Một thành công, một thất bại
Theo tờ New York Time, quả tên lửa được phóng sáng 14/5 bay chừng 700 km từ thành phố Kusong ở Tây Bắc Triều Tiên rồi rơi xuống vùng biển giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Phát ngôn viên Hải quân Mỹ Rob Shuford cho rằng các dữ liệu về đường bay của tên lửa cho thấy đây không phải tên lửa đạn đạo khiến Mỹ lo ngại nhất.
Các quan chức Hàn Quốc nhận định, với khoảng cách bay 700 km, vụ phóng tên lửa mới nhất được đánh giá là thành công.
Thành công của vụ phóng sáng 14/5 trái ngược hẳn với vụ phóng cuối tháng trước, khi tên lửa nổ tung chỉ vài giây sau khi phóng. Trong lần phóng này, tên lửa đạn đạo bay từ khu vực phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng và có thể là tên lửa KN-17. Tên lửa nổ khi đạt độ cao 71 km và chưa rời lãnh thổ Triều Tiên. Đây là vụ thử tên lửa thất bại thứ 4 liên tiếp của Triều Tiên kể từ tháng 3.
Bối cảnh ngoại giao
Vụ phóng tên lủa sáng 14/5 được coi là màn “chào hỏi” của Triều Tiên với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa nhậm chức được 4 ngày.
Triều Tiên lại vừa phóng tên lửa "chào hỏi" tân Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Getty |
Ông Moon thắng cử đồng nghĩa với việc chủ nghĩa tự do quay trở lại cầm quyền ở Hàn Quốc. Theo quan điểm của những người theo đường lối dự do Hàn Quốc, đối thoại có tác dụng hơn trừng phạt trong ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa, hạt nhân Triều Tiên.
Kể từ khi nhậm chức ngày 10/5, ông Moon cho biết sẽ sẵn sàng tới thăm Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích quân sự, sẽ khó để tái khởi động đối thoại trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo New York Times, Triều Tiên thường gia tăng căng thẳng để tạo lợi thế khi các đối thủ đề xuất đàm phán.
Bà Choi Sun-hee, quan chức ngoại giao hàng đầu Triều Tiên và là người phụ trách quan hệ với Mỹ, ngày 13/5 đã phát biểu tại Bắc Kinh, Trung Quốc: Chính phủ Triều Tiên sẽ sẵn sàng gặp chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump để đàm phán nếu điều kiện được thiết lập.
Bà Choi không nói rõ điều kiện của Triều Tiên là gì. Tuy nhiên, một số cựu quan chức Mỹ và nhà phân tích đang xem xét khả năng Triều Tiên và Mỹ trở lại đàm phán lần đầu từ năm 2008 – thời điểm đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên sụp đổ.
Về phần mình, ông Trump cho biết sẽ “vinh dự” gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tình huống phù hợp.
Ngoài tạo lợi thế trước khả năng đàm phán, một điều quan trọng nữa là hành động phóng tên lửa sáng 14/5 có thể một phần nhằm thử phản ứng của tân tổng thống Hàn Quốc, một phần để phản đối cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ, Nhật Bản, châu Âu ở Thái Bình Dương.
Theo tờ Star Tribune, vụ phóng tên lửa đã buộc ông Moon, ít nhất là lúc này, phải đặt vấn đề đàm phán với Triều Tiên lên trên đầu, trên cả chương trình nghị sự kinh tế mà ông coi là ưu tiên trong những ngày đầu nhậm chức.
Tân Tổng thống Moon Jae-in vừa nhậm chức đã phải đối mặt với một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: CNN |
Trong khi vụ phóng sáng 14/5 diễn ra trong bối cảnh có hi vọng về đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, thì vụ phóng ngày 29/4 lại diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên bị đe dọa.
Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cảnh báo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng thất bại trong kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân Triều Tiên có thể dẫn tới hậu quả thảm khốc.
Chỉ vài giờ trước khi Triều Tiên phóng tên lửa, ông Tillerson đã phát biểu tại Liên hợp quốc và kêu gọi tăng sức ép với Triều Tiên. Theo ông Tillerson, phải thảo luận mọi phản ứng trước việc Triều Tiên có hành động khiêu khích, từ ngoại giao, trừng phạt cho tới đáp trả bằng hành động quân sự nếu cần.