Israel sẽ đơn phương tấn công Iran?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc lại những lo ngại của Israel đối với một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran, đồng thời cam kết "sẽ tiếp tục hành động để chống lại mọi mối đe dọa".

Phát biểu trên của ông Netanyahu được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) tại Lausanne (Thuỵ Sỹ) đang đạt được những tiến bộ đáng kể.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN


Nếu Nhóm P5+1 và Iran đạt được một thỏa thuận, khi đó, công luận thế giới sẽ tập trung mọi sự chú ý xem Israel sẽ phản ứng như thế nào.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là nếu thỏa thuận được ký kết, Israel sẽ làm gì?

Trong vài ngày gần đây, một số người theo trường phái bảo thủ ở Mỹ đã phê phán việc Tổng thống Barack Obama muốn ký thỏa thuận với Iran, cho rằng điều này sẽ đẩy Israel vào thế không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công quân sự vào các mục tiêu hạt nhân của Iran.

Theo tuyên bố chính thức từ Israel, hiện nay mọi sự lựa chọn đều “đang được cân nhắc", và nếu các biện pháp ngoại giao không giải quyết được vấn đề hạt nhân của Iran, hoặc theo hướng không có lợi cho Israel, thì khi đó nước này có thể sẽ quyết định tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Sau 34 năm kể từ khi Israel ném bom thành công vào cơ sở hạt nhân Osirak ở Iraq, hiện nay các chuyên gia quân sự không mấy nghi ngờ khả năng không quân Israel có thể đánh trúng các mục tiêu hạt nhân dù nó nằm ở trên mặt đất hay dưới lòng đất ở Iran. Do vậy, vấn đề ở đây không nằm ở khả năng quân sự mà xoay quanh vấn đề chính trị nội bộ và chiến lược địa chính trị.

Tuy nhiên, nếu muốn tiến hành tấn công quân sự, các nhà lãnh đạo Israel cần phải tính đến các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, việc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể sẽ khiến nước này tụt hậu một vài năm về công nghệ hạt nhân so với hiện nay, nhưng không thể triệt tiêu hoàn toàn năng lượng hạt nhân của họ.

Một cơ sở được cho là nơi Iran làm giàu urani ở ngoại ô Qom. Ảnh: AFP/ TTXVN


Iran có thể nối lại các hoạt động hạt nhân ở những cơ sở mới sau khi bị tấn công, và khi đó họ sẽ có nhiều lý lẽ hơn để phát triển vũ khí hạt nhân, với lý do để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước các mối đe dọa từ bên ngoài.

Trong khi đó, thỏa thuận mà các bên đang đàm phán quy định Iran không được tiến hành các nghiên cứu hạt nhân trong vòng 10 năm, dài hơn nhiều so với khoảng thời gian ngành công nghệ hạt nhân của Iran sẽ tụt hậu nếu bị Israel tấn công.

Thứ hai, nếu Israel tấn công Iran sau khi thỏa thuận được ký kết, họ sẽ rơi vào thế phải đối mặt với Nhóm P5+1 và cả các thành viên khác của cộng đồng quốc tế. Khi đó, quan hệ song phương giữa Israel và các nước thuộc Nhóm P5+1 sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, đồng nghĩa với sự trao đổi thông tin tình báo với các nước trên cũng sẽ giảm sút.

Bên cạnh đó, P5+1 cũng sẽ tìm cách trừng phạt Israel thông qua các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lên án hành động của Israel và kêu gọi các biện pháp chống lại Nhà nước Do Thái.

Thứ ba, việc Israel tấn công quân sự vào Iran sẽ khiến cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với quốc gia Hồi giáo. Trong thời gian qua, Israel đã rất nỗ lực vận động thắt chặt hơn nữa các lệnh cấm vận này, và chúng tỏ ra là công cụ rất có hiệu quả trong việc gia tăng sức ép đối với Iran.

Thứ tư, sự phối hợp và hợp tác giữa Israel và các quốc gia Arập ôn hòa trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu Israel tấn công quân sự Iran.

Cuối cùng, Israel sẽ phải đối mặt với các hành động quân sự đáp trả trực tiếp từ Iran, cũng như gián tiếp từ các tổ chức Hồi giáo thân Iran ở khu vực Trung Đông như Hezbollah, Hamas...

Chưa biết liệu Israel có dám đơn phương tấn công Iran hay không, nhưng có một điều gần như chắc chắn là nếu thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1, phản ứng của Israel sẽ rất mạnh mẽ, bao gồm sự phê phán từ phía công chúng, các hành động ngăn cản Quốc hội Mỹ và một số cơ quan khác thông qua thỏa thuận này, đồng thời Israel sẽ lại kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt với Iran...

Các biện pháp ngoại giao này sẽ được kết hợp cùng các hoạt động tình báo nhằm thăm dò động thái của Iran trong lĩnh vực hạt nhân cũng như sự can dự của nước này vào các cuộc xung đột hiện nay trong khu vực.

Xét toàn cục bối cảnh quốc tế hiện nay, nhiều nhà phân tích thời cuộc cho rằng một quyết định tấn công quân sự vào Iran là không hợp lý.


TTXVN/Tin tức

Đàm phán hạt nhân Iran trước giờ 'G'
Đàm phán hạt nhân Iran trước giờ 'G'

Nhiều khả năng vòng đàm phán hạt nhân tại Lausanne giữa Iran và Nhóm P5+1 sẽ diễn ra cam go và những nhượng bộ quan trọng có thể được đưa ra ở "phút 89".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN