Hình ảnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad chào đón cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến Damascus. Ảnh: Reuters |
Trong bài viết của mình, cựu Tổng thống Jimmy Carter cho biết ông đã gặp ông Bashar al-Assad từ khi ông này còn là sinh viên của một trường đại học ở London (Anh).
Khi ông Assad đảm nhiệm cương vị Tổng thống Syria, hai người đã có nhiều lần đàm phán. Điều này thường được thực hiện theo yêu cầu của chính phủ Mỹ trong suốt những thời điểm mà các đại sứ của Mỹ ở Damascus phải rút về nước do những tranh cãi ngoại giao.
Mặc dù ông Bashar al-Assad và cha mình, ông Hafez al-Assad, đã có một chính sách "không nói chuyện với bất cứ ai" ở Đại sứ quán Mỹ trong suốt những thời kỳ quan hệ giữa hai nước "băng giá", nhưng trò chuyện với ông Jimmy Carter thì họ lại coi là một ngoại lệ.
Trước khi diễn ra cuộc nổi dậy vào tháng 3/2011, Syria từng được coi là một "tấm gương" vì đã thiết lập được mối quan hệ hài hòa giữa nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau ở nước này - bao gồm người Arập, người Kurd, người Hy Lạp, người Armenia và người Assyri.
Gia đình ông Bashar al-Assad đã lãnh đạo đất nước Syria từ năm 1970 và rất tự hào về sự hài hòa tương đối giữa các nhóm này. Khi những người biểu tình ở Syria yêu cầu các cải cách trong hệ thống chính trị, ông Bashar al-Assad xem điều này như một nỗ lực bất hợp pháp nhằm lật đổ chế độ hợp pháp của mình và đã có quyết định sai lầm: dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách sử dụng vũ lực không cần thiết.
Vì nhiều lý do phức tạp, ông Bashar al-Assad được sự ủng hộ của lực lượng quân đội, phần lớn là những người Kito, người Do Thái, người Hồi giáo Shi'ite, Alawite và những người lo sợ một sự tiếp quản của người Hồi giáo Sunni cực đoan. Triển vọng đối với việc lật đổ ông ta là rất xa.
Trong tháng 5/2015, một nhóm các nhà lãnh đạo toàn cầu được biết đến như "các vị trưởng lão" đã chỉ ra mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Nga và chế độ Bashar al-Assad cũng như mối đe dọa lớn của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đối với Nga, nơi có khoảng 14% dân số là người Hồi giáo Sunni.
Về quan điểm của Nga trong vấn đề Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cơ hội thực sự duy nhất để kết thúc xung đột là việc Mỹ, Nga cùng với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia chuẩn bị một đề xuất hòa bình toàn diện. Ông Putin tin rằng tất cả các phe phái ở Syria - trừ IS - sẽ chấp nhận bất cứ kế hoạch nào được sự ủng hộ mạnh mẽ bởi 5 nước này, với một bên là Nga và Iran ủng hộ ông Bashar al-Assad và 3 nước còn lại ủng hộ phe đối lập. Đề nghị này của ông Putin đã được ông Jimmy Carter chuyển tải tới Washington.
Trong 3 năm qua, "Trung tâm Carter" của ông Jimmy Carter cũng đã làm việc với người Syria thuộc các nhóm chính trị khác nhau, với lãnh đạo các nhóm đối lập vũ trang, các nhà ngoại giao đến từ Liên hợp quốc (LHQ) và châu Âu để tìm ra một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc xung đột. Nỗ lực này dựa trên nghiên cứu từ dữ liệu về thảm họa Syria mà trung tâm này đã tiến hành, trong đó chỉ ra vị trí của các phe phái khác nhau và cho thấy rõ rằng không bên nào ở Syria có thể giành chiến thắng bằng quân sự.
Quyết định mới đây của Nga ủng hộ chế độ Bashar al-Assad bằng các cuộc không kích và các lực lượng quân sự khác khiến cuộc chiến thêm phức tạp, làm tăng thêm mức độ trang bị vũ khí và có thể tăng dòng người tị nạn tới các nước láng giềng của Syria và khu vực châu Âu.
Với các lựa chọn rõ ràng này, 5 quốc gia đề cập ở trên có thể xây dựng một đề xuất đồng thuận. Tuy nhiên, khác biệt giữa họ vẫn tồn tại. Vài tháng trước, Iran đã đưa ra một chuỗi 4 điểm tổng thể bao gồm: một lệnh ngừng bắn, thành lập một chính phủ đoàn kết, cải cách hiến pháp và tiến hành bầu cử.
Ông Jimmy Carter kết luận: sự tham gia của Nga và Iran trong vấn đề Syria là rất cần thiết. Thực tế cho thấy sự nhượng bộ duy nhất của ông Bashar al-Assad trong 4 năm chiến tranh là từ bỏ vũ khí hóa học và ông ta làm điều đó chỉ vì sức ép từ Nga và Iran. Tương tự, ông Bashar al-Assad sẽ không chấm dứt cuộc chiến bằng cách chấp nhận các đòi hỏi do phương Tây áp đặt, nhưng dường như sẽ làm theo lời kêu gọi của các đồng minh.
Quyền lực lãnh đạo của ông Bashar al-Assad có thể sau đó sẽ kết thúc trong một quá trình có trật tự, một chính phủ (có thể chấp nhận được) sẽ được thành lập ở Syria và một nỗ lực phối hợp sau đó có thể được thực hiện để dập tắt mối đe dọa từ IS. Các nhượng bộ cần thiết không phải là từ các chiến binh ở Syria mà từ chính các quốc gia kiêu hãnh tuyên bố rằng họ muốn hòa bình nhưng lại từ chối hợp tác với nhau.