Kênh ngoại giao quan trọng của ông Obama với Nga

Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã ngấm ngầm trong nhiều tháng trời tạo dựng một mối quan hệ đối tác mới với Nga bất chấp thực tế rằng Tổng thống Vladimir Putin thể hiện rất ít sự quan tâm tới việc cải thiện mối quan hệ với Washington.

Hãng tin Bloomberg trích nguồn từ một số quan chức cấp cao giấu tên, trong tháng 12/2014, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã hoàn thành một bản đánh giá toàn diện về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Nga trong đó bao gồm nhiều cuộc gặp từ Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng và các cơ quan khác.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.


Theo đó, Tổng thống Obama đã đi đến quyết định tiếp tục tìm phương pháp để hợp tác với Nga trong việc thực hiện các vấn đề song phương hoặc vấn đề quốc tế.

Người được giao trọng trách trong nhiệm vụ này là Ngoại trưởng John Kerry. Mùa thu 2014, ông Kerry thậm chí đã đề nghị được đến Moskva và gặp trực tiếp ông Putin. Tuy nhiên vì một số lý do nên cuộc gặp đã không diễn ra.

Kerry được chọn mặt gửi vàng không chỉ vì vị trí của ông mà còn vì quan hệ được cho có phần thân thiết với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, một kênh ngoại giao đặc biệt giữa Washington và Moskva. Hãng tin Bloomberg cho biết hai nhà ngoại giao Nga, Mỹ có những cuộc gặp không có sự hiện diện của nhân viên và cũng thường trao đổi với nhau qua điện thoại.

Ông Obama và Putin trong khi đó lại được biết đến có mối quan hệ căng thẳng và hiếm khi trò chuyện. Trong một vài lần đối thoại cùng Ngoại trưởng Lavrov, ông Kerry đã đưa ra đề nghị với Nga rằng nước này sẽ chủ động dỡ bỏ từng phần các lệnh trừng phạt kinh tế nhưng kèm theo điều kiện. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết ông Lavrov đã từ chối bàn bạc vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông Kerry cũng thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Nga và Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Đầu tháng này, ông đã mời Ngoại trưởng Lavrov đến đối thoại trong những phút cuối tại Rome để bàn về vấn đề xung đột Israel - Palestine.

Sau một cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov tại Paris (Pháp) trong tháng 10/2014, ông Kerry công bố rằng ông đã bàn những khả năng hợp tác giữa Mỹ và Nga trong các vấn đề Afghanistan, Iran, Syria, Yemen và CHDCND Triều Tiên.

Ông Kerry tỏ ra tích cực hơn trong việc hâm nóng lại mối liên kết với Nga hơn là Tổng thống Obama, nhất là sau khi vị Tổng thống 53 tuổi chỉ trích các động thái của Nga trong một phát biểu quan trọng tại Liên hợp quốc.

Sau sự kiện đó, Ngoại trưởng Lavrov đã nói với một phóng viên của Nga: “Ông Kerry cho biết chúng tôi có rất nhiều điều nghiêm túc để bàn và tất nhiên phát biểu của Tổng thống Obama là điều không may, hãy thôi tập trung vào nó”.


Vào ngày 18/12, ông Obama đã ký thêm những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga đồng thời quyết định hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Cuối tháng 12/2014, Mỹ đã đưa 4 quan chức Nga vào danh sách trừng phạt nhưng không liên quan đến vấn đề Ukraine.

Chính những trừng phạt mới nhất trên cho thấy việc sửa đổi lại các vấn đề trong quan hệ song phương từ các cơ hội như chính quyền Obama muốn là điều không thể. Một số chuyên gia tin rằng kế hoạch để làm ấm mối quan hệ Nga - Mỹ dường như khó thành công bởi nó không có sự toàn tâm của hai vị Tổng thống.

Không những vậy, một số chuyên gia còn nhận định rằng kênh ngoại giao qua hai người đồng cấp Kerry và Lavrov có thể đem lại kết quả không như ý. Ông Obama đã nêu rõ rằng trong hai năm cuối nhiệm kỳ, ông sẽ chuẩn bị những bước đi lớn trong chính sách ngoại giao ngay cả khi nó chịu nhiều phản đối từ quốc hội với lưỡng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.


H.Linh (Theo Bloomberg)
Ngoại trưởng Lavrov: Sự nguội lạnh trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ kéo dài
Ngoại trưởng Lavrov: Sự nguội lạnh trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ kéo dài

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định rằng kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, sự nguội lạnh trong quan hệ Nga – Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN