Cuộc giải cứu các em nhỏ có thể coi là thành công và kết thúc có hậu, cho dù một thợ lặn của Lực lượng Hải quân Thái Lan đã hy sinh vài ngày trước trong quá trình hỗ trợ công tác cứu hộ.
Các thành viên đội bóng thiếu niên được tìm thấy an toàn trong hang Tham Luang ngày 4/7. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN |
Trên thế giới từng có không ít chiến dịch cứu hộ khó khăn, song có lẽ chiến dịch cứu hộ các em nhỏ ở hang sâu Tham Luang được xem là nguy hiểm nhất. Trong điều kiện hang sâu bị ngập nước, địa hình khó khăn, tầm nhìn hạn chế, nước mưa vẫn không ngừng đổ vào hang thì việc những nhân viên cứu hộ đánh cược mạng sống của mình để cứu các em nhỏ rất đáng khâm phục. Cuộc giải cứu này sẽ trở thành một trong những ví dụ về các cuộc giải cứu trong hang động thành công.
Trước khi nhóm cứu hộ chính thức bắt đầu cuộc giải cứu đầu tiên vào sáng 8/7, Chỉ huy chiến dịch cứu hộ Norongsak Osoththnakorn thừa nhận cuộc giải cứu 13 người cực kỳ khó khăn, vượt quá những gì mà giới chức nước này từng hình dung. Việc tìm thấy các thành viên đội bóng sau 10 ngày mất tích trong hang là việc rất khó khăn, nhưng giải cứu họ ra khỏi hang khó gấp nhiều lần. Nhiều chuyên gia phải thừa nhận rằng chưa bao giờ thấy trường hợp như thế xảy ra trong quá khứ, khiến nhiều người không biết phải tiến hành cách thức nào.
Ông Norongsak nói rằng cái khó chính là việc chưa biết phải chọn giải pháp nào để đưa các em ra khỏi hang động, vì các phương án đưa ra đều gặp phải nhiều trở ngại. Giới chức Thái Lan cũng cảm thấy lúng túng và không biết xử lý như thế nào để thực hiện nhiệm vụ. Nhà chức trách chịu rất nhiều sức ép khi không ít người dân trách móc chính quyền đã không làm hết khả năng để cứu những đứa trẻ sớm nhất có thể.
Tổng cộng có 90 thợ lặn, bao gồm 50 thợ lặn nước ngoài và 40 thợ lặn Thái, đã tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ đưa 13 thành viên đội bóng ra khỏi hang Thuam Luang. Đây được coi là những thợ lặn tinh nhuệ hàng đầu thế giới. Ngoài lực lượng cứu hộ chính, Thái Lan cũng đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp trong nước, tổ chức và chuyên gia nước ngoài từ Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc, Lào và Myanmar.
Trước đó, ngày 2/7, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, hơn 1.000 thành viên lực lượng cứu hộ Thái Lan, 30 binh sĩ Mỹ cùng các chuyên gia nước ngoài đã tìm thấy đội bóng mắc kẹt sâu bên trong hang động Tham Luang. 12 nam thiếu niên, tuổi từ 11 đến 16, cùng huấn luyện viên 25 tuổi bị mất tích từ tối 23/6. Lực lượng cứu hộ đã triển khai ngay hoạt động tìm kiếm từ ngày 24/6, ngay sau khi phát hiện xe đạp cùng giày đá bóng của đội tại miệng hang Tham Luang. Rất may sau gần 10 ngày trú ẩn trong hang và nhịn đói, các thành viên đội bóng vẫn còn sống sót nhờ thể lực và sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, việc đưa các em ra khỏi hang chưa thể thực hiện ngay do địa hình phức tạp và trong hang vẫn còn ngập nước.
Quá trình cứu hộ đã diễn ra hết sức khó khăn do mưa lớn liên tục khiến hang động bị ngập. Các thợ lặn đã nhiều lần tiếp cận được gần khu vực nghi là đội bóng và huấn luyện viên tạm trú ẩn nhưng chưa thể tiến vào sâu do nước dâng quá cao và chứa nhiều bùn đất. Chính quyền địa phương đã tiến hành hút bớt nước trong hang ra, cũng như ngăn không cho nước bên ngoài chảy vào hang. Khi tình hình thời tiết diễn biến xấu khi mưa lớn xuất hiện trở lại, nhà chức trách đã quyết định không thể chờ đợi hơn nữa. Việc chiến dịch giải cứu bắt đầu từ 10h sáng 8/7 cho thấy sự lo lắng của đội ngũ giải cứu rằng nếu họ không hành động nhanh chóng, mưa lớn sẽ trở lại và làm nước dâng lên trong hang, thậm chí đến mức có thể làm ngập nơi những người mắc kẹt đang trú lại.
Mọi quyết tâm và ý chí đã được đền đáp khi khoảng thời gian 17h30 phút ngày 8/7, thành viên đầu tiên của đội bóng đã được 2 thợ lặn đi kèm ra ngoài hang. Sau đó, 3 thành viên khác cũng lần lượt được đưa khỏi hang trong những giờ sau đó. Đợt cứu hộ đầu tiên diễn ra thành công đem lại niềm vui và hy vọng. Do thời tiết mưa lớn trong đêm 8/7, lực lượng cứu hộ đã phải dừng hoạt động trong gần 10 giờ để tiến hành đặt lại các bình dưỡng khí trong quãng đường giải cứu dài tới 5km trong hang, đến 11h trưa ngày 9/7, đợt cứu hộ thứ hai bắt đầu và nhờ kinh nghiệm rút ra trong ngày đầu tiên, nên chỉ khoảng 8 giờ sau đó, đã có 4 thành viên khác của đội bóng tiếp tục được đưa ra khỏi hang Tham Luang. Ngày thứ 3 của chiến dịch cứu hộ được bắt đầu sớm hơn hai ngày trước với mục tiêu đưa toàn bộ 5 thành viên còn lại ra khỏi hang, và đến gần 19h ngày 10/7, những thành viên còn lại của đội bóng lần lượt được đưa ra ngoài trong sự vui mừng khôn siết của những người tham gia cuộc giải cứu.
Chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan trong hang Tham Luang ra ngoài cho thấy sức mạnh của tình đoàn kết và lòng nhân đạo. Trong hơn hai tuần tìm kiếm và cứu nạn ở hang Tham Luang, các thợ lặn không chỉ thể hiện sự can đảm tuyệt vời mà còn cả những kỹ năng đáng kinh ngạc. Khó có thể tưởng tượng được mức độ khó khăn của công việc giải cứu, khi các hoạt động phải tiến hành sâu dưới lòng đất, trong những ngách hang vô cùng hẹp đầy vách đá lởm chởm, dòng nước chảy xiết và nước đục đến mức gần như không nhìn thấy gì.
7 nước bao gồm Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Lào đã cử các chuyên gia đầy kinh nghiệm tới trợ giúp Thái Lan, khiến số người tham gia chiến dịch giải cứu lên tới hơn 1.000 người. Nỗ lực này cho thấy thế giới vào một thời điểm nào đó hoàn toàn có thể hợp tác tích cực vì một mục tiêu chung.Vào lúc này khi những thành viên của đội bóng đã an toàn, nhiều người bày tỏ sự biết ơn đối với Saman Gunan, thợ lặn Thái Lan hy sinh hôm 6/7 do thiếu oxy khi đang trên đường ra khỏi hang Tham Luang. Việc anh sẵn sàng đánh cược cả mạng sống vì nhóm thiếu niên là dấu ấn đáng nhớ trong quá trình giải cứu, thể hiện lòng dũng cảm chân chính, hoàn toàn không vụ lợi.