IMF cảnh báo nguy cơ của hệ thống tài chính Trung Quốc

Tờ "Chính trị châu Á” cho biết Báo cáo hàng năm về Trung Quốc - do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố - đã cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ tài chính nghiêm trọng khi tổng dư nợ chính phủ của nước này hiện đã bằng gần 50% GDP, tăng so với 40% của năm 2012 và 37,8% trong năm 2011.

Ngoài ra, việc Bắc Kinh thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 493 tỷ euro) đã tạo ra làn sóng vay tiền thái quá từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đa số các khoản tín dụng cho vay này đã không được đưa vào sản xuất, vì các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc là Mỹ và châu Âu đang lâm vào tình trạng suy thoái, mà được đầu cơ vào bất động sản. Năm 2010, giá trị toàn bộ bất động sản của Trung Quốc ước chừng vượt quá GDP của Mỹ, gây ra tình trạng bong bóng bất động sản. IMF lưu ý rằng, bài học về sự sụp đổ đột ngột của Nhật Bản vào đầu những năm 1990 do tình trạng bong bóng bất động sản kéo theo tình trạng kinh tế trì trệ suốt 20 năm vẫn còn "rất giá trị" với Trung Quốc.

Công nhân tại một nhà máy dệt ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy vậy, IMF cho rằng chính quyền Trung Quốc còn đủ khả năng đối mặt với những cú sốc có thể xảy ra, song do người Trung Quốc đã không thay đổi cách nhìn và không đẩy mạnh cải cách một cách mạnh mẽ nên nguy cơ về một biến cố hay một cú sốc có thể gây ra vòng xoáy tiêu cực vẫn không ngừng tăng lên. Theo IMF, tổng nợ chính phủ ở Trung Quốc hiện tương đương gần 50% GDP. Mặc dù đây là mức tương đối thấp so với khoản nợ của một số nước châu Âu khác, nhưng do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc trong mấy năm liên tiếp vừa qua, thì đây là điều rất đáng lo ngại.

IMF dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 7,75% trong năm nay và tăng 7,7% vào năm 2014, tức là dưới ngưỡng “truyền thống” 8% mà Trung Quốc coi là cần thiết để kiềm chế nạn thất nghiệp. Theo IMF, mối nguy hiểm thực sự đang đến từ một cuộc khủng hoảng lớn do Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu và vốn đầu tư. Với những khoản vốn đầu tư chiếm 48% GDP (tỷ lệ cao nhất thế giới), trong khi tiền chi cho tiêu dùng chỉ chiếm 35% (nằm trong những nơi có tỷ lệ thấp nhất), Trung Quốc vẫn là một thị trường lao động khổng lồ giá rẻ và nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường phương Tây thông qua các tập đoàn sản xuất xuyên quốc gia.

IMF và các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường nói đến nhu cầu “tái cân bằng” nền kinh tế Trung Quốc hướng tới tiêu dùng nội địa. Hồi tháng 11/2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết sẽ đưa ra một loạt chính sách mới liên quan tới các cuộc cải cách kinh tế tự do, và hy vọng điều đó sẽ làm tăng gấp đôi thu nhập tính theo đầu người vào năm 2020 so với trước đó 10 năm. Tuy nhiên, việc kích cầu ở Trung Quốc chỉ liên quan đến một tầng lớp nhỏ những người giàu, các quan chức tham nhũng và các nhà kinh doanh, những người này trong những năm qua đã biến Trung Quốc trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới tiêu thụ các sản phẩm xa hoa. Của cải của những người này tăng rất nhanh, trong khi đa số người lao động Trung Quốc vẫn phải sống trong cảnh nghèo, không đủ tạo ra được một thị trường trong nước có khả năng tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nội địa, chứ chưa nói đến hàng hóa nhập khẩu với giá rất cao. Trung Quốc chủ trương tăng sản xuất và mở cửa phần còn lại các lĩnh vực do nhà nước chi phối cho các nguồn vốn tư nhân, song nhiều người cho rằng điều này có thể khiến công ăn việc làm và mức lương vốn đã rất thấp giảm thêm….


Ngoài ra, kế hoạch hòa nhập hệ thống tài chính Trung Quốc vào các trung tâm tài chính thế giới diễn ra trong một môi trường quốc tế với độ rủi ro cao, có thể nhanh chóng gây ra những cú sốc khó lường. Theo tính toán của IMF được công bố mới đây, việc hủy bỏ cấp tập sự kiểm soát vốn có thể gây ra sự rút vốn của Trung Quốc tới 1.350 tỷ USD, tức 15% GDP, có thể dẫn đến sự sụp đổ lớn giống như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Sự rút vốn có thể diễn ra cấp tập hoặc như một phản ứng hoảng sợ trước sự náo động của người lao động Trung Quốc, và sự náo động ấy sẽ chẳng khác mấy trước một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ, mà nhiều người lo ngại có thể xảy ra trong tương lai.


TTXVN/Tin tức
Trung Quốc tổng kiểm tra nợ chính phủ

Tin từ Cục Kiểm toán nhà nước Trung Quốc ngày 28/7 cho hay, theo yêu cầu của Quốc vụ viện (Chính phủ), cơ quan này sẽ tổ chức đợt kiểm tra triệt để trong cả nước đối với vấn đề nợ của chính phủ trong toàn bộ năm cấp, từ trung ương xuống đến các cấp tỉnh, thành, huyện và xã, ...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN