nga đã đưa ra bản kế hoạch bốn bước nhằm kiểm soát và xử lý vũ khí hóa học của Syria, song các chuyên gia chuyên ngành đều cho rằng đề nghị của Nga không dễ thực hiện, nhất là khi Syria đang trong một cuộc nội chiến ác liệt.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Geneva được dự kiến kéo dài ít nhất hai ngày và cũng tập trung vào triển vọng thúc đẩy những nỗ lực để tổ chức một hội nghị hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria. Các cuộc họp diễn ra tại khách sạn Intercontinental Hotel, ở Geneva, Thụy Sĩ - nơi cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp người đồng nhiệm Nga Lavrov và đưa cho ông một chiếc nút khởi động màu đỏ năm 2009, như là biểu tượng để hai bên bắt đầu hàn gắn lại mối quan hệ song phương vốn đang lạnh lẽo.
Kế hoạch hội nghị quốc tế lần thứ hai về Syria tại Geneva và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán đang là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm theo dõi. |
Trước khi gặp người đồng nhiệm Lavrov, ông Kerry đã có cuộc gặp đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, người đóng vai trò quan trọng nếu đàm phán về một giải pháp chính trị tiềm năng ở Syria được tiếp tục. Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và Pháp - đã gặp nhau để thảo luận về nội dung của dự thảo nghị quyết do Pháp đề xuất. Các cuộc thảo luận giúp mở đường cho cuộc họp tại Geneva, song không đạt được thỏa thuận nào.
Câu chuyện về việc Syria giao nộp vũ khí hóa học đã từng được đề cập cách đây hơn một năm. Tuy nhiên để phá hủy các loại vũ khí hóa học ở Syria, LHQ phải xây dựng hàng chục cơ sở mới hoặc được chuyển đến từ Mỹ và thời gian hoàn tất công việc này có khả năng kéo dài. Giới chuyên gia cho rằng vấn đề không đơn giản chỉ tiêu hủy các chất hóa học, mà nó đòi hỏi thời gian và không gian, kỹ thuật và kinh phí lớn. Việc vận chuyển số vũ khí này an toàn trong bối cảnh Syria đang chìm trong nội chiến sẽ là một vấn đề rất quan trọng và có thể cần phải hợp tác của các bên.
Nếu diễn ra thì Hội nghị Geneva 2 sẽ nối tiếp sáng kiến hòa bình được tổ chức lần đầu tại Geneva hồi tháng 6/2012. Geneva 1 được tổ chức theo sáng kiến của Đặc phái viên LHQ Kofi Annan, thu hút sự tham gia của Ngoại trưởng 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và các nước láng giềng của Syria gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Kuwait và Qatar. Mục đích chính của hội nghị Geneva 1 là tập hợp các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria cùng ngồi vào bàn đàm phán để đi đến một giải pháp toàn diện, tránh gây thêm tổn hại cho dân thường. Tuy nhiên, các bên đã thất bại trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là điều gì đảm bảo cho Geneva 2 được tổ chức và không lặp lại số phận tương tự của Geneva 1?
Hội nghị Geneva 2 đáng ra được tổ chức vào tháng 6/2013 theo sáng kiến của Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Kerry. Đại diện của phe đối lập Syria đã yêu cầu loại trừ Tổng thống Assad khỏi chính phủ chuyển tiếp. Ban lãnh đạo mới của "Liên minh Quốc gia" tuyên bố chỉ đến Geneva chừng nào cải thiện được vị thế quân sự của họ trên lãnh thổ Syria. Triệu tập hội nghị quốc tế lần thứ hai về Syria tại Geneva và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán đang là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm theo dõi.
Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)