Mặc dù có thể kiểm soát cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad (Iraq) được cho là do những người được Iran hậu thuẫn gây ra, nhưng sự việc cho thấy mối lo về lâu dài của Tổng thống Trump rằng các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ ở Trung Đông là mục tiêu dễ dàng. Sự việc cũng ảnh hưởng tới quan điểm của ông về việc Mỹ phải rút quân khỏi khu vực.
Với vấn đề Triều Tiên, việc Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố thế giới sẽ chứng kiến vũ khí chiến lược mới dường như đánh dấu kết thúc 18 tháng mà trong thời gian đó, Tổng thống Trump cho rằng sức mạnh cá nhân của ông cùng với lời cam kết phát triển kinh tế để đổi lại phi hạt nhân hóa có thể loại bỏ vấn đề ám ảnh 12 đời tổng thống Mỹ trước đó.
Thời điểm của hai thách thức Iran và Triều Tiên có vai trò quan trọng. Theo tờ New York Times, cả Iran và Triều Tiên dường như đều cảm nhận rằng Tổng thống Trump dễ bị tổn thương khi đang bị luận tội và sắp tranh cử nhiệm kỳ hai.
Cuộc biểu tình ở Iraq đã dịu đi từ ngày 1/1, Chủ tịch Kim Jong-un cũng chưa tiết lộ vũ khí chiến lược mới nhất. Tuy nhiên, các sự kiện mấy ngày gần đầy đã cho thấy mọi sự không dễ dàng như tuyên bố của Tổng thống Trump cách đây một năm, rằng Iran là quốc gia rất khác biệt và không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định Tổng thống Trump về cơ bản nhận định nhầm về phản ứng của Iran và Triều Tiên. Vấn đề cốt lõi có thể nằm ở chỗ ông Trump cho rằng chỉ cần khuyến khích kinh tế (lợi ích dầu mỏ ở Iran và triển vọng đầu tư, khách sạn xa hoa dọc bờ biển ở Triều Tiên) sẽ khiến các lợi ích quốc gia khác lu mờ.
Tổng thống Trump xem thường quyết tâm của Iran xây dựng nước này thành một lực lượng hùng mạnh trong khu vực. Ông cũng đánh giá thấp quan điểm của Triều Tiên là vũ khí hạt nhân là chính sách đảm bảo duy nhất cho chế độ.
Ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại, nhận định ngày 31/12/2019, sau 3 năm không có khủng hoảng quốc tế, ông Trump đang đối mặt một khủng hoảng liên quan Iran vì ông bác bỏ con đường ngoại giao và một khủng hoảng liên quan Triều Tiên vì ông đã đòi hỏi ngoại giao quá nhiều.
Trong cả hai trường hợp, ông Trump đều không đi theo con đường ngoại giao truyền thống, tức là đề xuất một thỏa thuận một phần, theo đó hành vi kiềm chế sẽ được “trả” bằng nới lỏng trừng phạt tương ứng mức độ.
Trái lại, Tổng thống Trump chỉ lặp lại tuyên bố rằng Iran sẽ không bao giờ được phép có vũ khí hạt nhân và Triều Tiên đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Các qua chức hàng đầu Mỹ còn đưa ra quan điểm đa dạng hơn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng dần dần, Iran sẽ nhận ra mình không có lựa chọn nào ngoài thay đổi, và rằng Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đưa ra quyết định đúng đắn và ông sẽ chọn hòa bình, thịnh vương thay vì xung đột và chiến tranh.
Dù vậy, những tuyên bố đó chỉ là hy vọng, không phải là chiến lược. Đó chính là vấn đề cơ bản mà ông Trump mang theo vào năm 2020. Ông không có kế hoạch tổng thể để đoàn kết các đồng minh nhằm đi theo con đường hành động thống nhất.
Thiếu cách tiếp cận chung đang gây hậu quả nhiều nhất trong trường hợp Iran. Khi Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, các phụ tá của ông tự tin rằng châu Âu, Trung Quốc và Nga sẽ làm theo. Tuy nhiên, không ai làm theo.
Châu Âu tìm cách giảm ảnh hưởng trừng phạt của Mỹ với Iran. Nga và Trung Quốc tập trận hải quân chung với Iran ở Vịnh Oman tuần trước. Iran hiểu rằng cuộc tập trận cho thấy hai cường quốc có vũ khí hạt nhân đang về phe họ và Iran không thể bị cô lập.
Có thể chiến lược của Tổng thống Trump sẽ có kết quả nào đó. Ông Pompeo đang làm mọi việc để ủng hộ người biểu tình Iran, nhưng ít hy vọng những người này có thể đe dọa chính phủ.
Iran “ngấm” chiến dịch “sức ép tối đa” xét nhiều khía cạnh, nhưng họ cũng biết Mỹ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công công khai vào binh sĩ, tàu chở dầu. Vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq rõ ràng khiến Tổng thống Trump và phụ tá lo sợ. Họ vẫn còn nhớ cuộc khủng hoảng con tin cách đây 40 năm đã khiến Tổng thống Jimmy Carter thất bại trong tranh cử nhiệm kỳ hai.
Những tháng gần đây, Iran liên tục tấn công các mục tiêu liên quan Mỹ: tàu chở dầu, máy bay không người lái Mỹ, cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia. Iran thể hiện rõ rằng ông Trump cần mở lại đàm phán.
Với Triều Tiên, đây là vấn đề khó hơn vì ông Trump đã đề xuất tiến trình ngoại giao táo bạo với Chủ tịch Kim Jong-un. Khi phá vỡ khuôn mẫu và đồng ý gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên làm điều này từ sau Chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông không đạt được thỏa thuận đóng băng hạt nhân khi gặp lãnh đạo Triều Tiên, có nghĩa là triều Tiên vẫn còn sản xuất tên lửa và hạt nhân. Tổng thống Trump hủy tập trận chung với Hàn Quốc dù bị Lầu Năm Góc phản đối, nhưng thế vẫn chưa đủ với Triều Tiên.
Tính toán không mang lại kết quả nhất của Tổng thống Trump có lẽ là quá dựa vào mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Kim Jong-un. Ông nói: “Ông ấy thích tôi, tôi thích ông ấy, chúng tôi hòa hợp”.
Hồi tháng 6/2018 ở Singapore trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, hai bên đã đạt thỏa thuận với một số nguyên tắc chung chung đề cập tới phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Cách hiểu ở Mỹ và Triều Tiên khác nhau: Triều Tiên muốn Mỹ rút lực lượng hạt nhân về, kể cả tàu ngầm và tàu có thể phóng vũ khí hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên; còn Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đạo ngược và có kiểm chứng.
Kết quả là Mỹ và ông Trump đang thấp thỏm chờ một vụ thử tên lửa mới.