Mục đích ban đầu của cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Irắc năm 2003 và lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein là “mở ra một kỷ nguyên dân chủ tự do” tại đất nước được coi là "trái tim" của Trung Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến này lại châm ngòi cho tình trạng bạo lực phe phái và các tranh cãi chính trị triền miên ở quốc gia giàu dầu mỏ này.
Một ngôi nhà bị hư hại sau vụ đánh bom liều chết ở Dibis, miền tây bắc thành phố Kirkuk (Iraq) ngày 11/3/2013. Ảnh: AFP-TTXVN |
Được phát động cách đây một thập kỷ với lý do là để phá hủy các kho vũ khí hủy diệt của chính quyền Saddam Hussein (những thứ cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy), trọng tâm của cuộc chiến tranh gây tranh cãi kể trên nhanh chóng chuyển sang mục tiêu biến Irắc thành đồng minh của phương Tây tại một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới.
Kể từ khi các binh lính Mỹ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011, Washington phải chật vật để duy trì ảnh hưởng đối với Baghdad. Crispin Hawes - Trưởng nhóm cố vấn về Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Eurasia có trụ sở tại London - nhận định: "Đã xuất hiện những tranh luận thiển cận về các loại vũ khí hủy diệt của Iraq, mối liên hệ của Baghdad với al-Qaeda và mối đe dọa mà Irắc gây ra cho an ninh nước Mỹ. Nhìn lại những điều này chúng ta thấy thật nực cười... Từng có ý kiến cho rằng Iraq không những sẽ trở thành đồng minh của Mỹ, mà sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế Iraq sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ cho quốc gia này và toàn khu vực, và rằng mô hình Irắc sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu ở Trung Đông. Thực tế hiện nay cho thấy suy nghĩ này thật đáng mỉa mai".
Mặc dù cuộc chiến này diễn ra khá nhanh chóng - ngày 1/5/2003, chưa đầy 2 tháng phát động cuộc chiến, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush tuyên bố cuộc chiến đã hoàn tất - tuy nhiên, nó kéo theo không ít hệ quả đầy bạo lực và đẫm máu. Các phiến quân liên tục tiến hành các vụ đánh bom và bắn giết. Iraq nhanh chóng rơi vào một cuộc xung đột phe phái đẫm máu. Tình trạng bạo lực tại Iraq, hiện vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn của quốc tế, chỉ giảm bớt sau khi hàng loạt biện pháp kiềm chế được thực hiện kể từ sau năm 2008, khi Mỹ quyết định tăng quân và các phiến quân dòng Hồi giáo Sunni quyết định "sát cánh" cùng lực lượng quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hòa giải chính trị, mục tiêu chiến lược của Mỹ khi tăng quân, chưa bao giờ đạt được.
Từ các cuộc tranh chấp lãnh thổ phía bắc cho tới những vấn đề liên quan đến việc phân chia thu nhập từ nguồn năng lượng dồi dào, hàng loạt vấn đề quan trọng tại quốc gia này vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, người dân Iraq vẫn hàng ngày phải đối mặt với những vấn đề nổi cộm như điều kiện sống nghèo khổ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.
Mặc dù xung đột phe phái mang tính bạo lực gần như chỉ còn là chuyện của quá khứ, song từ vài tháng qua, những người Sunni thiểu số - từng nắm giữ quyền lực dưới thời ông Saddam - liên tục tiến hành các cuộc biểu tình chống lại chính quyền do người Shi'ite chiếm đa số, chính quyền mà họ cho là luôn "chĩa mũi dùi" vào cộng đồng thiểu số Sunni.
Trong khi đó, các đối tác trước đây trong chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki lên tiếng chỉ trích ông Maliki về tội quan liêu và thao túng các lực lượng an ninh, về tình trạng lập pháp trì trệ trong những năm gần đây. Các đạo luật quan trọng liên quan tới ngành năng lượng giàu lợi nhuận, nguồn vốn hoạt động của các chính đảng, việc ân xá cho các tội phạm phi bạo lực và nhiều vấn đề khác vẫn giậm chân tại chỗ trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm qua.
Chỉ có một điểm sáng đáng chú ý tại quốc gia Trung Đông này, đó là ngành dầu thô - lĩnh vực đã làm tăng đáng kể ngân sách quốc gia và được dự đoán là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nguồn lợi nhuận tăng, giúp ngân sách Irắc lớn hơn so với Ai Cập - quốc gia có số dân đông gấp đôi - vẫn chưa thể đem lại một cuộc sống có chất lượng hơn cho người dân, bởi sự yếu kém của bộ máy quản lý quan liêu và nạn tham nhũng nghiêm trọng.
TTK