Trong một tuyên bố, các thanh sát viên của IAEA cho biết trong ngày 8/7, cơ quan này "đã xác minh Iran đang làm giàu urani vượt mức 3,67% U-235". U-235, tức urani 235, là một đồng vị đặc biệt chỉ chiếm khoảng 0,7% lượng urani được đào lên khỏi mặt đất song có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân và bom.
Thông báo trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran, ông Behrouz Kamalvandi xác nhận cấp độ làm giàu urani của nước này đã hơn mức 4,5% vào ngày 8/7, vượt xa mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres sau đó nhấn mạnh nếu điều này được xác minh, việc Iran làm giàu urani vượt giới hạn không những không giúp duy trì JCPOA, mà còn không bảo vệ được các lợi ích kinh tế cho người dân Iran. Ông cũng kêu gọi Iran tiếp tục thực hiện tất cả các cam kết liên quan tới hạt nhân theo JCPOA trong bối cảnh các bên tham gia thỏa thuận vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các phương án để giải quyết những thách thức mà Tehran đang phải đối mặt.
Thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà Iran ký với Nhóm P5+1 hồi năm 2015 đã giúp hóa giải cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài hàng chục năm ở "điểm nóng" Trung Đông. Thỏa thuận này dựa trên hai cam kết then chốt của Tehran, đó là chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ tối đa 3,67% - một tỷ lệ vừa đủ để sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, và số lượng urani làm giàu ở tỷ lệ thấp này cũng chỉ được tối đa 300 kg. Ngoài ra, Tehran cũng cam kết không xây dựng thêm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân.
JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi khi hồi tháng 5/2018, trong quá trình xem xét toàn bộ chính sách dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu. Chính quyền Washington cho rằng cần phải đàm phán lại các điều khoản của JCPOA. Tuy nhiên, các cường quốc khác ký kết thỏa thuận này cho tới nay vẫn bảo lưu quan điểm rằng đây là một thỏa thuận công bằng, hợp lý và chấp nhận được đối với tất cả các bên. Về phần mình, Iran khẳng định không tái đàm phán JCPOA để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mới theo yêu cầu của Mỹ. Mới đây nhất, Iran đã đe dọa sẽ tái khởi động các máy ly tâm và tăng cường làm giàu urani ở cấp độ tinh khiết 20% cũng như các bước đi tiếp theo.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington xung quanh vấn đề hạt nhân, cũng trong ngày 8/7, Iran đã cáo buộc Mỹ "giam giữ" một đội tuyển bóng chuyền của quốc gia Hồi giáo ngay tại sân bay Chicago của Mỹ suốt 4 giờ đồng hồ. Đội bóng chuyền này đến Mỹ để tham dự vòng 6 của Giải Bóng chuyền quốc tế 2019. Đội tuyển Iran dự kiến sẽ thi đấu với đội tuyển Ba Lan và Brazil lần lượt trong ngày 11/7 và 12/7. Hai trong 6 đội tuyển giành chiến thắng sẽ lọt vào vòng chung kết, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 14/7 tới. Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran, trước đó, đội tuyển bóng chuyền Iran đã tới Mỹ nhiều lần để tham gia các cuộc thi đấu hữu nghị và chính thức, nhưng chưa bao giờ gặp phải vấn đề trên.