Đây là kết luận của những báo cáo ban đầu do các nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thực hiện. Tuy nhiên, tờ Hindu đăng tải một số ý kiến của các nhà khoa học cho biết sự sụt giảm kháng thể trên không ảnh hưởng đến thực tế rằng các vaccine này vẫn là một công cụ mạnh chống COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, cũng giống như các vaccine khác trên thế giới, hai vaccine Covishield và Covaxin được phát triển dựa trên bản đồ phân tích biến thể virus B1 vốn rất phổ biến ở Ấn Độ vào tháng 4 năm ngoái. Với các báo cáo từ những cuộc thử nghiệm vaccine trên thế giới về một số đột biến giúp virus lẩn tránh được hệ miễn dịch và kháng thể, một số phòng thí nghiệm đã làm việc để kiểm tra hiệu lực của vaccine đối với các biến thể mới xuất hiện.
Khi các nhà khoa học tại Viện Virus học quốc gia (NIV - thuộc ICMR) thử nghiệm virus mang các đột biến chính của B.1.617 đối với kháng thể của những người đã tiêm đủ hai liều Covaxin, họ nhận thấy số lượng kháng thể ít hơn khoảng 55% so với các kháng thể được tạo ra chống lại B.1.
Khi một nghiên cứu tương tự được thực hiện với những người tiêm Covishield, chỉ số kháng thể với B.1 là 42,92 trong khi với B.1.617 là 21,9, chỉ bằng gần một nửa. Đối với biến thể B.1.1.7 (phát hiện đầu tiên tại Anh), mức kháng thể chỉ giảm 6% trong khi với biến thể P2 (phát hiện đầu tiên tại Brazil) cũng giảm 50%.
Tiến sĩ Samiran Panda, trưởng bộ phận dịch tễ học tại ICMR, và là đồng tác giả của các báo cáo, cho biết mặc dù mức kháng thể giảm, song cả Covishield và Covaxin đều có tác dụng bảo vệ chống B.1.617 “gần như nhau”. Theo ông, ở những người được tiêm phòng, khả năng bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ lây nhiễm sau nay không chỉ được xác định nhờ vào số lượng kháng thể và mức độ kháng thể biến mất theo thời gian, mà liên quan tới sự huy động một lớp cơ quan phòng thủ được gọi là tế bào T, có khả năng tấn công chống lại và tiêu diệt virus, không giống với các kháng thể vốn chỉ ngăn chặn các tế bào virus đang sao chép.