Sau vụ người biểu tình Iraq xông vào bên trong khu vực Đại sứ quán Mỹ hôm 31/12, Washington đã điều động thêm binh lực để đảm bảo an ninh cho các lợi ích của Mỹ ở quốc gia Trung Đông này. Ngoài số lính thủy đánh bộ đã được triển khai tức thời tới Đại sứ quán Mỹ ở Iraq, có nguồn tin cho rằng sẽ có thêm trên 3.000 lính Mỹ được điều động tới khu vực trong vài ngày tới.
Cũng ngay lập tức, vụ việc trở thành tâm điểm gây tranh cãi giữa Mỹ và Iran, khiến cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa hai bên thêm trầm trọng, đẩy Iraq vào tình thế "mắc kẹt".
"Giọt nước" làm tràn căng thẳng tại Iraq xuất phát từ vụ quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích tại Iraq và Syria, nhằm vào nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah (KH) gồm chủ yếu là các tay súng người Hồi giáo dòng Shi'ite thân Iran, thành viên lực lượng bán quân sự Hashd al-Shaabi, vì cho rằng KH đã gây ra loạt vụ tấn công rocket vào một căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Riêng tại Iraq, ít nhất 25 thành viên nhóm vũ trang này đã thiệt mạng và 55 người bị thương trong các vụ không kích của Mỹ ngày 29/12.
Hành động của Mỹ không chỉ vấp phải sự chỉ trích của Iran, Syria hay Nga, mà ngay cả Iraq cũng phản đối gay gắt, bởi Hashd al-Shaabi là một phần của hệ thống lực lượng vũ trang Iraq.
Thủ tướng tạm quyền Iraq Adel Abdul Mahdi khẳng định cuộc không kích của quân đội Mỹ nhằm vào các lực lượng vũ trang Iraq là hành động "không thể chấp nhận được và sẽ gây hậu quả nguy hiểm", trong khi Bộ Ngoại giao Iraq tuyên bố đây là "hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq, đáng bị lên án, đi ngược lại tất cả nguyên tắc và luật pháp làm nền tảng cho quan hệ giữa các nhà nước".
Hàng nghìn người Iraq đã biểu tình tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad để phản đối các cuộc không kích, đòi các lực lượng Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq. Đỉnh điểm là vụ người biểu tình bao vây và tấn công tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ngày 31/12, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức đổ lỗi cho Iran đứng sau, trong khi Tehran phản đối "sự hiếu chiến"của Washington tại nước láng giềng Iraq.
Vụ việc căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh tình hình Iraq đang “rối như canh hẹ” do một loạt những bất ổn an ninh, bế tắc chính trị và khủng hoảng kinh tế - xã hội. Bất đồng giữa Tổng thống Barham Saleh và Quốc hội Iraq, mà thực chất là bất đồng giữa các sắc tộc và giáo phái, khiến nước này chưa tìm được thủ tướng thay thế ông Mahdi, nhân vật thuộc dòng Hồi giáo Shi'ite, đã tuyên bố từ chức đầu tháng 12 sau làn sóng biểu tình bùng phát từ tháng 10 năm ngoái tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện. Các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Iraq trong các cuộc biểu tình này khiến ít nhất 460 người thiệt mạng và 17.000 người bị thương.
Trong khi đó, nền kinh tế cũng như hệ thống hạ tầng của Iraq, vốn bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến kéo dài 3 năm chống lại các tay súng khủng bố "Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vẫn chưa thể hồi phục, hậu quả là cứ 5 người Iraq thì có 1 người sống trong cảnh nghèo khổ và tỷ lệ thanh niên, vốn chiếm 60% dân số Iraq, bị thất nghiệp là khoảng 25%.
Trên thực tế, sau những biến động năm 2003 khi Mỹ và liên quân tấn công Iraq, dẫn tới sự ra đi của nhà lãnh đạo khi đó Saddam Hussein, đất nước Iraq chưa có ngày bình yên do tình trạng chia rẽ sắc tộc và mâu thuẫn giáo phái trầm trọng giữa 3 giáo phái lớn nhất nước này: người Arab dòng Hồi giáo Shi’ite, người Arab dòng Sunni và người Kurd.
Nhiều năm sau, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thừa nhận rằng quyết định của Anh khi đó tham gia cùng lực lượng Mỹ tấn công Iraq là một sai lầm, và tình hình rối ren tại Iraq là một trong những nguyên nhân khiến IS trỗi dậy.
Ngay cả khi Iraq tuyên bố tiêu diệt hoàn toàn IS trên lãnh thổ nước này hồi tháng 12/2017 và một hệ thống chính trị mới đã được thiết lập trên cơ sở đại diện các giáo phái và sắc tộc, sự chia rẽ trên chính trường và ảnh hưởng chi phối của các thế lực từ bên ngoài đối với các phe phái ở Iraq, trong đó Mỹ và cùng đồng minh Saudi Arabia được cho là hậu thuẫn người Hồi giáo dòng Sunni còn Iran đứng sau người Hồi giáo dòng Shi’ite, khiến đất nước Trung Đông liên tục rơi vào bất ổn.
Là một quốc gia từng bị giằng xé bởi bạo lực và xung đột giáo phái, Iraq đã phải nỗ lực rất nhiều để duy trì nền hòa bình mong manh hiện nay và chỉ một "mồi lửa" của khu vực cũng có thể đẩy đất nước này trở lại tình cảnh xung đột và nội chiến triền miên.
Có thể thấy Iraq thực ra muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Iran, do sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và chính trị, trong khi vẫn có thể giữ quan hệ “ổn định” với Mỹ vì lợi ích quốc gia. Mặc dù vậy, tình hình hiện có vẻ như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Baghdad, khiến Iraq có nguy cơ trở thành “sàn đấu” của các thế lực trong và ngoài khu vực đang tranh giành ảnh hưởng và lợi ích.
Các vụ tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq và các vụ không kích "trả đũa" của Mỹ trên lãnh thổ Iraq và Syria không chỉ khiến tình hình Iraq bất ổn mà còn khoét sâu thêm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, làm phức tạp thêm những mối bất hòa vốn đang là "ngòi nổ âm ỉ" tại khu vực.
Chỉ huy cấp cao nhóm Hashd al-Shaabi đã cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nhằm vào các lực lượng Mỹ tại Iraq sau các cuộc không kích của quân đội Mỹ, động thái có thể khiến vòng xoáy bạo lực tại Iraq không bao giờ có điểm dừng. Mặt khác, một khi những căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng, cả hai nước đều sẽ sử dụng Iraq như một mặt trận mới với những mục tiêu riêng.
Trong kịch bản đó, cuộc đối đầu Mỹ và Iran có thể khiến tình hình Iraq trở nên hỗn loạn và khó kiểm soát hơn bao giờ hết, bởi đất nước Trung Đông sẽ trở thành địa bàn của một cuộc xung đột ủy nhiệm giữa Mỹ (cùng đồng minh Saudi Arabia) với Iran. Tình trạng bất ổn ở Iraq cũng có thể tạo cơ hội cho IS trỗi dậy và tái hợp lực lượng, đặc biệt khi các lực lượng Mỹ và chiến binh Hồi giáo dòng Shi'ite đối đầu với nhau.
Toàn bộ những diễn biến trên cho thấy chính quyền Baghdad đã và đang phải “gồng mình” trong cuộc đối đầu chiến lược giữa quốc gia láng giềng Iran và Mỹ, khi cả Tehran lẫn Washington đều có ảnh hưởng và lợi ích đáng kể tại Iraq. Chính sách khó lường của Mỹ tại Trung Đông hay lập trường cứng rắn của Iran đều có thể tác động khiến tình hình khủng hoảng ở Iraq thêm trầm trọng, tạo thêm nhiều rủi ro khó lường và châm ngòi cho những cuộc xung đột mới tại "điểm nóng" bất ổn Trung Đông.