Bị mắc kẹt giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại châu Á, Seoul đang chịu sức ép nặng nề để tìm ra một lối thoát khỏi thế bế tắc chính trị hiện nay, trong bối cảnh quan hệ với Tokyo, Moskva và Bình Nhưỡng đang xấu đi.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Hàn Quốc – nước cho phép Mỹ xây căn cứ quân sự lớn nhất thế giới tại Pyeoungtaek – cùng với hai đồng minh lớn nhất của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Nhật Bản và Australia đang trong nguy cơ bị kẹt giữa cái gọi là thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh liên minh. Theo đó, thành lập một khối an ninh có thể chứa đựng nhiều rủi ro hơn là không tham gia.
Hàn Quốc luôn nằm trong tầm quan sát của radar Trung Quốc bởi Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ Mỹ có thể tấn công Trung Quốc từ căn cứ tại quốc gia Đông Bắc Á, cũng giống như Washington từng lo sợ việc Nga triển khai tên lửa tại Cuba thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, những mối lo ngại này đã dâng lên hàng đầu kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) – động thái được cho là nhằm kiểm tra sự mở rộng quân sự của Bắc Kinh và Moskva tại châu Á – Thái Bình Dương.
Chính phủ Bắc Kinh ngày 6/8 cảnh báo đưa ra biện pháp đáp trả nếu Mỹ lắp đặt tên lửa mặt đất tại Hàn Quốc và Nhật Bản. “Tôi khuyên các quốc gia láng giềng phải thận trọng cũng như không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trong lãnh thổ của họ”, ông Fu Cong, Giám đốc Ban kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Vài giờ sau đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã nhắc đến Seoul và Tokyo khi ông nói rằng kế hoạch triển khai tên lửa của Washington ở châu Á là nhằm bảo vệ các đồng minh trong khu vực – cho thấy khả năng hai nước trên có thể trở thành các căn cứ tên lửa của Mỹ.
“Chúng tôi đang nói về duy nhất việc bảo vệ các lực lượng của chúng tôi, các đồng minh tại Hàn Quốc, Nhật Bản và những nơi khác. Chính Trung Quốc mới đang tăng cường các lực lượng quân sự và là mối đe dọa”, ông Bolton nói.
Trong khi ông Fu và ông Bolton đối đáp qua lại, Seoul đã nhớ lại cơn ác mộng năm 2017 khi Mỹ đem hệ thống tên lửa phòng không THAAD ở miền Đông Nam nước này như một biện pháp đối phó với loạt vụ thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.
Bắc Kinh kịch liệt phản đối động thái trên, lập luận rằng nó sẽ cho phép Chính phủ Mỹ nhìn sâu vào đại lục và giám sát các cơ sở quân sự của Trung Quốc. Sau đó, nước này đã đưa ra các biện pháp trừng phạt không chính thức đối với Hàn Quốc, trong đó có tẩy chay du lịch.
Ngày 6/8, Seoul đã bác bỏ đồn đoán về việc nước này sẽ cho phép lắp đặt tên lửa của Mỹ. Nhà Xanh cho biết chưa nhận được đề nghị chính thức nào. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định thế khó của Seoul chính là chỗ này.
“Hàn Quốc phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và phụ thuộc Mỹ về an ninh. Thật khó để chọn lựa đi theo bên nào”, ông Cha Du-hyeogn, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách châu Á nhận xét.
Theo ông Cha Du-hyeogn, Trung Quốc có thể đánh giá việc triển khai tên lửa tại Hàn Quốc là một kế hoạch của Mỹ để kìm hãm sự mở rộng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương.
“Nhưng nếu Trung Quốc trông chờ Seoul có thể nghiêng về phía Bắc Kinh trong vấn đề an ninh, tôi muốn nói rằng họ hoàn toàn sai lầm. Từ lâu, Hàn Quốc tuyên bố liên minh với Mỹ sẽ thắng thế, ngay cả sau khi thống nhất hai miền”, ông Cha nói.
Thật vậy, thế tiến thoái lưỡng nan của Seoul còn vượt quá vấn đề triển khai tên lửa, khi nó đối mặt với những thách thức quân sự và kinh tế khác từ Tokyo, Bình Nhưỡng và Moskva.
Seoul đang đối mặt với sức ép kinh khủng từ Tokyo khi nước này nỗ lực cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, dẫn tới dấu hiệu suy yếu của liên minh Mỹ - Hàn – Nhật.
Tokyo đã chính thức xóa tên Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được tạo điều kiện thương mại tối ưu với Nhật Bản, khiến Seoul không đủ điều kiện để thông quan xuất khẩu nhanh chóng kể từ ngày 28/8. Tranh cãi thương mại giữa hai quốc gia láng giềng châu Á này đã bị thổi bùng từ những bất đồng khó xử lý trong vấn đề lao động cưỡng ép thời chiến tranh.
Nền an ninh của khu vực Đông Á càng thêm phức tạp sau loạt vụ Triều Tiên phóng tên lửa gần đây.
Người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong hôm 6/8 báo cáo quốc hội rằng Bình Nhưỡng đã không trả lời cuộc gọi trên đường dây liên lạc trực tiếp của Seoul.
Diễn biến xấu mới nhất trong quan hệ trên Bán đảo Triều Tiên diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất thành lập một “nền kinh tế hòa bình” giữa hai miền liên Triều.
“Nền kinh tế của Nhật Bản đã vượt trội chúng ta về quy mô tổng quát của nền kinh tế và thị trường nội địa. Nếu hai miền liên Triều có thể tạo ra một nền kinh tế hòa bình thông qua hợp tác kinh tế,
chúng ta có thể đuổi kịp Nhật Bản trong một bước nhảy vọt”, ông Moon phát biểu trước đó.
Phó Giáo sư Leif-Eric Easley tại Ban Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Ewha ở Seoul cho rằng việc ông Moon nói về một “nền kinh tế hòa bình” là còn quá sớm trong bối cảnh Triều Tiên vẫn tiếp tục thử tên lửa, từ chối nhận viện trợ nhân đạo của Seoul cũng như vẫn nằm trong lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Ông Easley cho biết Hàn Quốc đang trong thế khó khăn liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự đáp trả của Tokyo về những vấn đề thời chiến tranh thuộc địa.
Giữa lúc các đồng minh chính của Mỹ tại châu Á lục đục, Nga cũng phô trương sức mạnh quân sự tại khu vực này. Tháng trước, các máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc đã tập trận tuần tra chung lần đầu tiên trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông.
Các chính trị gia Hàn Quốc đã bị chia rẽ về cách thức để tìm ra một sự đột phá trong thế bế tắc địa chính trị này. Trong khi những người bảo thủ kêu gọi khôi phục liên minh ba bên bằng cách khôi phục quan hệ với Tokyo, những người cấp tiến lại nhấn mạnh rằng Seoul phải giành chiến thắng trong trận chiến với Nhật Bản.