Khi chiếc máy thở phát ra âm thanh tít tít, các y bác sĩ lập tức lao đến phòng điều trị cho một người đàn ông lớn tuổi đang thở khó khăn. Quyết định đặt nội khí quản được đưa ra nhanh chóng. Đây là cơ hội bảo toàn tính mạng duy nhất cho bệnh nhân.
Trong số các nhân viên y tế làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt này, y tá Monica Aparecida Calazans, cho biết cô đã chứng kiến rất nhiều người chết do COVID-19: "Tôi đã mất 8 đồng nghiệp của mình vì COVID-19. Đây là một căn bệnh quái ác".
Y tá Calazans và nhiều đồng nghiệp của cô đang liều mạng chiến đấu với COVID-19, đại dịch mà Brazil đang không thể kiểm soát. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, cô được coi là một người rất may mắn. Vào giữa tháng 1, Calazans là người Brazil đầu tiên được tiêm vaccine, một kỳ tích không nhỏ ở một quốc gia mà nơi việc triển khai vaccine được coi là thảm họa.
Tính đến ngày 31/1, chỉ có 0,5% dân số tại Brazil này đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên của AstraZeneca hoặc Sinovac. Ở quốc gia này, chưa có một người dân nào được tiêm chủng đầy đủ cả hai mũi, ngoài một số người đã tham gia các thử nghiệm lâm sàng về vaccine.
Hơn nữa, nguồn cung vaccine tại Brazil cũng vô cùng hạn chế. Thậm chí, các kế hoạch tiêm chủng của chính phủ vẫn còn thiếu cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân.
Quay trở lại tháng 6/2020, ít ai nghĩ rằng Brazil sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai vaccine. Quốc gia này sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe khổng lồ, với nhân viên y tế có mặt ở gần như tất cả các đô thị của Brazil, trên khắp các bệnh viện và phòng khám. Quốc gia này cũng có kinh nghiệm lâu dài trong việc tiêm phòng cho người dân.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ liên bang đã coi thường đại dịch này. Tổng thống Jair Bolsonaro, người theo chủ nghĩa hoài nghi COVID-19, luôn tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Các chuyên gia cũng chỉ ra sự chậm trễ của chính phủ trong việc đảm bảo nguồn cung và việc thiếu đa dạng trong việc phân phối vaccine.
“Vào đầu đại dịch, tôi đã nghĩ rằng Brazil sẽ là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh tiêm phòng cho dân số của mình vì chúng tôi có kinh nghiệm làm điều đó. Chúng tôi có tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết. Bây giờ chúng tôi chỉ cần một vị tổng thống tốt hơn", ông Natalia Pasternak, nhà vi sinh vật học Brazil nói.
Các quan chức y tế liên bang Brazil ban đầu đã công bố kế hoạch tiêm chủng giống với kế hoạch của nhiều quốc gia lớn khác. Brazil cũng dự định sẽ sản xuất vaccine của AstraZeneca trong nước, với mục tiêu khoảng 30 triệu liều vào cuối tháng 1/2021.
Brazil đã đặt mục tiêu sẽ sản xuất thêm 200 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, với kế hoạch tiêm phòng cho nhân viên y tế và người cao tuổi đầu tiên, sau đó là những người dễ bị tổn thương.
Ban đầu, Chính phủ Brazil đã đặt hy vọng vào vaccine của hãng AstraZeneca. Song các thử nghiệm vaccine này mất nhiều thời gian hơn một số hãng khác, do tính chất chưa từng có của việc phát triển vaccine COVID-19.
Cơ quan quản lý vaccine của Brazil cuối cùng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine AstraZeneca vào ngày 17/1. Tuy nhiên, việc thiếu thành phần hoạt tính cần thiết để điều chế vaccine khiến các phòng thí nghiệm của Brazil vẫn chưa bắt đầu sản xuất hàng trăm triệu liều theo nhu cầu.
Các nhà cung cấp dự kiến sẽ bắt đầu đưa vaccine đến Brazil trong tuần này, nhưng sự chậm trễ đã phá hỏng kế hoạch của chính phủ.
Năm ngoái, khi các quốc gia lớn có sức mua tương tự đã đàm phán về thỏa thuận mua vaccine của Moderna và Sinovacm, nhưng Brazil vẫn không thay đổi quyết định của mình.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Y tế Brazil thậm chí đã từ chối lời đề nghị của Pfizer để mua tới 70 triệu liều vaccine của hãng này do lo ngại việc bảo đảm thanh toán và thỏa thuận về hợp đồng.
Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro gần đây tuyên bố rằng không có chính phủ nào có thể "làm tốt hơn chính phủ của ông đang làm."
Hy vọng lớn nhất của Brazil về nguồn cung vaccine đã chuyển sang CoronaVac, một loại vaccine do công ty Trung Quốc Sinovac phát triển. Các cơ quan quản lý đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại vaccine này từ hôm 17/1 và chính quyền Bolsonaro đã phê duyệt việc mua 100 triệu liều.
Nhưng ông Bolsonaro đã dành nhiều tháng để chỉ trích loại vaccine này. Ông nói rằng sản phẩm vaccine do Trung Quốc phát triển có thể gây chết người hoặc không có hiệu quả khi tiêm. Song khẳng định của ông không có bằng chứng.
Trong khi đó, Thống đốc đốc São Paulo João Doria, một đối thủ chính trị quan trọng và có khả năng là đối thủ cạnh tranh trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2022, đã ủng hộ loại vaccine này.
Thống đốc Doria đã thương lượng trực tiếp với Trung Quốc về vaccine của Sinovac và đã đảm bảo được hàng triệu liều Tuy nhiên, ông Doria buộc phải chuyển giao nguồn cung vaccine do Trung Quốc sản xuất tại bang của mình cho chính phủ liên bang.
“Chúng ta phải tiêm chủng nhanh hơn hiện tại. Chúng tôi cần thêm vaccine nhưng trách nhiệm này thuộc về chính phủ liên bang”, ông nói.
Tuy nhiên, Brazil lại đối mặt với một trở ngại khác. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, loại vaccine CoronaVac có vẻ kém hiệu quả hơn so với những đối thủ khác. Dữ liệu gần đây cho thấy vaccine do Trung Quốc phát triển có hiệu quả 50,4%, chỉ vượt qua chỉ dẫn 50% của WHO.
Tổng thông Bolsonaro nói rằng ngoài các thỏa thuận mua vaccine đã có, chính quyền của ông sẽ mua vaccine khi chúng có sẵn. Nhưng đây được coi là một tuyên bố mơ hồ, vì vaccine là một trong những mặt hàng được săn lùng nhiều nhất trên thế giới.
Sự mơ hồ và hỗn loạn trong việc triển khai vaccine của Brazil diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tại quốc gia này bùng phát mạnh mẽ chưa từng thấy. Tổng số ca bệnh và tử vong hàng ngày tại Brazil đã tăng cao nhất kể từ đầu đại dịch cho đến nay, một biến thể virus mới đã xuất hiện có khả năng dễ lây truyền hơn và có thể gây tử vong cao hơn, càng làm tình hình trở nên hỗn loạn.
“Vaccine cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng hiện tại, nguồn cung vaccine đơn giản là không tồn tại. Tôi lo lắng và tức giận khi ngay từ đầu chính phủ đã tầm thường hóa căn bệnh này", anh Júlio César Barbosa, một y tá làm việc tại một bệnh viện ở São Paulo, nói.