Một nguồn tin cho biết, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei là người đứng sau sáng kiến mới này, một sáng kiến khởi nguồn từ thực trạng nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn. “Mục tiêu đề ra là hoàn tất một phiên bản mới của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA – gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran) vào cuối năm dương lịch của Iran (kết thúc ngày 20/3/2022), đi kèm đó là điều khoản Mỹ dỡ trừng phạt chống Tehran”, nguồn tin cho biết.
Kinh tế Iran có được động lực tăng trưởng nhờ vào thỏa thuận chiến lược 25 năm mới ký kết với Trung Quốc. Nhưng đến thời điểm này Bắc Kinh vẫn tỏ ra chần chừ trong hỗ trợ tài chính đối với Tehran, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden bất ngờ theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc, thay vì mềm dẻo linh hoạt như những dự đoán trước đó.
Sự chần chừ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc kinh tế Iran lún sâu vào suy thoái sau khi bị Mỹ tái áp đặt trừng phạt từ tháng 5/2018. Tính ở thời điểm tháng 11/2019, GDP của Iran tăng trưởng âm 22%, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 37% và lạm phát trên 65%. Đồng nội tệ rial lúc đó cũng mất giá tới 65% so với giỏ ngoại tệ mạnh khác.
Thực trạng kinh tế sau năm 2019 còn tệ hơn. Hiện tại, dự trữ ngoại tệ của Iran chỉ còn khoảng 10 tỉ USD, giảm mạnh so với mốc 114 tỉ USD trước thời điểm tháng 5/2018. Dự trữ vàng của Iran hiện cũng ở mức thấp. Iran vẫn tiếp tục bán dầu thô cho Trung Quốc, nhưng là bán theo giá ưu đãi theo Hiệp định chiến lược 25 năm mới ký kết.
Iran đang hướng đến Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm kiếm hỗ trợ của EU trong phục dựng lại một phiên bản JCPOA khác có thể vận hành được với sự tham dự của Mỹ. Tehran dễ nhận được cảm thông của Pháp và Đức – hai nước thuộc Nhóm P5+1 vốn phản đối việc Mỹ rút khỏi JCPOA. Thành viên EU còn lại là Anh có thể gặp khó khăn đôi chút, do chính quyền Thủ tướng Boris Johnson muốn tìm kiếm lợi ích riêng với Mỹ trong thỏa thuận tự do thương mại đang đàm phán dang dở.
Theo các nguồn tin từ Tehran, nhóm E3 (Đức, Pháp, Anh) tỏ ra không ấn tượng với chất lượng, mức độ xuống thang các điều khoản mà giới chức ngoại giao cấp cao Iran đề nghị trong tuần gần đây. Hơn thế, quan điểm đàm phán cứng rắn của Tehran trước Mỹ cũng gặp phải một cú sốc lớn từ Nga. Trong đàm phán bí mật mới đây giữa giới chức Nga và Iran, Moskva tuyên bố rõ sẽ không thỏa hiệp, hy sinh quan hệ với Israel tại Trung Đông để trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, ủng hộ hoạt động quân sự hoặc bán vũ trang của Nga tại khu vực.
“Đó là một cú sốc lớn với Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bên cạnh sự chần chừ của Trung Quốc vì ngại Mỹ cũng như quan điểm hờ hững của EU trước những bước đi của chính phủ mới tại Iran. Tình hình trầm trọng thêm khi kết hợp thêm yếu tố thực trạng kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Ở hoàn cảnh đó, Iran sẵn sàng xem xét mọi điều khoản cứng rắn của Mỹ, từng được phía Mỹ đưa ra trong dự thảo JCPOA sơ khởi, nhưng sau đó loại bỏ”, nguồn tin tại Tehran nhận định.
Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama từng đưa ra bản danh sách về 12 điều khoản cứng rắn, đòi đưa vào dự thảo của JCPOA nguyên bản. Nhưng những yêu sách này sau đó đã được lược bỏ vì sự phản đối của Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức. Mấu chốt nằm ở chỗ nhiều điều khoản này cũng chính là những yêu sách mà ông Donald Trump và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton muốn đưa trở lại trong một thỏa thuận JCPOA mới.
Nhiều nguồn tin Iran nhìn nhận Tehran cuối cùng sẽ phải chấp thuận những gì buộc phải chấp thuận để có được điều mình muốn – đó là dỡ cấm vận, trừng phạt, tự do tiếp cận thị trường xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ. Khó khăn hiện nay chính là việc làm cách nào để đạt được mục tiêu đó mà không cần phải tuân thủ các điều khoản mà Tehran không mong muốn bị khép chặt.